Nếu cần chọn ra một trăm bài thơ hay nhất của thế kỷ XX, người ta nhất định phải lấy Tống biệt hành của Thâm Tâm. Song chính trong thời gian viết ra những câu thơ bất hủ ấy, tác giả còn cho in nhiều truyện ngắn mà đến nay vẫn chìm trong quên lãng. Tại sao? Qua việc tìm hiểu số phận các sáng tác của Thâm Tâm Nguyễn Tuấn Trình (1917-1950), có thể rút ra một vài quy luật chung của văn chương.
Từ những năm dúm dùm làm báo Bắc Hà với Trần Huyền Trân và Nguyễn Bính, cho tới những ngày làm thuê viết mướn cho Tiểu thuyết thứ bảy, Thâm Tâm trong đời sống văn học trước 1945 được biết tới như một kẻ khá lận đận. Qua những năm kháng chiến chống Pháp, khi Thâm Tâm chuyển về công tác ở báo Vệ quốc quân, người ta không thể nói là ông lận đận nữa, nhưng trong những ngày gian khổ ấy, tìm đâu ra chút bình tâm để trau chuốt mấy câu thơ như ý muốn! Và rồi cái chết ập đến, Thâm Tâm ra đi ở tuổi 33. Cho đến cả khi qua đời rồi, đấy vẫn là một số phận không may, ít ra là về đường văn nghiệp: Tập thơ riêng của ông mãi tới 1987 (còn sống, ông đã bảy mươi!) mới được in ra, mà lại là một tập thơ mỏng mảnh, chỉ vài chục trang, không đủ làm nên một cuốn sách có gáy. Hỡi ơi, Thâm Tâm khí phách, Thâm Tâm tài hoa! Không chừng chung quanh câu chuyện giời ơi đất hỡi về T.T.K.H., người ta còn chi ra nhiều giấy mực hơn, so với các trước tác do chính ông viết.
Chắc hẳn nhiều người đã nghĩ thế và tôi cũng nghĩ thế.
Vốn sẵn cảm tình với tác giả Can trường hành, Tống biệt hành... cho tới gần đây, có dịp đọc ít trang Tiểu thuyết thứ bảy, tờ báo chuyên về văn chương, phong cách bình dân như cơm bụi, do đó, thuộc loại phổ biến nhất, mấy năm trước 1945, tôi sung sướng nhận thấy trên Tiểu thuyết thứ bảy năm 1942-1943, cứ khoảng hai tuần một lần, loại một sáng tác văn xuôi hoặc kịch ngắn (thực chất cũng là một thứ văn xuôi biến dạng) của Thâm Tâm (khi ký tên thật Tuấn Trình, khi ký bút danh Thâm Tâm). Đến Nam Cao hồi ấy, đang độ chín của ngòi bút, cũng chỉ cho in đều đều đến thế.
Với tâm lý của một người làm nghề xuất bản, những mong săn được của quý trong sách báo lưu trữ, tôi thoáng ngạc nhiên: sao với Nam Cao, người ta đã sưu tầm sạch sành sanh, còn với Thâm Tâm, tác phẩm bỏ sót còn nhiều thế này?!
Nhưng đọc kỹ, tôi nhận ra là tôi mừng hụt. Chính tôi tưởng lầm chứ không phải người trước bỏ sót. Trong khi tác phẩm Nam Cao tự chứng tỏ sức sống mạmh mẽ ở khả năng gia nhập vào đời sống hiện đại của chúng - các thế hệ bạn đọc hôm nay vẫn có cảm tưởng nhiều truyện Nam Cao như viết dành riêng cho mình - thì (xin lỗi, cho phép tôi nói thật!), truyện ngắn của Thâm Tâm hiện ra cũ càng, xa lạ. Những gì mà vào thơ trở thành những bài thơ bi phẫn, u uất, và có một cốt cách cao quý, lúc qua văn xuôi, lại hoặc nhạt nhẽo, hoặc bơ vơ không đâu vào đâu, giống như hồi quang lờ mờ hiu hắt của một cách nghĩ cách cảm có phần lỗi thời.
Trách chi, trong một tài liệu sưu tầm nghiên cứu khá công phu như Tổng tập văn học Việt Nam, hai tập 30A và 30B, các soạn giả chỉ chọn cho Thâm Tâm có một truyện ngắn (truyện Tháng ba sấm động), ngụ ý để bạn đọc thêm cho có ý vị, trong khi Nam Cao, cũng như Nguyên Hồng, trở thành tác giả trụ cột của bộ sách.
Tôi kể những chuyện này để làm gì?
Thứ nhất, về mối quan hệ giữa đời người và sáng tác. Hoá ra, sự lận đận trong đời và những tâm huyết trong khi viết không phải là bảo đảm chắc chắn cho chất lượng tác phẩm. Người ta có thể sống rất cơ cực và gửi gắm nhiều đau đớn xót xa vào các dòng chữ mà khi in ra, tác phẩm vẫn cứ nhạt nhẽo, vơ vẩn và không làm ai cảm động. Đây là điều đã xảy ra ở nhiều người, không riêng gì Thâm Tâm.
Thứ hai, về một quy luật tồn tại trong văn học và nói chung là một đặc điểm của văn học: ở cùng một tác giả, có khi cả vài ngàn trang hậm hụi viết ra lại trôi tuột đi, trong khi một bài thơ vài chục câu viết vội trong bữa rượu tiễn bạn - như trường hợp bài Tống biệt hành - lại trở thành bất hủ và còn mãi với đời. Văn chương thật đỏng đảnh, thật tai quái chăng? Có lẽ thế. Song nếu nghĩ lại, và nhận ra rằng biết đâu, chính từ hàng ngàn trang đã viết ra kia, cố kết lại, rồi người cầm bút mới ứng tác được mấy chục câu thơ này thì người ta lại như được an ủi. Văn chương vẫn có cái lý riêng và lẽ công bằng riêng của nó!
Vương Trí Nhàn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét