( Theo lời kể của ông H. Th)
Vào những ngày đầu của cuộc chiến chống thực dân Pháp năm 1947, tình cờ tôi được điều về đơn vị có nhà thơ Thâm Tâm hiện diện.
Gốc miền Trung, từng làm nghề dạy học, không màng tới chính trị, thế mà khi ra Hà Nội làm việc, cũng lại do ở sự tình cờ, tôi đã quay cuồng trong guồng máy đặc sệt chính trị lúc nào không hề hay, biết.
Trước ngày 19 tháng 12 năm ấy, ngay khi quân đội Pháp gây hấn, nổ súng ở phố Hàng Bún, cơ quan của chúng tôi được lệnh phải dời ngay vào Hà Đông. Và rồi mấy ngày sau, mấy ngày sau nữa… không biết cơ man nào là người, tay xách nách mang, gồng gánh đổ về mạn chùa Trầm…và lên Sơn Tây…miễn sao chạy cho xa, thật xa nơi lửa đạn thù ập tới.
Xa miền Trung nơi quê hương, tôi đã buồn. Lần này xa thủ đô Hà Nội để “chạy giặc”, tôi càng buồn - lo ghê gớm.
Vốn có văn hoá Pháp, lại được theo học mấy khóa chính trị căn bản, tôi được kết nạp vào Đảng. Trong kháng chiến, tôi được bổ sung làm chính trị viên cho một đơn vị chiến đấu. Do đấy tôi đã ở chung với Thâm Tâm trong một thời gian và gạn hỏi chính Thâm Tâm về huyền thoại nàng T.T.Kh. với bài thơ Hai Sắc hoa Ty-gôn kia …
…. Bữa ấy, ở xa trận địa, nằm bên nhau trong lán giữa núi rừng, Thâm Tâm đã tâm sự hết sự thực cho tôi nghe. Và dưới đây là lời Thâm Tâm kể:
- Anh là nhà giáo, ưa bộ môn Văn Nghệ, lại muốn khảo cứu về sử thi với huyền thoại nàng T.T.Kh. Được lắm. Và cũng là một cơ hội thuận tiện để tôi dốc cạn nỗi niềm bấy lâu chất chứa trong lòng. Này nhé, khi còn theo học, tôi có quen một cô gái. Rồi yêu nàng. Say mê nữa. Đúng khi mối tình nở hoa hương ngào ngạt, nàng biến mất. Lấy chồng? Có lẽ thế. Tôi hoàn toàn thất vọng, kiếm tìm nàng giữa Hà-Nội băm sáu phố phường. Nhà văn Thanh Châu, có lẽ rõ tâm sự của tôi, đã viết và đăng truyện ngắn Hoa Ty-Gôn, hàm ý an ủi và tỏ lộ cho biết ở đời chẳng có gì là bền vững cả. Truyện ấy còn đượm một chân lý, một triết lý sống. Rất thanh cao, đạo đức. Rất mới. Vẫn bảo tồn đúng văn hóa cổ truyền Việt-Nam. Dung hòa giữa cái cũ và cái mới đang lên của thời đại, khác hẳn với lập trường của nhóm Tự Lực Văn Đoàn lúc bấy giờ.
Nhờ ở bài viết của Thanh Châu, và cũng do những gợi ý của ông Vũ Đình Long, tôi đã nẩy ra ý tưởng ngộ nghĩnh là viết một loạt bài về những vấn đề “đang ăn khách” hiện nay: cảnh ép duyên con cái với những nét chấm phá bi thương giữa hạng giầu kẻ nghèo trong xã hội; tục tảo hôn nơi xóm làng: gái 15 phải lấy ông già 60 hoặc cô gái 17 phải lấy một cậu bé 4, 5 tuổi con nhà giầu… Cái éo le, mất hạnh phúc sau đó, chằng chéo nhau làm cho con người phát sinh rất nhiều hệ lụy chua xót.
… Người tôi yêu tên là Kh. Khi viết, tôi định ký rõ ở dưới bài là Thanh Tâm, giản dị vậy thôi, như những bài tôi vẫn thường ký khi đăng báo. Tuy nhiên, cảm về chuyện Hoa Ty-Gôn, một tối, tôi lại làm bài Hai sắc hoa Ty-gôn cực tả mối tình của ai kia, và… liều chọn một bí danh ký dưới bài thơ bằng ba chữ viết tắt T.T.Kh.
Ba chữ viết tắt ấy chỉ có nàng và tôi hiểu. Còn gợi lên được những ý nghĩa khác giữa tên của cả hai đứa. Và bài thơ được đăng báo. Được phổ biến. Được truyền tụng khắp nơi. Độc giả xôn xao. Trong làng văn, làng báo Bắc Hà xôn xao không ngớt. Ai cũng tưởng cũng nghĩ chính mình là… người tình của nàng thơ T.T.Kh., riêng chỉ có tôi là cười thầm. Nàng, chắc cũng vậy.
Nhà văn Thanh Châu thực sự không rõ cái bí ẩn do chính tôi đạo diễn. Thiếu phụ đem bài thơ lại tòa soạn chỉ là một cô gái tôi nhờ. Còn ông Vũ Đình Long thì chỉ biết vui vì lượng báo bỗng tăng vọt do bài thơ Hai sắc hoa Ti-gôn đem lại…
… Anh muốn rõ tâm trạng T.T.Kh lúc bấy giờ? thực sự, với thời gian, người ta dễ quên đi những cuộc tình bồng bột lúc ban đầu nếu người ta có được niềm hạnh phúc tương đối về cả vật chất lẫn tinh thần. T.T.Kh. cũng ở trong trường hợp ấy. Nàng yêu thơ, thích thơ nhưng đâu có biết làm thơ. Nàng không dám nhận, không dám ra mặt là lý do ấy.
Thấy T.T.Kh. là đề tài bán được báo, nhiều nhà thơ cũng nhẩy vào vòng chiến. Có người mạo cả tên tôi để ký dưới bài thơ. J. Leiba và Nguyễn Bính thì đàng hoàng thấy rõ. Các anh ấy chỉ cảm xúc xót thương thôi chứ không hề có ác ý hoặc bôi bác. Bài thơ Dòng dư lệ của Nguyễn Bính là một thí dụ. Bài này mới đầu nhan đề là Cô gái vườn Thanh. Khi in trong tập Lỡ bước sang ngang mới đổi lại đề.
Suốt từ 1937 đến 1939, chỉ có ba bài thơ chính thức của T.T.Kh.do chính tôi sáng tác mà thôi.
1. Hai sắc hoa Ty-gôn.
2. Bài thơ thứ nhất.
3. Bài thơ cuối cùng.
Ngoài ra những bài như “Đan áo cho chồng” ký T.T.Kh., bài “Các anh hãy uống cho say” ký Thâm Tâm… đều do các bạn tôi tự biên tự soạn ra cả. Nếu kể hết thì nhiều lắm.
Anh biết đấy, ở thời gian ấy anh đâu có mặt ở Hà-Nội, anh biết đấy, căn gác nhỏ ở ngõ Sầm Công - Quảng Lạc vốn là nơi quy tụ giới văn nghệ sĩ ở Thủ đô phục vụ nàng tiên nâu. Thôi thì đủ mọi đề tài anh em đem ra thi đua thảo luận. Nguyễn Bính, Vũ Trọng Can, Trần Huyền Trân, Tân Hiến, Lê Văn Trương, Đặng Đình Hồng…rồi sau có thêm Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng…và những bạn khác nữa như Vũ Bằng, Vũ Trọng Phụng v.v… Đề tài thảo luận gồm đủ mặt, để làm thơ, viết truyện ngắn, truyện dài, truyện phiếm mỗi ngày hay mỗi tuần và linh tinh các vấn đề của xã hội.
Vướng mắc vào nghiệp dĩ, đa số người sáng tác theo cách ăn xổi, đáp ứng nhu cầu cho xong phần việc nên tác phẩm cứ èo uột không khá được.
Trở lại với T.T.Kh: những bài thơ mà các bạn của tôi làm, duyệt xét lại một lượt, tôi đã phải lắc đầu. Nó có nhiều mâu thuẫn. Không đúng, không đồng nhất mạch lạc như ba bài thơ chính. Và nếu có ai đó, sau này khi biên khảo về thi ca, căn cứ vào mỗi lời thơ, mỗi câu thơ, họ sẽ không khỏi có những ngộ nhận đáng tiếc. Tỷ như bài “Các anh hãy uống cho say”, đọc, họ sẽ cho là tôi bê tha, trụy lạc, nghiện thuốc phiện, nghiện rượu và vô tư cách với những câu thơ:
...“Miệng chồng, Khánh gắn trên môi” …
hoặc:
“K. ơi! người yêu của tôi ơi!”
Nghe mà vừa tức vừa giận. Nhưng biết làm thế nào được? Chính mấy câu:
“Từ nay anh hãy bán thơ anh
Còn để riêng tôi với một mình
Những cánh hoa lòng … hừ đã ghét
Thì đem mà đổi lấy hư vinh…”
Cái chữ “hừ” trong thơ, đọc lại, nhiều lần tôi thấy dễ ghét. Phụ nữ thật không dùng cái từ ấy, nếu ta chịu phân tách kỹ bản tánh nữ giới! Và dạo ấy, tôi vẫn còn lo…nhỡ bị phát giác…
… Anh biết đấy, tôi đâu có hút sách, nghiện ngập. Chẳng qua đến đó là chỉ để vui với anh em theo một thói quen. Tôi chẳng nghiện gì cả. Và yêu một cô bé, phải bé Kh., tôi đã… nói thế nào cho đúng nhỉ, tôi đã sùng kính, nâng lên cao, cao hơn nữa, như mối tình thần thánh. Rất thiêng liêng và trong sạch. Cho tới ngày nàng lấy chồng. Ông chồng của Kh. Là một trung niên, khoảng 38, 39 tuổi, đâu có già, có luống tuổi và đâu có quyền quý cao sang gì. Vì ông ta chỉ giản dị là một thương gia tạm gọi là có của ăn của để, một tiểu tư sản thành thị sống quẩn quanh trong năm cửa ô Hà Nội mà thôi. Tuy nhiên tôi cũng mừng cho cô bé. Ít gì Kh. cũng có nơi chốn nương tựa, bảo đảm cho đời sống…
… Thoắt cái đã mười năm trôi qua. Chẳng hiểu bây giờ gia đình cô bé phiêu bạt nơi nào, trong chiến tranh thảm khốc này?
… À anh muốn hiểu rõ những day dứt, băn khoăn của tác giả mấy bài thơ, ba bài, sau khi đã gây xôn xao trong quần chúng?
Thú thực chính cá nhân tôi rất xấu hổ. Vô tình tôi đã tạo nên “sì-căng-đan” ấy. Trong tình yêu, người ta thường “trẻ con” thế đấy. Sau khi đóng trọn vở tuồng “một mình mình biết, một mình mình hay”, tôi ngỡ ngàng “khi soi gương ngắm lại mình”. Tôi nhận ra chính tôi đã lừa dối mình, phỉnh gạt độc giả quần chúng.
Tôi rất hối hận, nhưng sự thể đã rồi. Không thể cứu gỡ được nữa. Đành để cho trôi xuôi. Với thời gian, nó đã trở thành huyền thoại. Sự thực “huyền thoại nàng thơ T.T.Kh. là thế!”
Đêm nay, trong lán giữa núi rừng này, anh em đều đã ngủ cả. Chỉ có anh và tôi ôn lại chuyện cũ, cùng tâm sự. Anh hãy hứa với tôi một điều… chỉ một điều thôi, “là anh không nên hở ra cho bất cứ ai hay biết, ngoại trừ sau khi tôi không còn nữa ở cõi đời này”.
Tôi đã cân nhắc kỹ. Huyền thoại vốn đã đẹp, rất đẹp. Mấy bài thơ “Hai sắc hoa Ti-gôn, Bài thơ thứ nhất và bài thơ cuối cùng với huyền thoại T.T.Kh. đã được liệt kê trong văn học sử cận đại, vậy người ta không nên bôi bác nó. Méo mó nghề nghiệp vẫn là sở trường của một thiểu số người. Cần lắm, nói cách khác, chỉ khi nào thấy rất cần phải lên tiếng, anh hãy nói hãy viết ra. Còn không thì chỉ nên im lặng dùm tôi, như các bạn khác bấy lâu vẫn hằng im lặng vậy.
Nghe Thâm Tâm kể nỗi niềm mà mủi lòng. Tôi vội nắm chặt lấy tay anh, long trọng:
- Tôi xin hứa sẽ làm đúng như lời Thâm Tâm dặn. Mong anh yên tâm.
Người thơ cười buồn:
- Thoắt đã mười năm trời. Tâm sự kia, nỗi niềm ấy đã trở nên huyền thoại sử thi. Và “sự thật huyền thoại Thơ T.T.Kh.” chỉ có hai người được rõ: Nàng và tôi. Nàng thì chưa bao giờ làm thơ, biết sáng tác thi ca. Nàng lẩn tránh tôi vì nghe theo lời bà mẹ. Sau khi thi đậu bằng “Sơ học yếu lược”, nàng còn theo Primaire Sup. tại trường Sinh-Từ. Tôi đã đến trường xưa tôi theo học mong được gặp lại nàng, nhưng lần nào cũng chỉ gặp ông thày dạy học cũ: Thầy Vũ Văn Nhượng! Gặp lại tôi, Thầy hỏi: “Anh Trình khỏe không, dạo này còn theo học hay đã đi làm?” Tôi ấp úng nói “Con đến nhìn lại trường cũ và thăm Thầy, tìm bạn… xem có còn bạn cũ nào không?” Thầy Nhượng vốn nhân hậu, vỗ vai tôi, không chút nghi ngờ; “Tốt, thế là tốt lắm. Con người, cần phải có tình có nghĩa. Anh theo tôi vào đây!”
Hôm ấy mắt tôi như hoa lên, mặt nóng bừng. Thầy đưa tôi vào văn phòng Hiệu trưởng…
Sau đấy, chẳng bao giờ tôi đến trường tìm gặp lại T.T.Kh. nữa.Yêu một cô bé, đau khổ vì tình là chuyện không nên. Do đấy… cái lãng mạn, cái tưởng tượng của người nghệ sĩ đều dồn vào thơ, văn. Và tôi đã, trẻ con thế, đã làm nổi một vở kịch… khiến trở thành huyền thoại lúc nào với ba bài thơ đã kể./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét