Thứ Bảy, 24 tháng 8, 2013

Những phút cuối cùng của Thâm Tâm - Trúc Kỳ


Thu Đông 1950, sau mấy tháng đi theo Trung đoàn 209, tôi đang náo nức chuẩn bị cùng bộ đội hành quân tham gia chiến dịch Biên giới thì nhận được điện ở nhà gọi về gấp nhận nhiệm vụ mới. Lần theo địa chỉ ghi trong bức điện, tôi đi một mạch mấy ngày liền không nghỉ để nhanh chóng về tới nơi xem có việc gì khẩn cấp đến thế. Chỗ ở mới của cơ quan tôi là một bản nhỏ của đồng bào Nùng ở chân đèo Mã Phục, gần thị trấn An Lại, cách thị xã Cao Bằng khoảng mười tám kilômét về phía Bắc.
Anh Trương Công Cẩn lúc đó là Trưởng ban tuyên truyền Mặt trận biên giới đang ở nhà làm thường trực cơ quan. Thấy tôi về anh mừng rỡ:- Cậu đã về đấy ư, tốt quá!
Sau khi hỏi thăm tôi về tình hình học tập, công tác, sức khỏe, đi đường.... anh nói ngay: - Thâm Tâm ở ngoài kia đang bị ốm. Nhà chẳng còn ai, đi các mặt trận hết cả. Phải điện gấp cho cậu về ra thay cậu ấy. 
Chiến dịch sắp bắt đầu rồi. Tôi ngủ lại một đêm nơi anh Cẩn để lấy sức. Sớm hôm sau tôi lên đường từ lúc còn tinh mơ. Anh Cẩn đưa cho tôi địa chỉ của Thâm Tâm và căn dặn:- Nếu Thâm Tâm nặng quá thì cậu cho cáng ngay về đây. Ngoài đó khi ta nổ súng địch tất sẽ ném bom dữ dội, cậu ấy sẽ khó được an toàn, mà cậu cũng sẽ không thể yên tâm làm việc được.
Tôi chào anh, ra khỏi bàn, lượn quanh mấy sườn đồi rồi cứ theo đường cái lớn mà đi. Tới chỗ Thâm Tâm còn phải đi trên ba mươi km nữa. Chiến dịch đang được chuẩn bị rất khẩn trương. Bộ đội và dân công ngược xuôi hối hả. Lừa ngựa, rồi xe vận tải, xe kéo pháo... ùn ùn chảy như một dòng suối. Chưa bao giờ đường ra mặt trận lại nhộn nhịp như lần này. Đường dài đối với tôi như được rút ngắn lại, đôi chân như càng đi càng dẻo thêm ra.
Khoảng bốn giờ chiều tôi tới nơi Thâm Tâm ở. Đó là bản Piềng, một bản ở sát núi đá, trên con đường từ Phục Hòa đi Thủy Khẩu. Thâm Tâm được điều ra đây để làm tờ báo của Mặt trận Cao Lạng. Tòa soạn mới có anh và một chú liên lạc. Theo kế hoạch thì hai anh em sẽ cùng ăn ở với bộ phận ấn loát có mười hai người được tách từ nhà in quân đội lên đây phục vụ chiến dịch. Bộ phận này có nhiệm vụ in tờ báo và tất cả các tài liệu tuyên truyền của mặt trận. Do phải mang nặng máy móc và các phương tiện ấn loát cồng kềnh, đường lại quá xa, nhiều đoạn lầy lội và đèo dốc khó đi nên anh em không đến kịp hẹn. Khi Thâm Tâm và chú liên lạc tới địa điểm thì mới có một tổ tiền trạm hai người của nhà in đang làm nhiệm vụ liên hệ với địa phương để sắp xếp trước chỗ ăn chỗ ở và nơi làm việc cho anh em. Thâm Tâm và chú liên lạc được tổ phân về một nhà trong bản. Nhưng khi tôi tìm vào nhà đó thì không thấy hai người ở đâu. Hỏi ra mới được biết hai anh em mới chuyển ra một cái lán nhỏ gần bìa rừng sau bản. 
Tôi lần theo một đường mòn tới một cái lán thóc ở cách nhà dân chừng hai trăm mét. Lán được làm theo kiểu nhà sàn nhưng nhỏ hơn và rất vuông vắn. Sàn lán là một tấm phên vuông đan bằng nứa đập dập, trông như một chiếc chiếu cực dày, mỗi bề chừng ba mét. Bốn bề lán không có phên thưng, trống huếch trống hoác, lộng gió như ở ngoài đồng. Giữa sàn có một chiếc màn cá nhân còn buông thõng, bên trong có một người đang nằm, chăn trùm kín mít. Tôi đang ngó tìm chú liên lạc và tự hỏi sao Thâm Tâm lại chuyển ra một chỗ heo hút và trống trải như thế này thì chú liên lạc từ đâu đã chạy về, mang theo một cà mèn cháo. Chú reo to:
- Trời ơi, anh đến lúc nào thế? Em phải vào bản nấu cháo, ở ngoài này không có nồi cũng không có bếp.
Chừng như đoán được thắc mắc của tôi, chú tiếp ngay:
- Anh Thâm Tâm bị nặng quá, sốt li bì mấy hôm rồi. Dân sợ anh ấy chết, cái ma nó về bắt mất người trong bản nên không cho anh ấy ở trong nhà nữa. Em phải đưa tạm anh ấy ra ngoài này, không còn biết làm thế nào. Anh xem có cách nào hơn không, em cũng thấy không thể để thế này được.
Tiếng nói của chú liên lạc làm cho Thâm Tâm chợt tỉnh. Anh cố vén màn thò cổ ra ngoài và nhìn thấy tôi. Anh nói:
- Trúc Kỳ đã về đấy ư? Mình mong cậu nhiều lắm!
Chợt thấy mặt anh và nghe anh nói thều thào, tôi giật mình sững sờ cả người. Chao ôi, người hỏi tôi đấy là Thâm Tâm thật ư? Sao anh có thể biến đổi mau chóng đến thế được? Tôi còn nhớ rõ, mới hôm đầu năm, sau buổi liên hoan tiễn anh em tòa soạn đi công tác, anh nói riêng với tôi:
- Bọn mình đã thu xếp để cậu có thể đi dài ngày chuyến này được. Cậu sẽ đi theo trung đoàn anh Lê Trọng Tấn và anh Trần Độ, rồi về tham gia chiến dịch. Cậu cố gắng viết đều và viết nhiều gửi về nhé.
Giọng anh hồ hởi, mặt mày anh rạng rỡ. Mấy “chén quan hà”, như anh thường hay nói đùa với tôi, làm cho đôi má anh thêm hồng hào, người anh thêm trẻ ra. 
Thế mà giờ đây, trước mặt tôi là một Thâm Tâm hoàn toàn khác. Đôi má hõm sâu làm cho khuôn mặt anh vốn đã gầy càng thêm gầy guộc. Da mặt anh vàng khè, đôi mắt anh càng vàng hơn dưới đôi quầng thâm xịt. Tiếng nói như của một người bị đứt hơi. Tôi quẳng vội ba lô xuống sàn nứa, ôm chầm lấy anh. Qua lần chăn mỏng, tôi thấy người anh chỉ những xương là xương. Và nóng, trời ơi, nóng như lửa đốt. Anh lắp bắp nói:
- Mình bại mất cậu ạ!
Tôi ghì chặt lấy anh, hối hả nói như muốn dập tắt ngay cái lời nói gở đó của anh:
- Không, cậu không thể bại được, thế nào cậu cũng khỏi!
Tôi nói át đi như vậy, cốt mong để anh đừng tuyệt vọng. Nhưng cứ nhìn đôi mắt anh như đã lạc đi, nghe giọng nói của anh bắt đầu ngọng, chính tôi cũng thấy lo lắng vô cùng.Trong tình hình này, tôi thấy không thể nào để anh ở lại đây được, mà phải đưa ngay anh về chỗ anh Cẩn, nơi đó có nhiều điều kiện và phương tiện chữa chạy cho anh hơn.Tôi buông anh ra, bảo chú liên lạc thu xếp đồ đạc cho anh, và chạy vội đi tìm tổ tiền trạm đề nghị liên hệ với địa phương xin hai dân quân tới cáng Thâm Tâm về An Lại.
Chỉ nửa tiếng sau, hai thanh niên trong bản mang cáng tới. Tôi trải chăn chiếu lên cáng rồi bế Thâm Tâm đặt vào. Lòng tôi bỗng thắt lại: Thâm Tâm của tôi nhẹ bỗng như một dúm bông, đôi mắt lờ đờ nửa tỉnh nửa mê. Tôi đắp lên mình anh một chiếc chăn dày, trùm kín chỉ để hở một chút đủ để anh thở. Màn anh được vắt lên đòn khiêng, hai bên buông xuống phủ kín cả cáng. Trên cùng là một miếng vải láng nhựa cao su để cho sương đêm không lọt được vào màn.
Chúng tôi rời bản Piềng lúc mặt trời đã khuất sau những dãy núi cao. Ai cũng rảo bước như muốn cướp thời gian. Hai dân quân muốn chóng xong việc, được trở về nhanh để kịp gặt, tôi muốn Thâm Tâm được cáng thật nhanh về nơi chữa chạy. Qua quãng đường quanh co lên dốc xuống dốc đi ra khỏi bản, chúng tôi tới đường cái đá phẳng phiu rộng rãi. Đường ra mặt trận vẫn nhộn nhịp. Nhưng tôi không còn bụng dạ nào để ý tới mọi vật chuyển động chung quanh mà chỉ chú trọng tới người trong cáng, người anh em cùng một chiến hào đang thập tử nhất sinh.

** *

Tính đến Thu Đông 1950, tôi mới sống với Thâm Tâm chưa đầy bốn năm. Thời gian không dài nhưng đã để lại trong tôi nhiều kỷ niệm không thể nào quên về anh. Đó là những năm đời lính xa nhà, cùng ăn ở và làm việc với nhau, vui buồn có nhau, lại trải qua những ngày kháng chiến đầy gian khổ trên núi rừng Việt Bắc.Tôi về công tác với anh ở báo Vệ quốc quân khi tòa soạn vừa mới chuyển về bản Púc thuộc huyện Định Hóa (Thái Nguyên) và đang chuẩn bị ra số 4. Không kể anh Trần Độ là Chủ nhiệm, tòa soạn lúc đó mới có sáu người, đều ở và làm việc nhờ nhà dân. Hai họa sĩ - anh Mai Văn Hiến và anh Dương Bích Liên - ở một nhà. Bốn anh em làm công tác biên tập ở một nhà rộng hơn, gồm có các anh Nguyễn Công Hoan, Thâm Tâm, Thôi Hữu và tôi. Trong bốn anh em, tôi là “út” về tuổi đời và càng là “út” về tuổi nghề. Trước ngày toàn quốc kháng chiến, ba anh đã là những nhà văn, nhà thơ được nhiều người biết đến, còn tôi vẫn là một cậu học trò.Người trực tiếp hướng dẫn tôi và giao việc cho tôi là Thâm Tâm.Nhắc đến anh, tôi không thể nào quên được hình ảnh một người nhỏ bé, mặc một bộ đồ đen ngồi thu lu, đầu cúi xuống, trước một cái bàn tự tạo bằng một tấm ván treo thấp, đang chăm chú đọc một quyển sách hoặc viết một bài gì bằng một cái bút máy rất đặc biệt, nó béo trục béo tròn và ngắn ngủn không nhô được khỏi nắm tay anh. Trừ những ngày nghỉ hoặc đi công tác, bao giờ anh cũng ngày hai buổi ngồi làm việc nghiêm túc ở đó, ít nói ít cười.

** *

Tôi đang say sưa trở lại với những ngày đã qua, bỗng có tiếng làm tôi sực tỉnh:
- Nghỉ tí đã, đồng chí à.
Tôi nhìn ra: trước mặt tôi là một dãy phố dài, đèn thắp sáng cả một vùng. Bóng người đông đúc qua lại, tiếng nói lao xao. Hồi đó máy bay địch chỉ hoạt động ban ngày, chưa dám đánh đêm, nhất là ở các thung lũng có núi đá cao chung quanh như ở đây. Cho nên phố phường đường sá ban đêm thuộc về ta. Tôi nhận ra đây là Quảng Uyên. Thế là chúng tôi đã đi được quá nửa đường. Hai dân quân tiến nhanh vào phố, đặt cáng trước một quán nước rồi ngồi hút thuốc lào. Tôi cũng thấm mệt, đặt ba lô xuống đất, sát vào cáng và đưa tay vào màn, sờ lên trán . Tôi mừng quá: Anh đã mát nhiều, tiếng thở nghe đều đều. Tôi hỏi:
- Anh thấy đỡ nhiều không? 
Anh không trả lời vào câu hỏi của tôi, mà nói:
- Có cà phê phải không cậu? Cho mình một tách.
Đúng là có cà phê thật. Mùi cà phê từ một quán giải khát ở đầu phố tỏa rộng ra không gian bao quanh, thơm ngậy và đầy quyến rũ. Sao ở một thị trấn nhỏ heo hút vùng biên giới lại có thứ hàng cao cấp này? Tôi hiểu ra ngay: Quảng Uyên nằm giữa cánh đồng Ba Châu, có đường đi Trùng Khánh rồi sang Trung Quốc, có đường về An Lại và vào thị xã Cao Bằng lại có đường đi Phục Hòa rồi sang Thủy Khẩu, người xuôi ngược buôn bán đông vui.... 
Trong mấy năm ở với Thâm Tâm tôi thấy anh không phải là người nghiện rượu, thuốc lá hay cà phê, nhưng cũng biết anh rất sành thưởng thức các thứ đó. Rượu anh uống phải là thứ rượu cất bằng gạo nếp, vừa êm vừa ngọt giọng. Thuốc lá anh ưa hút tẩu hơn hút điếu. Mùi cà phê dậy lên từ một quán nhỏ bên đường đêm nay có lẽ đã làm sống lại trong anh chút thèm muốn hưởng thụ nhỏ nhoi mà anh đã cố quên đi trong mấy năm qua. Dưới ánh đèn của quán nước, tôi thấy hai cánh mũi anh cố hít hít phập phồng. Tôi chạy vội tới quán giải khát mua cà phê, chọn thứ thật ngon, tự tay pha lấy rồi đưa về cho anh. Tôi lấy balô kề sát vào lưng anh, để anh ngồi hơi ngả về phía sau, đưa anh tách cà phê còn bốc khói và thơm lừng. Có thấy được hai tay anh run run cầm tách, đôi môi mấp máy, đầu lưỡi đưa ra đón từng giọt cà phê và giữ lại trong mồm không nuốt vội, mới thấy niềm say sưa thưởng thức của anh. Tôi cứ ngồi đỡ lấy anh, nhìn anh nhấm nháp ngon lành cho tới khi hết tách cà phê. Tôi lấy ra châm một điếu thuốc và tẩm một ít cà phê còn sót lại trong tách, theo như anh vẫn thích làm, rồi đặt vào môi anh. Buông màn xuống cho anh xong, tôi mời hai đồng chí dân quân đi ăn phở, vì chúng tôi đều đã đói ngấu. Phở ở đây không giống phở dưới xuôi, mà làm bằng bánh đa phơi khô thái thành sợi to, gọi là bánh cao, đem chần, thêm thịt xà xíu, gan, dạ dày lợn và khoai môn thái chỉ rán giòn, trộn với nước mắm, dấm chua, dưa chuột thái vát và lạc rang để cả vỏ lụa giã dập đôi dập ba. Thứ phở này được gọi ở đây là lòng-pàn, ăn lạ miệng cũng ngon. Ăn phở xong, tôi mua về cho Thâm Tâm một bát cháo gà. Anh chỉ húp được ba bốn thìa rồi đòi nằm. Tôi đỡ anh xuống, đắp lại chăn, giắt lại màn cho anh. 
Chúng tôi lại lên đường. Đã quá nửa đêm, thưa thớt người qua lại. Trời thu đầy sao. Gió thổi nhẹ. Lúa chín tỏa hương ngào ngạt. Tôi rảo bước, lòng tràn ngập một niềm vui. Thâm Tâm đã đỡ sốt, tỉnh hơn, đòi uống cà phê. Về An Lại được điều trị tốt hơn, chắc chắn anh sẽ mau khỏi. Rất có thể anh sẽ trở lại làm việc bình thường, tôi có thể lại được đi... Những ý nghĩ ấy thôi thúc tôi đi nhanh, mau chóng rút ngắn quãng đường còn lại. Hai đồng chí dân quân cũng không nói gì, lặng lẽ bước. Chẳng bao lâu trên đường dần dần có người qua lại, mỗi lúc một đông, tiếng cười nói râm ran, gọi nhau ý ới. Tiếng vó ngựa thồ hàng nặng nhọc nện trên đường đá. Từ những bản làng hai bên đường, tiếng gà gáy rộ lên, tiếp nối nhau vang mãi xa xa. Rồi thấp thoáng có ánh đèn trước mặt.
- An Lại kia rồi!
Tôi bảo hai đồng chí dân quân hãy dừng lại, rồi quay người, định hướng và tìm lối. Đây rồi, con đường đất đỏ lượn giữa hai thửa ruộng lúa chín đã đổ nghiêng tôi vừa đi sớm qua. Từ đây vào bản chỉ còn chừng ba kilômét nữa. Đường tương đối dễ đi. Tôi quay lại bảo hai đồng chí dân quân tiếp tục cáng theo tôi rồi rảo bước định chạy về cơ quan báo tin trước cho anh Cẩn. 
Nhưng hai đồng chí gọi giật tôi lại một cách hoảng hốt. Tôi rụng rời chân tay, sao lại có thể thế được? Tôi không tin lời nói đó là thật, luồn tay qua chăn, sờ vào người Thâm Tâm. Trời ơi toàn thân anh đã lạnh toát, tim anh đã ngừng đập từ bao giờ. Anh đã đi thật rồi. 
Lúc đến Quảng Uyên, thấy anh đã tỉnh, tôi những tưởng anh dần dần sẽ qua khỏi, có ai ngờ đâu đó chỉ là cái chớp lóe lên của một ngọn đèn sắp tắt.Tôi còn trong cơn bàng hoàng thì nghe tiếng hỏi:
- Có đi nữa không, hay để lại ở đây?
Tôi giật mình lo lắng: đưa người chết vào bản có được hay không? Phong tục đồng bào trên này rất khắt khe. Thâm Tâm còn đang ốm đã phải rời khỏi nhà ra ở ngoài bìa rừng. Bây giờ anh đã chết rồi, ai còn cho cáng vào nhà? Nhưng có thể nào lại để anh ở giữa đường cái thế này? Suy nghĩ mãi, tôi thấy đường từ đây về cơ quan cũng còn mấy kilômét nữa, cứ để hai đồng chí cáng tiếp, về gần tới nơi rồi sẽ liệu sau.Tôi vuốt mắt cho Thâm Tâm rồi tiếp tục cho cáng anh về. Khi gần tới nơi, tôi bảo dừng cáng bên vệ đường rồi chạy nhanh về báo cáo anh Cẩn đánh thức một số anh em chủ chốt còn lại ở cơ quan, rồi hội ý chớp nhoáng. Tôi nhớ lúc đó có anh Nguyễn Công Hoan và anh Võ Bá Tải, phụ trách hành chính quản trị. Anh Tải kiêm việc liên hệ với địa phương, cho biết chủ nhà là bí thư chi bộ xã và là một người rất tiến bộ. Mọi người nhất trí giao cho anh Tải đi gặp ngay đồng chí bí thư để thăm dò ý kiến. Đồng chí bí thư đã dậy rất sớm và đang hái rau ngoài vườn trước nhà. Không biết hai người trao đổi với nhau như thế nào, nhưng chỉ mấy phút sau, anh Tải đã chạy về tươi tỉnh nói:
- Đồng chí bí thư đúng là người hiếm thấy. Đồng chí ấy bảo cứ đưa anh Thâm Tâm về nhà, đặt nằm trên sàn và buông màn xuống, coi như anh đang ngủ. Đến sáng rõ mới loan tin chết.
Chúng tôi mừng thầm chạy vội ra đường để đưa Thâm Tâm về, đặt anh lên sàn và buông màn xuống. Mọi người tiếp tục công việc của mình như không có sự gì xảy ra. Người gấp chăn màn, người đi rửa mặt, đánh răng... Tôi cảm ơn hai đồng chí dân quân bản Piềng và tiễn hai đồng chí ra về.Người chủ nhà đã vượt ra ngoài những phong tục tập quán của bản làng, cho đưa người chết vào nhà mình, lại tháo cánh cửa của nhà mình và tự tay đóng quan tài cho một người anh không hề có họ hàng, cũng không hề có quen biết bao giờ. Chúng tôi khóc Thâm Tâm, lại khóc vì cảm động trước việc làm đầy tình đồng chí của anh mà cho tới bây giờ chúng tôi cũng không thể nào quên được, mặc dù từ bấy đến nay, bốn mươi hai năm đã trôi qua!
Chúng tôi mặc quần áo cho Thâm Tâm, nhìn mặt anh lần cuối cùng, bó chặt anh vào một tấm chăn mới, đặt vào quan tài rồi đậy nắp ván lên. 
Lúc đó có hai người trong bản bước lên thang. Đây là hai thanh niên đã được đồng chí bí thư ngay sau khi hay tin Thâm Tâm chết, tới nhờ đi đào huyệt giúp. Nay huyệt đã đào xong, hai anh lại đến giúp đưa người chết ra đồng.
Chúng tôi xúm vào mỗi người một tay, khiêng Thâm Tâm xuống thang và đưa anh ra một bìa rừng cách bản chừng mấy trăm mét. Quãng đường không xa bao nhiêu, nhưng sao chúng tôi thấy nó dài vô tận. Người Thâm Tâm nhẹ bỗng, nhưng chân chúng tôi sao nặng trĩu, lê không nổi bước. Thương xót anh phải ra đi giữa lúc tuổi đời còn đang thanh xuân sung sức, lòng còn tràn đầy khát vọng về sáng tác, về một xã hội tốt đẹp trong tương lai. Thương xót anh phải ra đi lúc ở xa gia đình vợ con, xa hầu hết bạn bè thân thiết, ra đi lúc nào, không ai hay biết, không một lời trối trăng...
Có ai ngờ rằng chỉ mới hơn một tuần lễ thôi, cũng tại bản làng nơi đây, anh đã tay bắt mặt mừng gặp lại biết bao đồng nghiệp cùng anh hội họp đông đủ trước khi chia nhau đi xuống các đơn vị chiến đấu trên khắp chiến trường biên giới. Toàn anh em nhà báo nhà văn như Vũ Cao, Nam Cao, Nguyễn Huy Tưởng... người nào cũng hồ hởi và đầy tin tưởng, hứa với nhau và hứa với lòng mình cố gắng có những bài viết xứng tầm chiến dịch này. Anh em cũng nhớ mãi nét mặt tươi vui của anh. Anh dự định chuyến này sẽ viết, vì anh tin tưởng trận này ta nhất định thắng. 
Ta đã thắng thật, thắng lớn chưa từng có kể từ ngày kháng chiến đến bây giờ. Nhưng anh đã phải nằm lại ở chân đèo Mã Phục này không kịp nhìn thấy ngày chiến thắng, không kịp gặp lại các bạn đồng nghiệp.
Đưa tang anh hôm ấy, chỉ có mấy đồng đội của anh và mấy đồng chí địa phương. Một đám tang không xe đòn, không hương nến, không một vành khăn trắng, cũng không cả một vòng hoa nhỏ. 
Anh Cẩn đọc mấy lời điếu, tiếng nói chìm trong tiếng nấc. Anh em lau nước mắt, khóc không thành lời. Lặng lẽ mỗi người ném một hòn đất xuống mồ vĩnh biệt anh. Tiếng đất nện bùng bục trên nắp ván thiên, như tiếng nức nở, vang dội mãi vào lòng tôi. 
9-1992
Nguồn: Văn Nghệ Quân Đội Bản vi tính trên blog của nhà văn Đỗ Bích Thúy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét