Tháng 11 năm 1941, khi làm quyển Thi nhân Việt Nam (xuất bản năm 1942), Hoài Thanh và Hoài Chân chỉ chọn đúng một bài của Thâm Tâm. Ấy là bài Tống biệt hành. Bài thơ mà hễ cứ nói đến Thâm Tâm là người ta nghĩ ngay đến nó và ngược lại cùng lời bình rằng bài thơ đã làm “sống lại cái không khí riêng của nhiều bài thơ cổ. Điệu thơ gấp gáp. Lời thơ gắt. Câu thơ rắn rỏi, gân guốc nhưng vẫn đượm chút bâng khuâng khó hiểu của thời đại”. Bài thơ ấy, lời bình ấy sắp tròn 70 năm nay, ai đã học văn học, đã yêu thơ, đã làm thơ đều biết.
Nhưng Thâm Tâm không chỉ có Tống biệt hành với những câu mở đầu:
Đưa người ta không đưa qua sông
Sao có tiếng sóng ở trong lòng
Bóng chiều không thắm không vàng vọt
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?
Thâm Tâm, trong vẻn vẹn 33 năm sống ở trên đời (1917-1950) còn để lại những dấu ấn mà người làm văn học sử, người yêu mến văn học Việt Nam không thể bỏ qua và dửng dưng.
Thứ nhất, theo như Hoài Thanh viết trong Thi nhân Việt Nam thì trước năm 1941, Nguyễn Tuấn Trình (tên thật của Thâm Tâm) đã có tập Thơ Thâm Tâm, trong đó có Tống biệt hành.
Đọc lại những tờ báo cũ như Tiểu thuyết thứ bảy, Truyền bá, Tiểu thuyết thứ năm… xuất bản những năm trước Cách mạng Tháng Tám thấy rải rác có nhiều bài của Thâm Tâm (ký tên Tuấn Trình). Mới hay ngoài thơ, Thâm Tâm còn viết truyện ngắn, truyện vừa và kịch.
Thứ nhì, thơ Thâm Tâm trước Cách mạng Tháng Tám không chỉ là những vần thơ nói về những cuộc lên đường, ra đi, đưa tiễn như Tráng ca, Can trường hành, Tống biệt hành, Vọng nhân hành... mà còn gắn liền với những “giai thoại” văn chương, “nghi án” văn chương “vô tiền khoáng hậu” mà cho đến nay, sau gần 70 năm vẫn chưa đi đến hồi kết. Ấy là câu chuyện về các bài thơ Hai sắc hoa tigôn, Màu máu tigôn và tác giả T.T. Kh. Ấy còn là câu chuyện diễn ra ở làng Canh (ngoại ô Hà Nội) đêm rằm tháng bảy âm lịch năm 1940 để sinh ra bài thơ liên ngâm có tên Ngô sơn vọng nguyệt giữa Thâm Tâm và ba thi sĩ tài danh Nguyễn Bính, Trúc Khê, Trần Huyền Trân.
Thứ ba, nói đến Thâm Tâm là phải nói tới ông với tư cách là nhà thơ-chiến sĩ, một nhà báo-liệt sĩ.
Như mọi người đều biết, Thâm Tâm tên khai sinh là Nguyễn Tuấn Trình sinh ngày 12 tháng 5 năm 1917 trong một gia đình trung lưu (cụ thân sinh làm nghề dạy học, thân mẫu làm nghề đóng sổ sách và bán bánh kẹo) tại thị xã Hải Dương. Thuở nhỏ, ông học ở quê sau theo gia đình lên Hà Nội vừa học vừa làm nghề vẽ tranh, viết báo.
Như mọi người đều biết, Thâm Tâm tên khai sinh là Nguyễn Tuấn Trình sinh ngày 12 tháng 5 năm 1917 trong một gia đình trung lưu (cụ thân sinh làm nghề dạy học, thân mẫu làm nghề đóng sổ sách và bán bánh kẹo) tại thị xã Hải Dương. Thuở nhỏ, ông học ở quê sau theo gia đình lên Hà Nội vừa học vừa làm nghề vẽ tranh, viết báo.
Cũng như nhiều thanh niên học sinh Hà Nội lúc bấy giờ, trong cảnh “nước mất nhà tan”, anh thanh niên Nguyễn Tuấn Trình luôn khát khao yêu thương, khát khao một cuộc dấn thân, một cuộc lên đường. Khao khát ấy đã được ông thể hiện không chỉ trong thơ mà cả trong văn, trong kịch. Trên tờ Tiểu thuyết thứ năm, số 6 ra ngày 10-11 năm 1938 ở một bài báo có nhan đề Hai trái hồng ký tên Tuấn Trình ông viết: “Vì chưng tâm hồn những lữ khách đã dày dạn lắm rồi như một trái cây mùa chín tới. Quả đã hết xanh; những ngày thơ ngây, hồn nhiên cũng hết. Hôm nay, chúng ta lên đường và trái tim đã chín không bao giờ chín nữa”.
Và kịp khi Cách mạng tháng Tám (1945) bùng nổ, chàng trai-tác giả của Tống biệt hành-đã làm một cuộc lên đường. Một cuộc lên đường không mấy dễ dàng chóng vánh, với một tương lai cơ chừng rất mong manh; một cuộc lựa chọn không bàn hơn thiệt được thua. Thâm Tâm tòng quân lên chiến khu Việt Bắc. Ở đó ông đã sống những năm tháng cực kỳ thiếu thốn, gian khổ và ác liệt nhưng cũng là những năm tháng đẹp đẽ nhất của đời ông.
Chưa đầy 5 năm trong đời quân ngũ nên ông chưa kịp làm nhiều thơ về bộ đội về cuộc chiến đấu anh hùng của dân tộc. Ông chỉ có bài Chiều mưa đường số 5 là bài khá nhất còn để lại đến hôm nay. Bài này được ông viết sau một chuyến công tác vào vùng địch hậu khu III năm 1948. Tuy nhiên, Thâm Tâm cũng đã có những đóng góp rất đáng kể trong lĩnh vực văn nghệ báo chí thời kỳ này.
Với tư cách là phóng viên mặt trận Báo Vệ quốc quân (tiền thân của Báo Quân đội nhân dân hiện nay), Thâm Tâm đã có mặt ở hầu hết các chiến dịch lớn, các trận đánh quan trọng ở Việt Bắc, Đông Bắc và đồng bằng liên khu III. Với tư cách là thư ký tòa soạn của Báo Vệ quốc quân, Thâm Tâm luôn luôn là một người làm báo mẫn cán và sáng tạo. Nhà báo Trần Cư kể: “Thâm Tâm là “nhà thơ tiền chiến” nhưng nổi tiếng là một người đã đi, đi biền biệt, đã ngồi ngồi rất dai”. Nhà văn Nguyên Hồng có lần từ Hội văn nghệ sang chơi tòa soạn báo Vệ quốc quân đã phải thốt lên khi thấy Thâm Tâm ngồi bên chồng bản thảo rằng: “Hình như cột sống của tác giả Tống biệt hành làm bằng sắt!”.
Hình ảnh Thâm Tâm còn được người đương thời nhớ trong những buổi thuyết trình tại ban biên tập báo, tại các hội nghị. Nhớ nhất là tại hội nghị văn nghệ bộ đội tháng 9-1949 nhà văn Nguyễn Huy Tưởng trong một bài tường thuật in trên tờ Văn nghệ số 11-12 năm 1949 đã viết: "Ngày 12 tháng 4, câu chuyện rất dài của Thâm Tâm về văn thơ bộ đội đã vạch ra một sự thật: Loại thơ anh hùng của cán bộ, những hình ảnh tưởng tượng, lời văn mỹ miều của những văn nghệ sĩ công tác trong bộ đội không được đội viên hoan nghênh. Trái lại họ lại thích những bài thơ hợp với đời sống của họ, những bài thơ ở bộ đội mà ra, vì bộ đội mà có, những sáng tác này trở lại ảnh hưởng bộ đội rất mạnh” . Nguyễn Huy Tưởng còn cho biết, tại hội nghị Thâm Tâm là người đầu tiên phát hiện bằng văn bản: Bác Hồ là một nhà thơ. Đó là những trang viết vừa có tính chất phát hiện vừa thành kính, xúc động…
Rất tiếc là cống hiến của Thâm Tâm chỉ kịp có vậy. Thu đông năm 1950, trên đường theo bộ đội đi chiến dịch Thâm Tâm đã mắc trọng bệnh và đột ngột nằm lại vĩnh viễn dưới chân đèo Mã Phục, cách thị xã Cao Bằng chừng hai mươi cây số - nơi báo Vệ quốc quân đặt trụ sở dã chiến. Năm ấy, nhà thơ mới 33 tuổi.
KIẾN VĂN
Quân đội Nhân dân - Thứ Năm, 24/03/2011
Quân đội Nhân dân - Thứ Năm, 24/03/2011
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét