Li biệt, tiễn đưa, rồi bâng khuâng
hoài nhớ là những hiện tượng thường tình trong cuộc sống của con người. Nó
cũng là một chủ để phổ biến của thi ca. Bới, hơn ai hết, thi sĩ vốn có một
trái tim đa cảm; mà phút giây tiễn biệt người thân, thường xao động những
tình cảm dạt dào trong miền sâu thẳm của cõi lòng, để rồi tràn tuôn thành
những vần thơ chân thành tha thiết. Người đọc từng hình dung đôi
mắt đăm đăm của Lí Bạch dõi theo bóng của Mạnh Hạo Nhiên xuôi dòng Trường
Giang, như đang cố khắc ghi một lần cuối cùng nhân ảnh của bạn trong tâm
tưởng bùi ngùi, vào tháng ba, mùa hoa khói nơi lầu Hoàng Hạc năm xưa.
“Cô phàm viễn ảnh bích không tận
Duy kiến Trường Giang thiên tế
lưu”
Dịch
thơ:
“Bóng buồm đã khuất bầu không
Trông theo chỉ thấy dòng sông bên
trời”
(Ngô Tất
Tố)
Trong những năm 40 của thời hiện
đại, giữa bầu không khí rộn ràng của thi đàn Thơ Mới, Thâm Tâm lại tìm về
giai điệu “Hành” vốn từng ngân vọng ở Trung Hoa trước thời Đường, Tống, để
tấu nên khúc “Tống biệt hành” như một bản độc tấu trầm hùng bi tráng, “đượm
chút bâng khuâng khó hiểu của thời đại”, làm cho các văn nhân, thi sĩ phải
giật mình ngỡ ngàng với âm thanh lạ mà đã như quen, đưa ta về một thời xa
vắng . Giọng thơ gợi ra những liên cảm trân trọng ở bạn đọc về đối thể trữ
tình có dáng dấp và lí tưởng như chàng Kinh Kha năm xưa bên bờ sống Dịch
Thuỷ, từ giả thái tử Đan và quân dân nước Yên để vào đất Tần mưu chí lớn:
hành thích tên bạo chúa Tần Thuỷ Hoàng
“Đưa người ta không đưa qua sống
Sao có tiếng sóng ở trong lòng
Bóng chiều không thắm không vàng
vọt
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong”
Lời thơ vang lên làm ta không khỏi
băn khoăn bởi thơ hết sức lạnh lùng, hờ hững. Nếu không có tình cảm sâu nặng,
ai cần phải tiễn đưa gượng ép làm gì? Câu thơ mở bài là ý niệm của lí trí
tỉnh táo, được khách thể hoá thêm mối quan hệ bằng hữu thân thiết thành hai
đại từ nhân xưng “Người và Ta” nghe hết sức xa lạ.
“Đưa người ta chỉ đưa người ấy
Một giã gia đình, một dửng dưng”
Không gian tiễn đưa là dòng sông
lạnh như muốn mượn sự vô cảm cách ngăn của tạo hoá để cho việc tiễn đưa diễn
ra nhanh chóng, không có điều kiện lưu luyến vấn vương. Dẫu như vậy, trong
cõi lòng sâu thẳm của kẻ tiễn đưa vẫn dậy lên những con sóng tình cảm xôn
xao, dù không qua sông chòng chành trên sóng nước. Bóng chiều vẫn chưa thay
đổi gì lắm trong khảnh khắc ngắn ngủi của cuộc chia tay; nhưng hoàng hôn –
ngấn lệ bồi hồi - đã dâng đầy đôi mắt trong trẻo. Đây là cảnh tiễn đưa giữa
các đấng nam nhi, tất nhiên không có những dòng lệ chan chứa như “Giang Châu
Tư Mã đẫm mùi áo xanh”. Thực ra, vẻ tỉnh táo bên ngoài chỉ là một sự kềm nén
cảm xúc có tính giả tạo; còn bên trong đang hình thành dần một khoảng trống
lạnh tâm tư, như Hàn Mặc Tử từng ngậm ngùi:
“Người đi một nửa hồn tôi mất
Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ”
Chỉ khúc dạo đầu mà sao có tới ba
từ “không” phủ định vang lên với những câu nghi vẫn tu từ “Sao có…”, “Sao
đầy…” như là một sự thẩm định tình cảm bằng hữu sâu nặng giữa kẻ đưa tiễn với
người ra đi. Chính trong trạng thái lắng lòng ấy, chủ thể trữ tình đã nghe
vang động lên nhịp chân trầm lặng của li khách trên con đường nhỏ mang theo
hoài bão lớn của người ra đi; nghe cả lời tâm niệm thầm kín đầy tính hi sinh
trong dòng suy nghĩ lựa chọn đầy khó khăn của kẻ ra đi:
“Li khách Li khách con đường nhỏ
Chí lớn chưa về bàn tay không
Thì không bao giờ nói trở lại
Ba năm mẹ già cũng đừng mong”
Ý thơ đột ngột chuyển từ tiết tấu
mênh mang sâu lắng, sang rắn rỏi dứt khoát với những từ phủ định những bịn
rịn, yếu mềm như “không bao giờ…, cũng đừng mong” . Những tín hiệu nghệ thuật
này góp phần làm nổi bật phong thái hiên ngang của tráng sĩ ra đi vì đại
nghiệp, như Chính Hữu tưng phản ánh trong “Ngày về”:
“Nhớ đêm ra đi đất trời bốc lửa
Cả đô thành nghi ngút cháy sau lưng
Những chàng trai chưa trắng nợ anh hùng
Hồn mười phương phất phơ cờ đỏ thắm
Rách tả tơi rồi đôi giày vạn dặm
Bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa”
Người mẹ thân thương yêu kính xuất
hiện trong tâm thức của kẻ lên đường không hề là hình ảnh mỏng manh mờ nhạt.
Nhưng khi đặt tình nhà trong tương quan với nghĩa nước, lòng hiếu thảo với sự
tồn vinh của Tổ quốc, thì chắc ai cũng đồng cảm với sự chọn lựa của nhân vật
trữ tình, chí lớn chưa thành thì dẫu ba năm mẹ già cũng đừng mong…
Đề tài li biệt thường phủ một gam
màu mờ xám quan san như buổi Thúc Sinh từ giã Thuý Kiều. Các thi nhân thường
chọn thời gian lá úa thu tàn để cho thiên nhiên “than thầm tiễn biệt”, “sau
lưng thềm nắng lá rơi đầy” đưa bước người đi. Ở đây, người tiễn đưa thấu hiểu
được nổi buồn liễm kết trong tâm tưởng kẻ lên đường từ khi xác định cho mình
một lẽ sống mới.
Ta biết người buồn chiều hôm
trước,
Bây giờ mùa hạ sen nở nốt,
Một chị, hai chị cũng như sen,
Khuyên nốt em trai dòng lệ sót.
Ta biết người buồn sáng hôm nay
Giời chưa mua thu tươi lắm thay
Em nhỏ thơ ngây đôi mắt biếc
Gói tròn thương tiếc chiếc khăn tay…
Ý thơ đột nhiên chuyển vào một sắc
màu tươi vui rực rỡ của mùa hạ chói chang. Xét về lô gic diễn đạt thì lạc
điệu vô cùng, lẽ nào Thâm Tâm không hiểu ra điều ấy, đây thực ra là một sự
lạc điệu có tính cần thiết – một sáng tạo nghệ thuật độc đáo của thi nhân.
Người đi để lại sau lưng là cả một gánh nặng gia đình đáng ra mình phải có
trọng trách chu toàn: Mẹ già chỉ như chiếc bóng lay lắt với thời gian, những
người chị yêu quí như những đoá hoa sen đáng tôn thờ, người em thơ ngây đang
cần bàn tay anh dìu dắt… Ngôi nhà xưa với bao nghĩa tình ghi tâm khắc cốt đâu
dễ gì xoá mơ trong kí ức để cho khỏi nặng lòng nhẹ bước viễn du. Phải chăng
vì thế mà thi nhân cố đưa vào một bầu không khí tươi vui rực rỡ để làm nhoà
bớt hoàng hôn trong mắt, giúp cho người ra đi tạm thời quên lãng trăm mối tơ
vương đôi đường nặng nhẹ khó chu toàn đê lên đường vì chí lớn.
Thâm Tâm thật sâu sắc và tinh tế
trong việc sắp xếp thứ tự xuất hiện rồi lui dần của những người thân: từ mẹ
già, chị gái đến em thơ ngây. Cuối cũng trong phút biệt li chỉ còn lại kẻ
tiễn, người đi không mang tình huyết thống. Có như thế người đi mới nhẹ bước
lên đường. Đó quả là một sự sắp xếp hết sức ý nhị phù hợp với tâm trạng của
con người.
Cuối cùng, tất cả tình cảm nén lại
được vỡ oà sau lúc chia xa. Những giả định dối lòng trước hiện thực ngậm ngùi
li biệt được thừa nhận cùng nhau khi chuyện đã rồi:
“Người đi? Ừ nhỉ người đi thực!
Mẹ thà coi như chiếc lá bay.
Chị thà coi như là hạt bụi.
Em thà coi như hơi rượu say.”
Khổ kết bài thơ là một sự cộng
hưởng hoà điệu của nhiều tiếng lòng khác nhau. Mọi mối quan hệ tình cảm sâu
nặng về nhau đều tạm thời “thà coi như” nhẹ vô cùng. Có thể người mẹ coi đứa
con dứt ruột đẻ ra như một chiếc là bay vèo vào lòng Tổ Quốc đê góp thêm màu
xanh cho đất nước. Người chị coi người em yêu quí như hạt bụi hoà vào Đất Mẹ
góp thêm phù sa cho hoa trái tương lai. Người em xem người anh thần tượng như
hơi rượu nồng tan loảng phôi phai trong hồn thơ trẻ vô tư. Có như vậy mới tạo
điều kiện đứa con, đứa em, người anh yêu quí lên đường mưu chí lớn. Và ngược
lại, người con cũng tạm xem người mẹ tôn thờ của mình là chiếc lá vàng sắp
trở về trong cõi vô thường, coi những người chị quí như sen chỉ là hạt bụi
cay cay trong mắt; và coi người em hồn nhiên ngây thơ như hơi men nồng loãng
tan trong miền cảm giác, mới có thể dứt áo ra đi, để lại mái nhà xưa với bao
người thân yêu một đời vương thương nhớ.
Bài thơ khép lại với một bản hợp
tấu đa thanh đồng điệu có khả năng đồng vọng mãi trong trường liên cảm mến mộ
của bạn đọc nhiều thế hệ đã qua cho đến hôm nay, và tin rằng mai sau vần thơ
“Tống biệt hành” vẫn còn ngân vọng.
|
(*) Nguyễn Tống: Thạc sỹ Văn
học, Giáo viên Trường Quốc học Huế.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét