Chủ Nhật, 25 tháng 8, 2013

Mở lại hồ sơ mang tên T.T.Kh. - Nguyễn Việt


Diễn tiến “huyền thoại thơ T.T.Kh”

Trước khi mở lại hồ sơ về “Huyền thoại nàng thơ T.T.Kh.”, chúng ta nên nhớ lại những diễn tiến chung quanh vấn đề này. Trước nhất là truyện ngắn “Hoa Ti Gôn” của nhà văn Thanh Châu và ba bài thơ của một người con gái mang tên T.T.Kh.

Một chút tiểu sử về nhà văn Thanh Châu

Nhà văn Thanh Châu, tên thật là Ngô Hoan, đã từ trần lúc 11g30 ngày 8/5/2007 tại nhà riêng ở quận Tân Bình, Sài Gòn. Ông ra đi ở độ tuổi 96, nhưng nhà văn Thanh Châu vẫn còn vướng mắc với thế gian, bởi ông đã mang sang xuống tuyền đài một bí mật về “Huyền thoại nàng thơ T.T.Kh.”.

Nếu bạn đã yêu thơ T.T.Kh.và nhất là giới nghiên cứu văn học đều biết Thanh Châu, người có liên quan đến sự xuất hiện của những bài thơ T.T.Kh. đồng thời theo mọi người đánh giá, ông nắm nhiều thông tin về nhân vật nữ bí ẩn này.
Nhà văn Thanh Châu
Nhà văn Thanh Châu gốc Thanh Hóa, từng đi học tại Hà Nội, cộng tác với tạp chí Tiểu Thuyết Thứ Bảy vào những năm 1930. Ông có các tác phẩm chính: Sám hối nửa đêm (1940), Bóng người ngày xưa (1941), Tà áo lụa (1942), Cùng một ánh trăng (1942), Trong bóng tối (1936), Người thầy thuốc (1938), ngoài ra còn viết truyện thiếu nhi, soạn kịch...

Và trước khi đi vào diễn tiến về “Huyền thoại T.T.Kh.” chúng ta nên đọc nguyên văn truyện ngắn “Hoa ti gôn” của nhà văn Thanh Châu sau đây:

HOA TI GÔN (truyện ngắn của Thanh Châu)
"… Hoa leo ti gôn sắc đỏ, sắc hồng, sắc trắng năm nào cũng vậy, một mùa tàn lại một mùa nở. Nó chẳng giống lòng bất trắc của con người…”
KHÁI HƯNG (Gánh hàng hoa)

Sáng nào cũng vậy, hết giờ dạy vẽ ở trường Mỹ thuật về qua phố Tràng Tiền, họa sư Lê cũng không quên mua một bó hoa ti gôn. Đó là thói quen của họa sư mà không một người bạn hay người học trò thân nào là không biết rõ. Đến mùa hoa ti gôn nở nhiều nhất, trong nhà họa sư Lê người ta chẳng còn thấy một thứ hoa nào khác. Mà có người nào tẩn mẩn ngắt một nụ hoa nho nhỏ ấy xem kỹ, họ sẽ phải cho lời nhận xét của họa sư Lê là đúng: Hoa ti gôn hình quả tim vỡ làm mấy mảnh, màu hồng dịu như nhuốm máu đào.

Rồi người ta phải tự hỏi thầm : “Tại sao họa sư Lê lại thích chơi cái thứ hoa trông như giấy ấy, để trong phòng quá một ngày đã rụng rồi? Chắc lại có điều tâm sự chi đây”.

Một buổi trưa – hồi đó Lê Chất hai mươi bốn tuổi, còn là một họa sĩ nghèo mới ở trường ra – một buổi trưa đạp xe về các vùng lân cận Hà Nội, Lê Chất rẽ vào làng Mọc với giá vẽ buộc trên xe. Người thiếu niên ấy đi tìm cảnh vẽ. Mà cảnh đẹp đây là một thiếu nữ chàng mới gặp chiều qua. Đến gần một ngôi nhà cũ kỹ, trông ra dáng biệt thự của một ông quan hưu dùng làm chỗ nghỉ ngơi, Chất hãm xe, nghễnh cổ nhìn qua một hàng rào cây tốt um tùm.

Chiều qua, lúc Chất sắp đạp xe rất nhanh qua đó, tình cờ liếc mắt vào nhà, bỗng thấy một thiếu nữ đứng trên một chiếc ghế cao, đang với tay lên những dây hoa đỏ trên giàn nứa. Người con gái mặc áo cánh lụa cụt tay, hở cổ, để lộ một màu da khỏe mạnh, như thứ da thường ra nắng của những cô gái nhỏ. Hai má ửng hồng, vài sợi tóc trên vầng trán, cảnh “con gái hái hoa” ấy như một bức tranh linh động, khiến người họa sĩ phải dừng chân ngắm không chán mắt.

Khuôn mặt đều đặn, vẻ đẹp thông minh, nhất là đôi môi có một nét vẻ lạ, đó là thứ nhan sắc hiếm hoi, ai trông thấy một lần đều in sâu trong trí nhớ. Thiếu nữ vô tình, bận gỡ hoa trên giàn đã để Lê Chất có thì giờ nhìn ngắm kỹ. Đến khi cô gái bước xuống đất, sắp vào nhà, đưa mắt nhìn ra đường thấy có người đứng nhìn mình, mới cau mày tỏ vẻ không bằng lòng.

Nhưng từ hôm đó, hôm nào họa sư cũng đạp xe vào làng Mọc, giá vẽ buộc trên xe, mà chẳng vẽ bao giờ, vì còn bận quanh quẩn gần biệt thự. Thiếu nữ động trông thấy bóng anh chàng là lẩn vào nhà. Lê Chất chỉ được trông thấy nàng vài lần nữa rồi thôi bởi ngôi nhà hình như sau đó không có người ở nữa, ngày nào cũng chỉ nhìn thấy có một ông già cuốc cỏ trong vườn.

Rất lâu, Lê Chất mơ màng đến người thiếu nữ. Anh cố nhớ lại khuôn mặt, thân hình, hai cánh tay đẹp để trần, nhất là đôi môi của thiếu nữ. Anh đã vẽ nhiều croquis cất trong album để ghi giữ lại rồi dần dần cũng quên đi…

Lê Chất đã nổi tiếng. Thầy học cũ của anh vì mến tài, đã đưa anh lên một địa vị mà nhiều người ghen tỵ. Tranh của anh được nhiều báo nước ngoài nói đến và bán với giá cao: Anh đã bỏ lối phong cảnh để vẽ người. Tranh vẽ người, nhất là tranh vẽ đàn bà đã khiến các bạn Chất tặng cho cái tên : “Người lấy máu để vẽ các cô gái đẹp”.

Họa sĩ đã trở nên giàu có, ăn mặc sang, khó tính. Lê Chất bây giờ đã đứng tuổi, từ lâu không còn là gã họa sĩ nghèo huýt sáo đạp xe quanh vùng lân cận Hà Thành đi tìm cảnh đẹp, với giá vẽ buộc trên xe đạp.

Mùa lạnh năm ấy, Lê Chất đi vẽ ở một vùng Vân Nam phủ. Trong một bữa tiệc chiêu đãi của tòa lãnh sự Pháp, họa sĩ trông thấy một thiếu phụ ta, đẹp một vẻ khác thường, nhưng có dáng buồn. Chất bỗng ngờ ngợ như hơn một lần đã gặp người này. Ở đâu? Chất giật mình. Có thể nào? Nhưng quên làm sao được khuôn mặt ấy, đôi môi ấy? Nhờ một người quen giới thiệu, Chất được rõ: Thiếu phụ là vợ một viên chức trong tòa lãnh sự.

Trong khi nhảy với thiếu phụ một bản tăng-gô, Lê Chất đột nhiên hỏi:

- Bà vẫn thích hái hoa ti gôn chứ?

Thiếu phụ nhìn chàng rất ngạc nhiên:

- Ông nói gì… tôi không hiểu.

- Có lẽ bà đã quên Hà thành, làng Mọc, cái biệt thự xinh xinh có một giàn hoa…

Người đàn bà ấy kêu lên, mắt long lanh:

- Có phải ông là cái anh chàng họa sĩ vẫn nhìn trộm tôi ngày trước đó không?

Nàng nói tiếp:

- Thảo nào mới nhìn ông tôi cũng tự nghĩ không biết đã gặp ở đâu rồi. Tám chín năm rồi đấy, thế mà chúng ta còn nhận được nhau…

Mai Hạnh – tên thiếu phụ – rất buồn ở Vân Nam phủ. Nàng không có bạn. Lấy một người chồng gia thế cân đối với nhà mình, cuộc đời nàng bằng phẳng nơi đất khách. Bây giờ gặp được người cùng xứ, người đó lại đã dự vào dĩ vãng tươi đẹp của mình, một họa sĩ nổi danh, nàng không có cảm tình với Lê Chất làm sao được? Hạnh thường đến chỗ họa sĩ trọ, thăm viếng mỗi ngày, và thuận cho chàng vẽ một bức chân dung.

Một buổi sáng, hai người đi chơi, trên một ngôi chùa Tàu cheo leo đỉnh núi, Lê Chất nói:

- Tôi biết thế nào trong đời tôi cũng còn gặp Hạnh, bởi vì không bao giờ tôi quên cái buổi chiều ở làng Mọc. Nhưng số mệnh khiến chúng ta gặp nhau lần này có phải là để chúng ta chỉ có thể thành đôi bạn thôi ư? Hạnh có đoán được lòng tôi lúc này không?

Mai Hạnh, giọng run run tái nhợt, giơ tay bịt miệng Lê Chất. Nhưng khi Chất đã ôm nàng thì Hạnh không cưỡng lại :

- Em cũng yêu anh ngay từ buổi đầu.

Thế là, hai người như sống trong một cơn mê. Mai Hạnh cố chống chọi lại với tình yêu mỗi ngày một lớn, còn Lê Chất thì lo ngại, tính toán như ngồi trên đống lửa. Chàng định cùng Hạnh trốn đi Nhật, không cần danh dự, chức nghiệp, dư luận của người đời. Nhưng Mai Hạnh tuy yếu đuối hơn, rụt rè, e ngại sau cùng cũng nhận lời.

Lê Chất trở về Hà Nội, sắp đặt xong mọi việc, lo lót giấy tờ tiền bạc, đồ dùng đi xa, tất cả đã sẵn sàng, thì phút cuối cùng nhận được thư của Hạnh : “Chất, anh hãy đi một mình và quên em đi, vì em không có thể theo anh. Đừng giận em tội nghiệp, em không phải là loại đàn bà có thể vượt được hết những khó khăn như anh đã tưởng. Đến phút cuối cùng, em bỗng sợ, em sợ gia đình tan tác, khổ thân thầy mẹ em, chồng em khinh bỉ, tai tiếng ở đời, những lo ngại ở tương lai… Em thấy rằng: nếu đi với nhau chưa chắc chúng ta đã sung sướng. Anh thấy chưa ? Em là một đứa hèn ! Em không yêu anh được như anh tưởng đâu, vì em đã hy sinh anh cho tất cả những lo ngại trên kia. Vậy mà em yêu anh có thể chết vì anh được. Trong đời anh còn nhiều chuyện, anh có thể quên em được đấy! Nhưng còn em thì chẳng bao giờ, chẳng bao giờ! Vì em biết em sẽ không bao giờ tự an ủi được, bởi em đã làm hỏng đời em, nếu em chẳng theo anh…”

Trong thư, một dây hoa ti gôn nhỏ ép rơi ra: những nụ hoa chum chúm hình quả tim vỡ, đỏ hồng như nhuộm máu đào. Lê Chất đặt một cái hôn trên những cánh hoa, và khóc. Nhưng đó là một kẻ đàn ông có nghị lực. Chàng đi du lịch xứ Phù Tang có một mình.

Bốn năm sau, một hôm họa sư Lê Chất thấy trên bàn giấy mình một phong thư viền đen báo tang. Ông mở ra xem thì đó là của người chồng Mai Hạnh báo tin nàng đã chết.

Họa sư đáp xe lửa đi Vân Nam ngay để một buổi chiều đặt trên mồ Mai Hạnh những dây hoa quen thuộc. Rồi trở về Hà Nội, ông mới sực nhớ ra rằng đã quên không hỏi xem Mai Hạnh đã chết vì một bệnh gì, một cơn cảm sốt…, hay vì sầu muộn…

Ngày nay, họa sư Lê Chất đã già, nhưng cứ đến mùa hoa ti gôn nở, không buổi sáng nào ông quên mua một ôm về thay thế hoa cũ trong phòng vẽ, vì thứ hoa ấy chóng tàn.

NHAT MINH kể lại chuyện "huyền thoại T.T.Kh."

Vào khoảng giữa năm 1937, trên tạp chí ’’Tiểu thuyết thứ bẩy’’ xuất bản ở Hà Nội có đăng một truyện ngắn ’’Hoa Ti-gôn’’của nhà văn Thanh Châu.
Mấy ngày sau khi câu truyện ngắn trữ tình đó xuất hiện trên báo, có một thiếu phụ khỏang 20 tuổi, dáng dấp nhỏ bé, thùy mị, nét mặt u buồn mang đến toà báo, đưa tận tay người chủ bút một phong thư dán kín. Trong đó có một bài thơ rất hay với đề tựa ’’Hai sắc hoa tigôn’’ được ký tên tác giả là T.T.Kh.


Bài thơ "HAI SẮC HOA TI GÔN"

Một mùa thu trước mỗi hoàng hôn
Nhặt cánh hoa rơi chẳng thấy buồn
Nhuộm ánh nắng tà qua mái tóc
Tôi chờ đến với yêu đương.

Người ấy thường hay vuốt tóc tôi
Thở dài trong lúc thấy tôi vui
Bảo rằng: “Hoa dáng như tim vỡ
Anh sợ tình ta cũng vỡ thôi”.

Thuở ấy nào tôi đã hiểu gì
Cánh hoa tan tác của sinh ly
Cho nên cười đáp: “Màu hoa trắng
Là chút lòng trong chẳng biến suy”.

Đâu biết lần đi một lỡ làng
Dưới trời gian khổ chết yêu đương
Người xa xăm quá, tôi buồn lắm
Trong một ngày vui pháo nhuộm đường.

Từ đấy thu rồi thu lại thu
Lòng tôi còn giá đến bao giờ
Chồng tôi vẫn biết tôi thương nhớ
Người ấy cho nên vẫn hững hờ.

Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời
Ái ân lạt lẽo của chồng tôi
Mà từng thu chết, từng thu chết
Vẫn giấu trong tim bóng một người.

Buồn quá hôm nay xem tiểu thuyết
Thấy ai cũng ví cánh hoa xưa
Nhưng hồng tựa trái tim tan vỡ
Và đỏ như màu máu thắm phai.

Tôi nhớ lời người đã bảo tôi
Một mùa thu trước rất xa xôi
Đến nay tôi hiểu thì tôi đã
Làm lỡ tình duyên cũ mất rồi.

Tôi sợ chiều thu phớt nắng mờ
Chiều thu hoa đỏ rụng chiều thu
Gió về lạnh lẽo chân mây vắng
Người ấy ngang sông đứng ngóng đò.

Nếu biết rằng tôi đã lấy chồng
Trời ơi! Người ấy có buồn không
Có thầm nghĩ đến loài hoa vỡ
Tựa trái tim phai, tựa máu hồng?



Bài thơ não lòng, lột tả được tất cả cái đau xót của người con gái đã phải xa người mình yêu, người đã cùng mình gắn bó thề ước dưới giàn hoa tigôn để đi lấy chồng, người mà mình không hề yêu.

Khi bài thơ “Hai sắc hoa tigôn” vừa cho lên mặt báo đã gây xôn xao trong giới yêu văn chương. Nhiều nhà phê bình đã không ngần ngại cho rằng đây là một kiệt tác. Trong không khí sôi động đó, toà báo lại nhận thêm được một bài thơ khác cùng tác giả, qua đường bưu điện với đề tựa “Bài thơ thứ nhất”. Bài thơ này cũng với những câu thơ buồn đau đầy nước mắt, giải thích, mô tả kỹ lưỡng hơn về mối tình dang dở của cặp tình nhân gặp nhau rồi yêu nhau và cuối cùng không biết vì lý do nào đó người đàn ông rời xa, người đàn bà ở lại yêu kỷ niệm cho đến ngày lấy chồng:

BÀI THƠ THỨ NHẤT

Thuở trước hồn tôi phơi phới quá
Lòng thơ nguyên vẹn một làn hương
Nhưng nhà nghệ sĩ từ đâu lại
Êm ái trao tôi một vết thương.

Tai ác ngờ đâu gió lại qua
Làm kinh giấc mộng những ngày hoa
Thổi tan tâm điệu du dương trước
Và tiễn người đi bến cát xa.

Ở lại vườn Thanh có một mình
Tôi yêu gió rụng lúc tàn canh
Yêu trăng lặng lẽ rơi trên áo
Yêu bóng chim xa nắng lướt mành.

Và một ngày kia tôi phải yêu
Cả chồng tôi nữa lúc đi theo
Những cô áo đỏ sang nhà khác
Gió hỡi làm sao lạnh rất nhiều.

Từ đấy không mong không dám hẹn
Một lần gặp nữa dưới trăng nghiêm
Nhưng tôi vẫn chắc nơi trời lạ
Người ấy ghi lòng vẫn nhớ em.

Đang lúc lòng tôi muốn tạm yên
Bỗng ai mang lại cánh hoa tim
Cho tôi ép nốt dòng dư lệ
Nhỏ xuống thành thơ khóc chút duyên.

Đẹp gì một mảnh lòng tan vỡ
Đã bọc hoa tàn dấu xác xơ
Tóc úa giết dần đời thiếu phụ
Thì ai trông ngóng chả nên chờ.

Viết đoạn thơ đầu lo ngại quá
Vì tôi còn nhớ hẹn nhau xưa:
“Cố quên đi nhé câm mà nín
Đừng thở than bằng những giọng thơ”.

Tôi run sợ viết lặng im nghe
Tiếng lá thu khô xiết mặt hè
Như tiếng chân người len lén đến
Song đời nào dám gặp ai về.

Tuy thế tôi tin vẫn có người
Thiết tha theo đuổi nữa than ôi
Biết đâu tôi một tâm hồn héo
Bên cạnh chồng nghiêm luống tuổi rồi.

Khi bài thơ thứ nhất được đưa lên báo, có người thắc mắc tại sao bài thơ “Hai sắc hoa Tigôn” lại được gửi đăng báo trước bài Thơ thứ nhất ? Người ta cho rằng, tác giả đã làm bài Thơ thứ nhất, than khóc cho mối tình lỡ dở của mình từ lâu nhưng vì một lý do nào đó không gửi đăng báo. Nhưng sau đó, ngẫu nhiên đọc câu truyện ngắn Hoa Tigôn của nhà văn Thanh Châu, cảm động với câu truyện và nhất là tìm thấy nhiều dữ kiện tương đồng với mối tình ngang trái của chính mình, tác gỉa đã làm bài thơ Hai sắc hoa Tigôn rồi gửi ngay cho tòa báo.

Chính vì thế bài thơ thứ nhất được phổ biến sau bài Hai sắc hoa tigôn. Sau khi bài thơ thứ nhất được đăng trên báo Tiểu thuyết thứ bẩy, giới văn nghệ càng bàn tán nhiều hơn nữa. Bao nhiêu những tưởng tượng, thêu dệt với những tình tiết lâm ly về hình dạng, thân thế và cả mối tình buồn đau lãng mạn của tác gỉa được đưa ra báo chí.
Vẫn trong cái không khí xao động, bàn tán lung tung vì 2 bài thơ vừa đăng báo đó, tạp chí ‘’Phụ nữ thời đàm’’ ở Hà nội lại nhận được bài thơ ‘’ Ðan áo cho chồng ‘’ của cùng tác giả gửi qua bưu điện. Bài thơ này cũng vẫn với giọng điệu buồn đau, nhưng có vẻ than van, oán trách thân phận mình nhiều hơn. Nàng mô tả như bị tù tội trong cuộc sống với người chồng không yêu nhưng vẫn mong đợi bóng dáng người xưa:

BÀI THƠ ĐAN ÁO

Chị ơi, nếu chị đã yêu
Đã từng lỡ hái ít nhiều đau thương
Đã xa hẳn quãng đời hương
Đã đem lòng gửi gió sương mịt mùng
Hay chăng chị mỗi chiều đông
Đáng thương những kẻ có chồng như em
Vẫn còn giá lạnh trong tim
Đan đi đan lại áo len cho chồng
Con chim ai nhốt trong lồng
Hạt mưa nó rụng bên sông bơ thờ
Lưng trời nổi tiếng tiêu sơ
Hay đâu gió đã sang bờ ly tan
Tháng ngày miễn cưỡng em đan
Kéo dài một chiếc áo lam cho chồng
Như con chim nhốt trong lồng
Tháng ngày than tiếc ánh hồng nơi nao
Ngoài trời hoa nắng xôn xao
Ai đem khóa chết chim vào lồng nghiêm
Ai đem lễ giáo giam em
Sống hờ hết kiếp trong duyên trái đời
Lòng em khổ lắm chị ơi
Trong bao ngờ vực với lời mỉa mai
Quang cảnh lạ, tháng năm dài
Đêm đêm nằm tưởng ngày mai giật mình.

Bài thơ đan áo cho chồng vừa ra mắt thì toà báo Tiểu thuyết thứ bẩy lại qua đường bưu điện nhận được bài thơ thứ tư với đề tựa: Bài thơ cuối cùng

BÀI THƠ CUỐI CÙNG

Anh hỡi, tháng ngày xa quá nhỉ?
Một mùa thu cũ một lòng đau
Ba năm ví biết anh còn nhớ
Em đã câm lời có nói đâu.

Đã lỡ thôi rồi chuyện biệt ly
Càng khơi càng thấy lụy từng khi
Trách ai mang cánh “ti gôn” ấy
Mà viết tình em được ích gì?

Chỉ có ba người đã đọc riêng
Bài thơ đan áo của chồng em
Bài thơ đan áo nay rao bán
Cho khắp người đời thóc mách xem.

Là giết đời nhau đấy biết không?
Dưới giàn hoa máu tiếng mưa rung
Giận anh em viết dòng dư lệ
Là chút dư hương điệu cuối cùng.

Từ đây anh hãy bán thơ anh
Còn để yên tôi với một mình
Những cánh hoa lòng, hừ đã ghét
Thì đem mà đổi lấy hư vinh.

Ngang trái đời hoa đã úa rồi
Từng mùa gió lạnh sắc hương rơi
Buồng nghiêm thờ thẩn hồn eo hẹp
Đi nhớ người không muốn nhớ lời.

Tôi oán hờn anh mỗi phút giây
Tôi run sợ viết bởi rồi đây
Nếu không yên được thì tôi chết
Đêm hỡi, làm sao tối thế này?

Năm lại năm qua cứ muốn yên
Mà phương ngoài gió chẳng làm quên
Và người vỡ lỡ duyên thầm kín
Lại chính là anh, anh của em.

Tôi biết làm sao được hỡi trời
Giận anh không nỡ nhớ không thôi
Mưa buồn mưa hắt trong lòng ướt
Sợ quá đi anh, có một người …

Ðúng như đề tựa của nó, sau bài thơ này, làng thơ không bao giờ còn nhận được thêm bài nào nữa, TTKh hoàn toàn biến mất trên thi đàn!
Cũng từ đó trong lịch sử văn thơ tiền chiến phải nhận lấy sự bí mật về một tác giả mà chỉ có vỏn vẹn 4 bài thơ nhưng đã tạo được chỗ đứng rất vững chãi trong nền văn học Việt Nam. Bài thơ cuối cùng xuất hiện vào giữa năm 1938, trong giới văn chương vẫn không giảm sút những lời bàn tán, thêu dệt về thân thế và cuộc tình buồn bã của tác giả, đã thế nhiều nhà báo, nhà thơ có tên tuổi đương thời đã đưa ra những chứng cớ để cố nhận người thi sĩ tài năng đầy bí ẩn đó là người yêu của mình.

Mạn đàm của "VĂN NGHỆ NGƯỜI SÀI GÒN"

Bài viết của Nhật Minh chỉ mô tả lại các diễn tiến, kể từ khi truyện ngắn “Hoa ti gôn” của nhà văn Thanh Châu được đăng trên tạp chí “Tiểu Thuyết Thứ Bảy”. Đoạn cuối bài không nói ai chính là T.T.Kh, mà chỉ nói “đã thế nhiều nhà báo, nhà thơ có tên tuổi đương thời đã đưa ra những chứng cớ để cố nhận người thi sĩ tài năng đầy bí ẩn đó là người yêu của mình”.
Phải chăng Nhật Minh muốn nói đến nhà văn Thanh Châu hay nhà thơ Thâm Tâm tức họa sĩ Nguyễn Tuấn Trình, mà theo dư luận trong giới thi ca thời gian đó luôn đặt ra dấu hỏi, nhưng cả hai người đều phủ nhận.
Năm 2005 ở Sài Gòn, ông Trần Đình Thu đã viết trong cuốn “Giải mã nghi án văn học T.T.Kh” lúc ấy chưa xuất bản được đăng nhiều kỳ trên nhật báo Thanh Niên, để bạn đọc tham khảo. Dù quả quyết bà Trần Thị Vân Chung mới chính là T.T.Kh., nhưng lại đưa ra thư đính chính phủ nhận của bà này từ bên Pháp gửi về, bà không phải là T.T.Kh.
Theo đó, bà Trần Thị Vân Chung, người được tác giả Thế Nhật (không phải ông Trần Đình Thu) phát hiện ra và tiết lộ trong cuốn sách “T.T.Kh, nàng là ai ?”, là nhân vật đang gây ra nhiều tranh cãi trên công luận vào năm 1994 tại Sài Gòn.
Một chút tiểu sử về bà Trần Thị Vân Chung như sau. Bà sinh năm 1919 tại Thanh Hóa, trong một gia đình khá giả, lớn lên lập gia đình với một người đỗ cử nhân luật, có lúc làm quan tri huyện, về sau làm đến chức Tổng trưởng Quốc phòng trong thời Sài Gòn cũ. Về văn chương, bà Vân Chung thường hay làm thơ, viết văn với bút danh Vân Nương, Tam Nương... tham gia nhóm thơ Quỳnh Dao, một nhóm thơ của những phụ nữ đài các trưởng giả ở miền Nam thời bấy giờ, mà nữ sĩ Mộng Tuyết là một trong những chủ soái của nhóm thơ này. Bà Vân Chung đã có một số thơ đăng trên các báo ở Sài Gòn trước năm 1975.
Năm 1986, bà cùng các con xuất cảnh sang Pháp, và vẫn tiếp tục làm thơ đăng trên các tạp chí tiếng Việt ở nước ngoài.
Sau khi cuốn “T.T.Kh. nàng là ai ?” ra đời vào năm 1994, nêu đích danh tên tuổi bà Vân Chung là T.T.Kh, thì chính bà Vân Chung công khai lên tiếng phủ nhận mình là T.T.Kh. Thư của bà từ Pháp gửi về được đăng tải trên nhật báo Thanh Niên và một số báo khác. Ngoài ra có một số độc giả cũng viết bài gửi đến, không tin bà Vân Chung chính là T.T.Kh. Điều này đã làm nhiều người ngờ vực tính chân thực của cuốn sách nói trên. Bởi vì cuốn sách được viết ra dựa trên sự tiết lộ vô tình của một người khác là bà Thư Linh, người quen biết với bà Vân Chung sau năm 1975 chứ tác giả không có thông tin trực tiếp. !? (nên ai là T.T.Kh cứ đi lòng vòng, mà ai cũng tự nhận mình là người nắm rõ nguồn gốc cái tên T.T.Kh. đó)
Sau này năm 2006 nhà văn Nguyễn Thạch Kiên lại viết trong cuốn"Huyền thoại T.T.Kh.". Sách dày 260 trang, với một nửa đề cập tới những chi tiết quanh các bài thơ đề tên T.T.Kh. . Và phân tích rất chi li, cho là nhà thơ Thâm Tâm mới chính là tác giả của 3 bài thơ đề tên T.T.Kh, ngoài bài thơ “Đan áo cho chồng”. Tuy vậy, cuối cùng nhà văn Nguyễn Thạch Kiên vẫn kết luận : "Huyền thoại, chỉ nên mãi mãi là huyền thoại" đừng nên nghĩ chính Thâm Tâm là tác giả!?
Qua những tài liệu người viết ghi nhận được, hiện giờ chỉ có hai nhân vật được xem là T.T.Kh. là nhà thơ Thâm Tâm tức họa sĩ Nguyễn Tuấn Trình và bà Trần Thị Vân Chung. Còn nhà văn Thanh Châu biết rất nhiều ai là tác giả của những vần thơ tình lãng mạn này cũng không nói ra. Có dư luận cho rằng chính nhà văn Thanh Châu mới là người tình của nhà thơ, chứ không phải nhà thơ Thâm Tâm với cô Trần Thị Khánh nào đó. Cũng có dư luận T.T.Kh. chính là nhà thơ Nguyễn Bính, nhưng sau khi phân tích, mọi người đã gạt bỏ tên thi sĩ này ra ngoài “Huyền thoại về T.T.Kh.”
Trang “Văn nghệ người Sài Gòn” sẽ lần lượt trích đăng các bài viết về T.T.Kh như vừa kể trên để bạn đọc tham khảo thêm.

Nhà văn NGUYỄN THẠCH KIÊN VIẾT VỀ “HUYỀN THOẠI T.T.Kh” 

Nhà văn Nguyễn Thạch Kiên
Trước khi viết tiếp về “Huyền thoại nàng thơ T.T.Kh.”, tôi xin nói đến cố nhà văn, nhà báo Nguyễn Thạch Kiên. Năm 2006 trước lúc qua đời gần 2 năm, ông đã cho ra mắt tập sách mang tựa "Huyền thoại T.T.Kh." tại hải ngoại.
Nhà văn, nhà báo Nguyễn Thạch Kiên, là người từng đỡ đầu tôi vào nghề làm báo sớm nhất, lúc đó tôi còn độ tuổi học sinh đang say mê văn đàn văn nghệ trẻ trên các báo, lập ra bút nhóm thi văn đoàn như Hoa Ngàn Khơi rồi Mây Chiều. Lúc đó là tờ Tinh Hoa sau đến tờ nhật báo Tự Chủ, vì ông luôn quý mến những ai có tâm huyết đi theo làng văn chương nghệ thuật. Ở nhật báo Tự Chủ, nhà văn, nhà báo Nguyễn Thạch Kiên dám mạo hiểm sử dụng một người viết mới như tôi mới tuổi đôi mươi, với một fueilleton đầu tay nơi trang tiểu thuyết. Những năm sau đó tôi trở thành biên tập của tờ Tinh Hoa (lúc ông cho mướn manchette để làm tuần báo truyện tranh dành cho thiếu nhi), nên tôi biết rất nhiều về ông.
Khi nhà văn, nhà báo Nguyễn Thạch Kiên ở Sài Gòn nơi khu định cư của những người từ Bắc vô Nam năm 1954, tức khu Vĩnh Viễn – Nguyễn Tri Phương bây giờ (ở đó còn có nhà của ký giả Hoàng Việt tức thân sinh nhà báo, nhạc trẻ Nam Lộc), tôi thường xuyên đến thăm ông, bởi gia đình ông có cô con gái rượu tên Phượng chưa hề mất nét đẹp của gái Hà Thành, cùng đồng tuổi với tôi, luôn vô tư vui vẻ với mọi người, nên tôi cũng có đôi chút quyến luyến với gia đình ông.
Đó là những kỷ niệm đẹp mà tôi luôn ghi nhớ về một người anh, một người thầy trong cuộc đời. Nay nhà văn, nhà báo Nguyễn Thạch Kiên không còn nữa, ông mất ngày là 13/12/2008, nên tôi muốn viết đôi hàng về ông như một sự tưởng nhớ, và mong nói một chút về tiểu sử của ông; nhưng có lẽ trích đoạn của người khác viết về ông sẽ hay hơn là tôi. Và hơn nữa trước khi qua đời nhà văn, nhà báo Nguyễn Thạch Kiên đã hé lộ về “nàng thơ mang tên T.T.Kh.”, theo tôi sự phân tích của ông rất chính xác, bởi ông có nhiều tài liệu và là người sống cùng thời với những tên tuổi có liên quan, hoặc biết ít nhiều trong “Huyển thoại T.T.Kh.” từ những năm 1937 cho đến khi cuốn sách “Huyền thoại T.T.Kh.” được xuất bản.
Sau đây là trích đoạn bài của nhà văn Huy Phương viết về tiểu sử của nhà văn nhà báo quá cố Nguyễn Thạch Kiên:
Nhà văn Nguyễn Thạch Kiên một nhà văn kỳ cựu từ thập niên 1940, cùng thời với Tự Lực Văn Ðoàn. Từ năm 1943, Nguyễn Thạch Kiên đã làm thơ viết văn và sinh hoạt trong Ðoàn Thanh Niên Công Giáo tại Hà Nội. Thời gian trước năm 1954, lúc ông Nghiêm Xuân Thiện là Tổng Trấn Bắc Phần kiêm Quốc Vụ Khanh, ông Nguyễn Thạch Kiên đã tham gia viết tờ Thời Sự và sau đó là Thời Luận do ông Thiện chủ trương.
Nhà văn Nguyễn Thạch Kiên rất có duyên với các giải thưởng văn chương, năm 1949, với tập truyện “Hương Lan”, đã đoạt giải nhất văn chương do Nhà Xuất Bản Tân Việt - Saigon tổ chức (cùng với Lý Văn Sâm giải nhì). Mười năm sau (1959), cuốn tiểu thuyết “Mùa Hoa Phượng” đoạt Giải Truyện Dài của Tinh Việt Văn Ðoàn do hai ông Phạm Ðình Tân và Phạm Ðình Khiêm chủ trương (giải nhì là cuốn Ðường Xa Chi Mấy của Chi Lan Thảo). Vào thời này, Nguyễn Thạch Kiên đã chủ trương nhà xuất bản Phượng Hoàng để ấn hành nhiều tác phẩm của ông cũng như của bạn bè.
Sau năm 1954, Nguyễn Thạch Kiên là Tổng Thư Ký tờ Văn Ðàn do Phạm Ðình Tân và Phạm Ðình Khiêm chủ trương, Tổng Thư Ký tờ Ðường Sống của Linh Mục Trần Văn Hiến Minh và Vũ Ðình Trác. Ông là thế hệ viết “fueilleton” đầu tiên, trước lúc có Hoàng Hải Thủy, Văn Quang hay bà Tùng Long xuất hiện, trên tờ Thời Luận, Cách Mạng Quốc Gia, viết cùng lúc hai ba truyện một ngày và sinh sống thực sự bằng nghề viết tiểu thuyết.
Nhà văn Nguyễn Thạch Kiên cũng thử nghiệm trong địa hạt viết chuyện kinh dị và đã thành công với chuyện “Ngôi Nhà Bỏ Hoang” trên tờ Văn Ðàn, sau này đã được trình bày nhiều lần trên chương trình “Chuyện Kinh Dị Lúc 0 Giờ”.
Nhà văn Nguyễn Thạch Kiên đã có trên 20 tác phẩm văn học gồm truyện dài, truyện ngắn và thơ trong thời tiểu thuyết thịnh hành, nhưng điều không may là hiện nay ông chỉ còn giữ vỏn vẹn có một truyện dài, một truyện ngắn và một tập thơ như món di sản vào cuối cuộc đời.
Quê quán Nguyễn Thạch Kiên ở Ninh Bình, nhưng thân phụ ông làm ngành hỏa xa ở Hà Nội. Mẹ ông người Hưng Yên, suốt mười tám năm đê sông Hồng vỡ, quê hương đã biến thành bãi cát dài, do đó gia đình bên ngoại ông phải lên sinh sống ở Hà Nội, và hai người gặp nhau ở đây. Ông sinh năm 1926 trong một gia đình có đông anh chị em, lúc nhỏ có theo học ở Chủng Viện Công Giáo Bắc Ninh, suốt tuổi thơ theo cha sinh sống qua nhiều tỉnh ở Bắc Việt, nơi cha ông phục vụ trong ngành hỏa xa.
Ông lập gia đình năm 1950 lúc 25 tuổi, tuy là nhà văn nổi tiếng của Hà Nội ba mươi sáu phố phường trước ngày di cư, Nguyễn Thạch Kiên sống cuộc đời mẫu mực không khác nhà tu.
Khi vào Sài Gòn năm 1954, nhà văn Nguyễn Thạch Kiên đứng tên một tờ tuần san lấy tên tuần báo Tinh Hoa, chuyên về văn hóa nghệ thuật và giới thiệu các tài năng thi văn mới. Sau đó ông làm tổng thư ký tòa soạn cho nhiều nhật báo ở Sài Gòn.
Năm 1986, nhà văn Nguyễn Thạch Kiên vượt biên sang Mỹ. Tại Mỹ, năm 1994, Nguyễn Thạch Kiên cho ấn hành tập thơ “Nắng Hương Cau”, tập trung những bài thơ tình của ông trong năm mươi năm qua. Nhan đề của tập thơ mang đầy hình ảnh quê hương, và thơ cũng nhẹ nhàng, chừng mực như đời sống của ông. Hình ảnh của nhà văn Nguyễn Thạch Kiên làm chúng ta nhớ lại thi sĩ Ðinh Hùng trước năm 1968, lúc nào cũng cũng complet, cà vạt, tươm tất và hay tìm dịp trò chuyện với anh em thuộc thế hệ trẻ. (trích bài HP)
Ngày 13/12/2008 nhà văn Nguyễn Thạch Kiên qua đời, hưởng thọ 83 tuổi.

NÓI VỀ “HUYỀN THOẠI T.T.Kh”

Trước khi nhà văn Nguyễn Thạch Kiên qua đời, ông có viết về một đề tài từng gây sôi nổi trong làng văn học đã hơn ba phần tư thế kỷ mà chưa có lời giải đáp rõ ràng, đó là cuốn sách mang tên "Huyền thoại T.T.Kh.". Sách dày 260 trang, với một nửa cuốn đề cập những chi tiết quanh các bài thơ đề tên T.T.Kh. rất lý thú. Và đây có phải là lời giải đáp rõ ràng không?
Trong cuốn sách trên, nhà văn Nguyễn Thạch Kiên phân tích và mổ xẻ rất chi li về “Huyền thoại T.T.Kh” là ai. Như một số tiểu mục được ông phân chia như sau : Huyền thoại về Nàng Thơ T.T.Kh., Dưới giàn hoa máu, Tống Biệt Hành, T.T.Kh. Nàng là ai?, Nguyên nhân nào khiến sống dậy huyền thoại T.T.Kh.?, Nguyễn Vỹ viết về T.T.Kh., Thanh Châu nhận định về T.T.Kh., Truyện ngắn "Hoa Ti-gôn" năm 1937 của Thanh Châu, Trong lửa đạn thù...
Trong đó ông bắt đầu câu chuyện về T.T.Kh. qua một truyện ngắn "Dưới giàn hoa máu" (còn có tựa Hoa Ti Gôn, trang blog này đã đăng trong bài 1) của nhà văn Thanh Châu đăng trên báo Tiểu Thuyết Thứ Bảy vào năm 1937 (nhà xuất bản Tân Dân của ông Vũ Ðình Long), nội dung truyện ngắn căn cứ vào lời kể về mối tình giữa họa sĩ Nguyễn Tuấn Trình tên thật của nhà thơ Thâm Tâm, với một thiếu nữ tên Khánh.
Còn theo một số nhân chứng biết rõ về "huyền thoại T.T.Kh." có nhà văn, nhà báo Nguyễn Vỹ (chủ nhiệm bán nguyệt san Phổ Thông) và Hồ Văn Thông, một người bạn thân của Thâm Tâm trong thời kháng chiến. Với Hồ Văn Thông cho rằng chính nhà thơ Thâm Tâm Nguyễn Tuấn Trình đã từng thố lộ với ông:
- Sau truyện ngắn ”Dưới giàn hoa máu” của Thanh Châu, nhà thơ Thâm Tâm mới có thi hứng sáng tác ra bài thơ "Hai Sắc Hoa Ti-Gôn", và nhờ cô em họ mang tới tòa báo Tiểu Thuyết Thứ Bảy đăng. Khi bài thơ này phổ biến thì dư luận rất thương cảm cho người thiếu nữ bất hạnh và muốn biết T.T.Kh. là ai?
Nhưng không thể biết TT.Kh là ai, bởi mối tình si mà nhà thơ Thâm Tâm muốn chôn chặt vào dĩ vãng và cũng là lời yêu cầu của người yêu. Vì thế, trong thời điểm đó tình trạng báo chí ở Hà Nội đang ảm đạm, người ta tìm cách tạo dựng ra “huyền thoại T.T.Kh” để bán báo. Người cho rằng chính là Thanh Châu, là Thâm Tâm, là Nguyễn Bính, cũng có người cho TT.Kh. là một nữ nhân có thật đang hiện hữu trên đời.
Cũng từ đó, có một số bài thơ với lời lẽ tầm thường xuất hiện mang tên T.T.Kh. được đăng vô tội vạ, nhưng ai cũng biết những “người làm thơ” này giả tên để họa may có tiếng tăm với đời.
Trong lần tâm sự riêng giữa Thâm Tâm với Hồ Văn Thông, Nhà thơ Thâm Tâm còn thú nhận, suốt từ năm 1937 đến 1939, ông chỉ có 3 bài thơ đề tên T.T.Kh. là do chính ông sáng tác tức các bài Hai sắc hoa ti-gôn, Bài thơ thứ nhất và Bài thơ cuối cùng. Còn “Bài thơ đan áo” là của một người khác.
Khi tâm sự với nhà báo Nguyễn Vỹ, nhà thơ Thâm Tâm cũng cho rằng (theo lời nhà báo Nguyễn Vỹ viết kể lại):
- Khoảng tháng 2 năm 1936, Thâm Tâm tức họa sĩ Tuấn Trình lúc đó 19 tuổi có làm quen với cô Trần Thị Khánh 17 tuổi sắp thi bằng Tiểu Học. Khi cô viết thư gởi Thâm Tâm báo tin sắp lấy chồng, ông rất đau buồn nhưng cũng biết được rằng nàng không yêu ông nhiều như ông tưởng. Cho nên trong bài viết "Thâm Tâm và sự thật về T.T.Kh.", cố nhà văn, chủ báo Nguyễn Vỹ đã viết nguyên văn như sau:
- "Chàng yêu nhớ đơn phương với mặc cảm của một nghệ sĩ nghèo bị nguời yêu bỏ rơi, lại còn bị mấy thằng bạn trẻ chế nhạo đùa bỡn, nhất là Vũ Trọng Can. Vì chút tự ái văn nghệ đối với mấy nguời kia, Tuấn Trình đã phải thức một đêm, theo lời anh, làm một bài thơ đề là HAI SẮC HOA TI GÔN ký T.T.Kh. với thâm ý để Trần Huyền Trân và Vũ Trọng Can tin là của Khánh làm, để thương tiếc mối tình tan vỡ. Muốn giữ tính cách bí mật, Tuấn Trình dán kín bao thư rồi nhờ cô em họ (con gái của người cô ở phố Cửa Nam) mang đến tòa báo. Cũng chính cô em họ đó đã chép giùm bài thơ với nét chữ con gái dịu dàng của cô, để khỏi bị nghi ngờ. Còn cô Khánh không biết làm thơ. Cô chưa bao giờ làm thơ cả! Và cô đã ghét những bài thơ của Thâm Tâm nữa là đằng khác.
- “Tuấn Trình nói quả quyết với tôi như vậy, sau khi nhận đuợc một bức thư cuối cùng của Khánh, tỏ ý không bằng lòng anh mượn tên cô để làm thơ kể chuyện tình duyên cũ, có thể làm hại đến cuộc đời của cô, anh mới có “Bài thơ cuối cùng” để hồi âm lại lá thư trên. Đó là những gì nhà văn Nguyễn Thạch Kiên đưa ra nhiều bằng chứng khá thuyết phục về "Huyền thoại T.T.Kh." và nàng thơ T.T.Kh. không hề có thật trên đời mà chỉ có Trần Thị Khánh không biết và rất ghét thơ. Nên chỉ có 3 bài thơ của nhà thơ Thâm Tâm viết cho một mối tình tan vỡ.
Tuy nhiên cuối cùng nhà văn Nguyễn Thạch Kiên cũng nhấn mạnh, có lẽ ông còn hoài nghi lời của Hà Văn Thông hay Nguyễn Vỹ tiết lộ, nên ông cho rằng "Huyền thoại, chỉ nên mãi mãi là huyền thoại" đừng nên nghĩ chính Thâm Tâm là tác giả.
Nhà văn Nguyễn Thạch Kiên còn viết như sau:
- "Chúng tôi quan niệm huyền thoại hẳn phải là một cái gì đó rất đẹp, rất lý tưởng, và không sao với tới được. Phải, nó làm phong phú trí tưởng tượng con người. Phanh phui, phân tích, tìm hiểu từng chi tiết, khác nào ta bóc trần một cổ vật hằng trân quý. Một người khác phái ta say mê mà không sao được kề cận, vẫn mãi mãi là một ám ảnh, làm suốt đời ta thèm day dứt, tôn thờ.
“Chuyện tình T.T.Kh. với mấy bài thơ oan trái xuất hiện từ năm 1937, đã trở thành huyền thoại sử thi, góp phần không nhỏ vào sự hình thành nền thơ mới của một thời đại cần đổi mới thơ văn là một thí dụ".
Còn nhà báo Quốc Nam đang sống ở Mỹ lại viết:
- “Câu chuyện mấy bài thơ mang tên T.T.Kh. đã trải qua hơn 70 năm qua, thế mà vẫn có nhiều người tin có một thiếu nữ đã làm mấy bài thơ ai oán như vậy. Tôi đã vào nghề cầm bút gần nửa thế kỷ qua, nên biết rất rõ khá nhiều người đàn ông làm báo đã núp dưới tên phụ nữ để giải đáp tâm tình hoặc phụ trách mục thơ văn nào đó. Trường hợp báo Tiểu Thuyết Thứ Bảy ở Hà Nội cuối thập niên 1930 đã "câu" độc giả bằng huyền thoại nàng T.T.Kh. cũng là chuyện thuờng tình xảy ra trong làng báo Việt Nam xưa và nay.
“Ngay từ năm 1961, khi bắt đầu mưu sinh bằng ngòi bút, tôi đã thắc mắc về "người thơ T.T.Kh.". Chỉ cần đọc một bài thơ "Hai Sắc Hoa Ti-Gôn", tôi đã nghĩ rằng không thể một cô gái 17 tuổi vào thời xa xưa đó lại có thể sáng tác được 1 bài thơ với ngôn từ khá già dặn như vậy. Người làm bài này phải là một thi nhân đã từng biết làm thơ trước đó.
“Nếu người nào suy nghĩ sâu một chút và phân tích từng chữ nơi các câu thơ trong 3 bài thơ ký tên T.T.Kh. nêu trên, sẽ nhận thấy được dòng thơ đó không thể sáng tác bởi một cô gái chưa đậu Tiểu Học ở thời điểm xa xưa ấy.
“ Và chữ "HỪ" rất ít người con gái xử dụng trong thơ văn, như ở "Bài Thơ Cuối Cùng" đề tên T.T.Kh., có đoạn như sau:
Từ đây anh hãy bán thơ anh,
Còn để riêng tôi với một mình.
Những cánh hoa lòng... Hừ, đã ghét,
Thì đem mà đổi lấy hư vinh.
“Và ngày nay, đúng là họa sĩ Nguyễn Tuấn Trình tức thi sĩ Thâm Tâm (tác giả bài Tống Biệt Hành) sáng tác ra mấy bài thơ đó đề tên Trần Thị Khánh (viết tắt T.T.Kh.) hay Thâm Tâm Khánh (viết tắt T.T.Kh.) để che dấu nỗi đau nhục bị cô Khánh bỏ rơi, có lẽ là đúng!”

VÉN MÀN BÍ ẨN VỀ T.T.Kh.

Qua ba bài viết các diễn tiến về “Huyền thoại T.T.Kh”, trong đó chúng tôi cũng đã dàn dựng lại từ truyện ngắn “Hoa Ti Gôn” (còn có tựa “Dưới giàn hoa máu”) của nhà văn Thanh Châu. Đồng thời có sự khẳng định từ nhà văn, nhà báo Nguyễn Thạch Kiên khi ông có những nhân chứng sống khẳng định, nên cho rằng, T.T.Kh chính là nhà thơ Thâm Tâm còn là một họa sĩ với tên thật Nguyễn Tuấn Trình, thông qua lời kể của nhà văn, nhà báo Nguyễn Vỹ và người bạn chiến đấu của Thâm Tâm là Hà Văn Thông.
Tuy nhiên trước đó vào năm 2005, trên nhật báo Thanh Niên xuất bản ở Sài Gòn trong những số cuối tháng 10, có đăng tất cả 7 kỳ báo của ông Trần Đình Thu với đề tựa “Đi tìm tác giả bí ẩn T.T.Kh” (qua lời nói đầu, được trích từ bản thảo cuốn sách “Giải mã nghi án văn học T.T.Kh” của tác giả, nay sách này đã xuất bản).
Trong 7 bài báo, ông Trần Đình Thu cũng đã phân tích rất mỉ từ những nhân vật chính trong nghi án như nhà văn Thanh Châu, thi sĩ Thâm Tâm Nguyễn Tuấn Trình, thi sĩ Nguyễn Bính, cuối cùng gần như ông khẳng định bà Trần Thị Vân Chung mới chính là T.T.Kh, nhưng có lẽ vì một lý do riêng tư mà bà Vân Chung đã lên tiếng phủ nhận, không phải với ông Trần Đình Thu mà với tác giả Thế Nhật (tức nhà văn Thế Phong trong nhóm Đại Nam Băn Hiến) đã phát hiện và tiết lộ trong cuốn sách “T.T.Kh, nàng là ai ?” cũng đã xuất bản vào năm 1994.
Nói về tác giả Thế Nhật hay Thế Phong, năm 1994, khi cuốn sách “T.T.Kh, nàng là ai ?” ra đời, ông Thế Nhật đã nêu đích danh tên tuổi của bà Trần Thị Vân Chung ra để khẳng định. Rồi cũng chính bà Vân Chung công khai lên tiếng phủ nhận, bà không phải là T.T.Kh. Thư của bà gửi từ Pháp về được đăng tải trên một số báo ở Sài Gòn bấy giờ. Làm những người ái mộ thơ T.T.Kh hoang mang, ai là T.T.Kh : thi sĩ Thâm Tâm hay bà Vân Chung là con người bí ẩn đó (lúc bấy giờ ai cũng nghĩ T.T.Kh chính là Thâm Tâm + Khánh qua những bài viết khác, là cô em họ của Thâm Tâm hay của Tế Hanh).
Hoang mang vì trong cuốn sách “T.T.Kh nàng là ai ?” tác giả Thế Nhật cho biết thêm, sách được viết dựa trên một sự tiết lộ vô tình của bà Nghiêm Phú Thư Linh, một người quen biết với bà Vân Chung sau năm 1975, còn với tác giả Thế Nhật không có thông tin, tài liệu trực tiếp.
Dù rằng đã có tin cải chính từ bà Vân Chung, nhưng các báo lúc đó hình như công nhận tác giả Thế Nhật, người đã tìm ra người thơ bí ẩn T.T.Kh mà trong 60 năm qua hãy còn trong màn bí mật. Như trên Báo Tuổi Trẻ số ngày 2/10/1994 viết: "Đưa ra tên tuổi thật của T.T.Kh, với đầy đủ cuộc đời, nguồn gốc. Một nghi án văn học đã quá lâu, nay lỡ biết rồi thì không thể không công bố". Còn báo Sài Gòn Giải Phóng ngày 9/10/1994 cũng viết: "Cuối cùng bí mật đã được phát giác, tác giả cuốn sách giải trình đầy đủ tư liệu hơn nửa thế kỷ qua". Báo Lao Động số ngày 13/10/1994 viết: "Một nghi án văn học đã gần 60 năm quanh một chùm thơ nổi tiếng của tác giả T.T.Kh. Đến nay, Thế Nhật với những tư liệu và chứng cứ rõ ràng mới bật mí được câu chuyện tình lãng mạn bậc nhất trong văn học Việt Nam này".
Vì thế có lẽ ông Trần Đình Thu mới dám khẳng định “dù các ý kiến của người quan tâm không thống nhất nhau. Riêng chúng tôi, khi xem xét lại tất cả các vấn đề, thật đáng ngạc nhiên là chúng tôi thấy bà Vân Chung có một nhân thân phù hợp với T.T.Kh đến kỳ lạ” Bây giờ người viết xin trích lược những quan điểm đúng sai khi ông Trần Đình Thu “Đi tìm tác giả bí ẩn T.T.Kh” cùng những tác giả khác nói về nhân vật thơ bí ẩn này. 

Câu chuyện tình buồn 70 năm trước

Đó là bài viết thứ nhất, nhưng người viết xét thấy không có gì mới ngoài việc ông Trần Đình Thu kể lại từ đầu nghi án văn học mang tên T.T.Kh như bạn đọc đã biết qua 3 bài đã đăng trong blog này. Chỉ có một chi tiết mới mẻ được ông đưa ra:
- “Ngược với Nguyễn Vỹ thì một số tác giả, chẳng hạn như Hoàng Tiến, lại cho rằng chính cô Trần Thị Khánh, cô người yêu của Thâm Tâm đã sáng tác ra những bài thơ ký tên T.T.Kh. Một số tác giả khác còn tiến thêm một bước cụ thể hơn nữa khi cho rằng Trần Thị Khánh chính là em gái họ của nhà thơ Tế Hanh...”
Còn nhà văn Nguyễn Thạch Kiên lại cho biết (xem bài 3 trong blog):
- "Chàng yêu nhớ đơn phương với mặc cảm của một nghệ sĩ nghèo bị nguời yêu bỏ rơi, lại còn bị mấy thằng bạn trẻ chế nhạo đùa bỡn, nhất là Vũ Trọng Can. Vì chút tự ái văn nghệ đối với mấy nguời kia, Tuấn Trình đã phải thức một đêm, theo lời anh, làm một bài thơ đề là “Hai Sắc Hoa Ti Gôn” và ký T.T.Kh. với thâm ý để Trần Huyền Trân và Vũ Trọng Can tin là của Khánh làm, để thương tiếc mối tình tan vỡ. Muốn giữ tính cách bí mật, Tuấn Trình dán kín bao thư rồi nhờ cô em họ (con gái của người cô ở phố Cửa Nam) mang đến tòa báo. Cũng chính cô em họ đó đã chép giùm bài thơ với nét chữ con gái dịu dàng của cô, để khỏi bị nghi ngờ. Còn cô Khánh không biết làm thơ. Cô chưa bao giờ làm thơ cả! Và cô đã ghét những bài thơ của Thâm Tâm nữa là đằng khác.
- “Tuấn Trình nói quả quyết với tôi như vậy, sau khi nhận đuợc một bức thư cuối cùng của Khánh, tỏ ý không bằng lòng anh mượn tên cô để làm thơ kể chuyện tình duyên cũ, có thể làm hại đến cuộc đời của cô, anh mới có “Bài thơ cuối cùng” để hồi âm lại lá thư trên”.
Thời gian đó không ai đi tìm hiểu về 2 cô em họ của hai nhà thơ nói trên, để làm nhân chứng sống cho nghi án này. Quả thật tiếc vô cùng, không hiểu vì vô tình hay cố ý mà quên đi một nhân chứng!

T.T.Kh có thể là Thâm Tâm hoặc Nguyễn Bính?

Bài báo tiếp theo, ông Trần Đình Thu, cho rằng trước hết hãy tìm hiểu xem liệu có thể tin rằng T.T.Kh chính là Thâm Tâm hoặc Nguyễn Bính như một số người từng khẳng định không. Ông nói đến tác giả Hoài Việt: 
“Hoài Việt một người cầm bút trước năm 1945, từng quen biết với hai thi sĩ này cho biết:Thâm Tâm, Nguyễn Bính, Trần Huyền Trân hồi đó là ba thi sĩ chủ chốt trong một nhóm thơ được các văn hữu mệnh danh là các nhà thơ xóm “áo bào gốc liễu”. Ba người tuổi tác xấp xỉ nhau, đều xuất thân từ tầng lớp dân nghèo, không được học hành nhiều ở các trường lớp chính quy, vì thế ảnh hưởng của văn học phương Tây đối với họ hầu như không có gì. Ngược lại họ là những người được học nhiều chữ Hán, chữ Nôm. Cả ba người có lúc cùng ở trọ một nhà với nhau để viết văn, làm báo. Những hoàn cảnh như trên đã ảnh hưởng đến phong cách sáng tác của nhau, hình thành nên một nhóm thơ có tên gọi như trên.
“Ngoài những nét riêng biệt trong các tác phẩm của từng người thì nhóm thơ này có đặc điểm chung. Là các thành viên rất thích cái giọng văn chương hiệp sĩ, ưa dùng hình ảnh những tráng sĩ lên đường thời Xuân Thu Chiến Quốc. Những tráng sĩ mặc áo bào từ trên lưng ngựa nhảy xuống đất, buộc ngựa vào gốc liễu, nghênh ngang bước vào tửu quán. Vì thế mà thơ của họ chứa đựng cái chất tráng ca, cái khí phách ngang tàng của những trang hảo hớn:
"Chí lớn chưa về bàn tay không
Thì không bao giờ nói trở lại
Ba năm mẹ già cũng đừng mong" (thơ Thâm Tâm),

"Kinh Kha giữa chợ sầu nghiêng chén
Ai kẻ dâng vàng, kẻ biếu tay?
Mơ gì áp Tiết thiên văn tự
Giầy cỏ gươm cùn ta đi đây" (thơ Nguyễn Bính).

“Nhận định của Hoài Việt như thế rất đúng với trường hợp của Thâm Tâm. Chất giọng văn chương hiệp sĩ của ông tạo nên nét riêng biệt không ai có được. Thơ ông là thứ thơ hùng tráng. Nếu có bi thì cũng là hùng bi... “Còn với Nguyễn Bính, ngoài cái phần chung với nhóm thơ trên mà ông ít nhiều chịu ảnh hưởng, đã thể hiện trong vài trường hợp (chẳng hạn bài Hành phương Nam) thì thơ Nguyễn Bính được bao trùm bởi cái chất quê, như Hoài Thanh nhận định trong Thi nhân Việt Nam:
“Thơ Nguyễn Bính phần lớn gần gũi với đời sống lam lũ quê mùa dù ông đang ở thành thị hay thôn quê. Từ ngữ nhiều khi quá dân dã đến nỗi một số nhà thơ thời ấy chê là ông làm hò vè… Cái chất dân dã quê mùa, pha lẫn với một ít chất tráng ca, có lẽ ảnh hưởng từ Thâm Tâm, đã tạo nên một Nguyễn Bính khó có thể lẫn vào ai.
“Đó là những nét đặc thù trong thơ Thâm Tâm và Nguyễn Bính, hai tác giả được nhiều người coi là T.T.Kh. Vậy còn thơ T.T.Kh thì sao?
“Ta hãy đọc lại vài vần thơ của T.T.Kh:
"Người ấy thường hay vuốt tóc tôi
Thở dài trong lúc thấy tôi vui
Bảo rằng hoa dáng như tim vỡ
Anh sợ tình ta cũng vỡ thôi" (Hai sắc hoa ti gôn)"
Cho nên ông Trần Đình Thu mới cho rằng, hai nhà thơ Thâm Tâm và Nguyễn Bính không thể là T.T.Kh. đi cùng với kết luận: “Qua những bài thơ của T.T.Kh và thấy tác giả là người có thói quen sử dụng từ ngữ hiện đại. Có lẽ tác giả được đi học trường Tây chứ không phải đi học trường làng. Ta không tìm thấy những từ ngữ làng quê hay từ ngữ có nguồn gốc Hán-Việt nhiều ở đây. Vả lại những câu thơ như câu "Người ấy thường hay vuốt tóc tôi/Thở dài trong lúc thấy tôi vui" quá là hiện đại. Tình yêu trong thơ Thâm Tâm hoặc thơ Nguyễn Bính đâu có như thế.”
Nhân đây người viết xin giới thiệu đến bạn đọc ba bài thơ của hai thi sĩ Thâm Tâm và Nguyễn Bính từng được đánh giá cao, để bạn đọc tiện tham khảo và đánh giá cho đúng với so sánh của ông Trần Đình Thu:

TỐNG BIỆT HÀNH - Thơ: Thâm Tâm

Đưa người, ta không đưa qua sông.
Sao có tiếng sóng ở trong lòng?
Bóng chiều không thắm, không vàng vọt,
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong ?

Đưa người, ta chỉ đưa người ấy,
Một gia đình, một dửng dưng…
- Li khách ! Li khách ! Con đường nhỏ,
Chí lớn chưa về bàn tay không.
Thì không bao giờ nói trở lại
Ba năm mẹ già cũng đừng mong.

Ta biết người buồn chiều hôm trước:
Bây giờ mùa hạ sen nở nốt,
Một chị, hai chị, cùng như sen.
Khuyên nốt em trai dòng lệ sót.

Ta biết người buồn sáng hôm nay:
Giời chưa mùa thu, tươi lắm thay,
Em nhỏ ngây thơ, đôi mắt biếc,
Gói tròn thương tiếc chiếc khăn tay…

Người đi? Ừ nhỉ, người đi thực!
Mẹ thà coi như chiếc lá bay,
Chị thà coi như là hạt bụi,
Em thà coi như hơi rượu say.


HÀNH PHƯƠNG NAM - Thơ: Nguyễn Bính

Hai ta lưu lạc phương Nam này
Trải mấy mùa qua én nhạn bay
Xuân đến khắp trời, hoa rượu nở
Riêng ta với ngươi buồn vậy thay!

Lòng đắng sá gì non hớp rượu
Mà không uống cạn, mà không say?
Lời thề buổi ấy cầu Tư Mã
Mà áo khinh cừu không ai may

Ngươi giam chí lớn vòng cơm áo
Ta trói thân vào nợ nước mây
Ai biết thương nhau từ thuở trước
Bây giờ gặp nhau trong phút giây

Nợ tình chưa trả tròn một món
Sòng đời thua đến trắng hai tay
Quê nhà xa lắc xa lơ đó
Trông lại tha hồ mây trắng bay

Tâm giao mấy kẻ thì phương Bắc
Phân tán vì cơn gió bụi này
Ngươi đi buồn lắm mà không khóc
Mà vẫn cười qua chén rượu đầy

Vẫn dám tiêu hoang cho đến hết
Ngày mai ra sao rồi hãy hay
Ngày mai sán lạn màu non nước
Cốt nhất làm sao tự buổi này

Rẫy ruồng châu ngọc, thù son phấn
Mắt đỏ lên rồi cứ chết ngay
Hỡi ơi Nhiếp Chính mà băm mặt
Giữa chợ ai người khóc nhận thây

Kinh Kha quán lạnh sầu nghiêng chén
Ai kẻ dâng vàng, kẻ biếu tay?
Mơ gì Ấp Tiết thiêu văn tự
Hài cỏ gươm cuồng ta đi đây

Ta đi, nhưng biết về đâu chứ?
Đã dấy phong yên lộng bốn trời
Thà cứ ở đây ngồi giữa chợ,
Uống say mà gọi thế nhân ơi!

Thế nhân mắt trắng như ngân nhũ
Ta với nhà ngươi cả tiếng cười
Người ơi! Hề người ơi!
Người sang bên ấy sao mà lạnh
Nhịp trúc ta về lạnh mấy mươi.


TƯƠNG TƯ - Thơ: Nguyễn Bính
Thôn Ðoài ngồi nhớ thôn Ðông,
Một người chín nhớ mười mong một người,
Gió mưa là bệnh của trời,
Tương Tư là bệnh của tôi yêu nàng,

Hai thôn chung lại một làng,
Cớ sao bên ấy chẳng sang bên này,
Ngày qua ngày lại qua ngày,
Lá xanh nhuộm đã thành cây lá vàng,

Bảo rằng cách trở đò giang,
Không sang là chẳng đường sang đã đành,
Nhưng đây cách một đầu đình,
Có xa xôi mấy mà tình xa xôi,

Tương tư thức mấy đêm rồi,
Biết cho ai hỏi ai người biết cho,
Bao giờ bến mới gặp đò,
Hoa khuê các bướm giang hồ gặp nhau,

Nhà em có một giàn trầu,
Nhà tôi có một hàng cau liên phòng,
Thôn Ðoài thì nhớ thôn Ðông,
Cau thôn Ðoài nhớ trầu không thôn nào.



VÉN MÀN BÍ ẨN VỀ T.T.Kh.

Những nhận định tiếp theo...


Qua bài 4 của người viết trên “Văn Nghệ người Sài Gòn” khi nói đến ông Trần Đình Thu đã so sánh phong cách sáng tác thi ca và tư tưởng giữa ba người thơ : Thâm Tâm, Nguyễn Bính và con người bí ẩn mang tên T.T.Kh. Rồi ông kết luận “tác giả của những bài thơ mang tên T.T.Kh. dứt khoát phải là một tác giả nữ”. Vậy T.T.Kh là “nàng” hay “chàng”?
Có lẽ do ông Trần Đình Thu luôn khẳng định bà Trần Thị Vân Chung mới là tác giả bí ẩn mang tên T.T.Kh, nên trong bài báo 3 ông có viết:
“Thơ T.T.Kh hiện đại từ ngôn ngữ cho đến hình ảnh. Nhà văn Thanh Châu đã bỏ công tìm hiểu cách sử dụng từ ngữ của những đối tượng liên quan và đi đến nhận xét: thơ T.T.Kh không có những chữ như ly khách, cửa ải xa, xóm thanh bình, trường thành, quan san, trường đình, thét roi, cô phụ, đoạn trường như Thâm Tâm, không có những chữ như vương tơ, lão bộc, vật đổi sao dời, quay tơ, guồng tơ, hận tình, buồng the như Nguyễn Bính.
“Nhận xét này của Thanh Châu khá tỉ mỉ và chính xác, cho ta thấy sự khác biệt về cách sử dụng từ ngữ giữa T.T.Kh và Thâm Tâm, Nguyễn Bính. Chúng ta thấy thêm, ở Nguyễn Bính thường có xu hướng sử dụng từ ngữ địa phương mỗi khi có điều kiện, chẳng hạn "giời" thay cho "trời", "giầu" thay cho "trầu"... Như trong bài “Cô gái vườn Thanh”, Nguyễn Bính viết:
"Vườn Thanh qua đấy năm xưa
Trọ nhờ đêm ấy giời mưa tối giời".
“Đây là một thói quen mà T.T.Kh không hề có trong các bài thơ được đăng báo. Thật ra, nhiều câu thơ của T.T.Kh thể hiện rất rõ tính nữ trong đó. Đọc kỹ những câu thơ của T.T.Kh, có những câu dường như chỉ là tác giả nữ thì mới viết như thế:
"Nếu biết rằng tôi đã lấy chồng
“Trời ơi người ấy có buồn không" (Hai sắc hoa ti gôn).
“Chúng tôi muốn nói điều này : thơ là tiếng nói của tâm hồn, là sự thể hiện ra bằng ngôn ngữ những tâm tư tình cảm của con người. Nếu là một người hóa thân thành người khác để làm thơ thì rất khó, ngoại trừ đấy là thể loại truyện thơ. Đọc những vần thơ của T.T.Kh, ta thấy tràn ngập trong đó những nỗi niềm tâm sự, những xót xa ngậm ngùi, những buồn thương uất hận…
“Với những câu thơ trong ba bài thơ của T.T.Kh, làm sao có thể tin rằng do một người khác phái "đóng vai" để tạo ra ? Làm sao từ một câu chuyện tình phụ tầm thường nhạt nhẽo giữa Thâm Tâm với một cô gái mang tên Trần Thị Khánh nào đó mà thi sĩ viết lên được những câu thơ đớn đau thế này ? Thật là ngây thơ khi chúng ta tin rằng Thâm Tâm hay Nguyễn Bính có thể là tác giả của những bài thơ mang tên T.T.Kh. dứt khoát phải là một tác giả nữ”

MỐI QUAN HỆ GIỮA THANH CHÂU VỚI T.T.Kh


Đến bài báo thứ tư, ông Trần Đình Thu lại xoáy đến nhân vật chính trong nghi án là nhà văn Thanh Châu, tác giả của truyện ngắn “Hoa Ti Gôn”. Bởi nhà văn này biết rất rõ sự tình, từ đâu ông sáng tác ra câu chuyện tình bi đát giữa chàng họa sĩ với nàng con gái ở làng Mọc (vùng kế cận Hà Nội) tên Mai Hạnh; nếu không là chính ông thì chỉ có Thâm Tâm vừa là nhà thơ vừa là họa sĩ, như chàng họa sĩ trong truyện ngắn “Hoa Ti Gôn” của ông mà thôi.
Có thể nhà văn Thanh Châu không là tác giả của ba bài thơ “Hai sắc hoa Ti Gôn”, “Bài thơ thứ nhất” và “Bài thơ cuối cùng”, ông đã nhờ thi sĩ Thâm Tâm xướng họa ra chúng theo từng không gian, thời gian để diễn tả một chuyện tình không thành sự thật của chính ông với nàng T.T.Kh.
Thế rồi ông Trần Đình Thu viết tiếp:
“T.T.Kh và Thanh Châu đã lấy cùng một loài hoa để khơi dòng tâm sự. Thứ hoa dây leo có những cành nhỏ nhắn dễ thương trổ ra vô số nụ, năm cánh chụm lại thành "hình quả tim", trong một hai ngày sẽ nở bung ra. Thế là "quả tim vỡ"…
“… Hãy đọc lại bài thơ đầu tiên của T.T.Kh. “Hai sắc hoa ti gôn” là bài thơ hay nhất trong ba bài thơ và là bài thơ mà tác giả viết ngay sau khi đọc được truyện ngắn “Hoa ti gôn”. Điều dễ nhận thấy đầu tiên là bài thơ như "họa" lại truyện ngắn, từ hình thức cho đến nội dung. Khởi đầu là cái tựa : Hoa ti gôn với Hai sắc hoa ti gôn…. Chuyện tình thơ cũng bắt đầu từ những kỷ niệm êm đềm với loài hoa có cái tên Tây ấy”
Có lẽ ông Trần Đình Thu cho rằng nhà văn Thanh Châu chính là chàng họa sĩ Lê Chất (tên trong truyện ngắn) với nàng thiếu nữ Mai Hạnh nơi làng Mọc. Vì tin rằng bà Trần Thị Vân Chung cũng người tỉnh Thanh Hóa như nhà văn Thanh Châu, ông mới kể lại câu chuyện tình hồi tuổi trẻ bằng truyện ngắn “Hoa Ti Gôn”.
Nhưng theo nhà văn Quốc Nam (xem bài 3 trên blog) viết:
- “Câu chuyện mấy bài thơ mang tên T.T.Kh. đã trải qua hơn 70 năm qua, thế mà vẫn có nhiều người tin có một thiếu nữ đã làm mấy bài thơ ai oán như vậy. Tôi đã vào nghề cầm bút gần nửa thế kỷ qua, nên biết rất rõ khá nhiều người đàn ông làm báo đã núp dưới tên phụ nữ để giải đáp tâm tình hoặc phụ trách mục thơ văn nào đó. Trường hợp báo Tiểu Thuyết Thứ Bảy ở Hà Nội cuối thập niên 1930 đã "câu" độc giả bằng huyền thoại nàng T.T.Kh. cũng là chuyện thuờng tình xảy ra trong làng báo Việt Nam xưa và nay”.
“… Ngay từ khi bắt đầu mưu sinh bằng ngòi bút, tôi đã thắc mắc về "người thơ T.T.Kh.".
Chỉ cần đọc một bài thơ "Hai Sắc Hoa Ti-Gôn", tôi đã nghĩ rằng không thể một cô gái 17 tuổi vào thời xa xưa đó lại có thể sáng tác được một bài thơ với ngôn từ khá già dặn như vậy. Người làm bài này phải là một thi nhân đã từng biết làm thơ trước đó.
“Nếu người nào suy nghĩ sâu một chút và phân tích từng chữ nơi các câu thơ trong 3 bài thơ ký tên T.T.Kh, sẽ nhận thấy được dòng thơ đó không thể sáng tác bởi một cô gái chưa đậu Tiểu Học ở thời điểm xa xưa ấy”.
Vậy có phải tạp chí “Tiểu Thuyết Thứ Bảy” (TTT7) đã tạo dựng ra một scandal về người thơ T.T.Kh, đã hợp cùng nhà văn Thanh Châu và thi sĩ Thâm Tâm cùng xướng họa ra câu chuyện tình bi ai này để “câu” đọc giả để bán báo?
Theo kịch bản của nhóm TTT7, nhà văn Thanh Châu lấy nhân vật trong truyện là một anh họa sĩ (như Thâm Tâm ngoài đời cũng là một họa sĩ) rồi viết “ảo” ra một người con gái làng Mọc nào đó, trong một câu chuyện tình lấy nước mắt đọc giả ưa đọc tiểu thuyết tình lãng mạn ? Sau đó không lâu tiếp đến bài “Hai sắc hoa ti gôn” ra mắt như một sự trùng hợp ngẫu nhiên, càng thêm xôn xao dư luận.
Nên nhà văn Nguyễn Thạch Kiên đã viết:
“Nhưng không thể biết TT.Kh là ai… trong thời điểm đó tình trạng báo chí ở Hà Nội đang ảm đạm, người ta tìm cách tạo dựng ra “huyền thoại T.T.Kh” để bán báo. Người cho rằng chính là Thanh Châu, là Thâm Tâm, là Nguyễn Bính, cũng có người cho TT.Kh. là một nữ nhân có thật đang hiện hữu trên đời. Cũng từ đó, có một số bài thơ với lời lẽ tầm thường xuất hiện mang tên T.T.Kh. được đăng vô tội vạ”.
Có lẽ đây chỉ là một scandal trong văn học thật sự, vì từ truyện ngắn cho đến ba bài thơ mang tên T.T.Kh đều đăng trên Tiểu Thuyết Thứ Bảy một cách nhịp nhàng và có cả không gian nối tiếp không xa. Truyện ngắn đăng trước, sau đến hai bài “Hai sắc hoa ti gôn” và “Bài thơ thứ nhất”, đến khi TTT7 diễn đạt lại nỗi lòng của cô gái, tỏ ý không bằng lòng mượn tên cô để làm thơ kể lại chuyện tình duyên cũ, có thể làm hại đến cuộc đời cô. Cho nên mới có “Bài thơ cuối cùng” để hồi âm lại lá thư trên, cũng là bài thơ cuối cùng mang tên T.T.Kh.
Còn “Bài Thơ Đan Áo” được đăng trên “Phụ nữ thời đàm” (không phải trên TTT7) rất lạc lõng so với vần thơ của ba bài thơ trên. Những bài đăng trên Tiểu thuyết Thứ Bảy thuộc thể Thất Ngôn bảy chữ, còn “Bài Thơ Đan Áo” thuộc thể Lục Bát, ý tứ cũng có giọng điệu buồn đau, nhưng có vẻ than van, oán trách thân phận nhiều hơn. Nàng mô tả như bị tù tội trong cuộc sống với người chồng không yêu và vẫn mong đợi bóng dáng người tình xưa. Trong văn đàn không ai liệt bài thơ này vào chùm thơ của T.T.Kh.
Sau ngày nhà văn Thanh Châu qua đời, ông Trần Đình Thu có viết:
“Nhà văn Thanh Châu sinh năm 1912. Vào năm 1937, khi văn đàn xôn xao về mấy bài thơ của tác giả bí ẩn T.T.Kh, ông đã 25 tuổi, có ít vốn liếng văn chương. Ông sinh ra và lớn lên tại thị xã Thanh Hóa, là quê mẹ. Nơi ấy cũng có một người con gái kém ông 7 tuổi đang sinh sống, tên là Trần Thị Vân Chung. Vào năm 1937, nàng đã 18 tuổi. Trên chuyến tàu định mệnh Hà Nội - Thanh Hóa vào một chiều cuối thu trước đó, hai người đã gặp nhau để khởi đầu một mối tình đầy nước mắt.
Cũng một ngày cuối thu cách nay 4 năm, tôi đã đến căn nhà mà nhà văn Thanh Châu ở tại Tân Bình để nghe ông nói về mối tình ấy. “Khi đó ông đang nằm trên giường bệnh, nói năng rất khó khăn nhưng vẫn cố gắng trả lời những câu hỏi tò mò của tôi. Dù phải chắp nối để nghe cho rõ câu chuyện nhưng tôi cảm nhận được sự thổn thức trong tim ông khi ông nhắc lại mối tình đã tan vỡ gần bảy mươi năm về trước. Có lẽ đó là lần đầu tiên ông tiết lộ vài chi tiết về mối tình bi thương ấy cho một người nghiên cứu như tôi nghe.
“Vì sao tôi đến thăm ông lần ấy? Bởi vì trước đó tôi đã thấy hé mở một số vấn đề rất thú vị trong khi nghiên cứu truyện ngắn “Hoa ti-gôn” của ông và bốn bài thơ tình của T.T.Kh. Tôi đã chắc rằng giữa hai người này có mối quan hệ dây mơ rễ má gì đó. Công việc giải mã truyện ngắn và bốn bài thơ cho tôi kết quả: T.T.Kh chính là người yêu của nhà văn Thanh Châu. Và thế là tôi đến để hỏi ông, về một mối tình tan vỡ đớn đau vào lúc ông khoảng 22 - 23 tuổi. Tôi đã đưa đích danh Trần Thị Vân Chung ra để hỏi, nhưng trong lòng tôi cứ sợ ông chối, không nhận mình là người yêu của Trần Thị Vân Chung. Vì trước đó mười năm, tác giả Thế Phong đã công bố rằng Trần Thị Vân Chung là người yêu của Thanh Châu nhưng chính Thanh Châu đã lên tiếng rằng hai người chỉ là bạn bè một thuở mà thôi.
“…Sợ ông nghe nhầm câu hỏi, tôi phải hỏi đi hỏi lại ba, bốn lần, ghi âm cẩn thận và ông vẫn gật đầu. “Vâng, bà Vân Chung và tôi có yêu nhau”.
Sau câu trả lời đó của ông, tôi đi sâu vào chuyện tình và ông đã không ngần ngại kể cho tôi nghe một số tình tiết câu chuyện. “Có lẽ tôi phải trở lại đôi điều mà tôi đã trình bày trong cuốn sách “Giải mã nghi án văn học T.T.Kh”. Trước đó, nhiều giả định cho rằng T.T.Kh có thể là Thâm Tâm hoặc Nguyễn Bính. Có nghĩa là T.T.Kh là những người đàn ông. Nhưng qua phân tích truyện ngắn “Hoa ti-gôn” của Thanh Châu, các bài thơ: Hai sắc hoa ti-gôn, Bài thơ thứ nhất, Bài thơ cuối cùng và Bài thơ đan áo của T.T.Kh, tôi đã đưa ra được một số tiêu chí khác hẳn để xác định T.T.Kh như sau : Bất cứ nhân vật nào nếu muốn giả định là T.T.Kh thì đó phải là một người phụ nữ và hơn thế nữa, người phụ nữ ấy phải là người yêu của nhà văn Thanh Châu. Ngoài các tiêu chí chính đó, còn có các tiêu chí phụ khác như nhân vật đó phải có độ tuổi hợp lý (đến năm 1937 phải là một thiếu nữ 17 – 18 để có thể đã có chồng dạm hỏi hay lên xe hoa rồi), T.T.Kh phải là một người có sinh hoạt văn học (có thơ đăng báo, in sách)... Và thật kỳ diệu, nhân vật Trần Thị Vân Chung, mà trước đó nhà văn Thế Phong tức Thế Nhật đã phát hiện nhưng chính bà từ chối, có những đặc điểm nhân thân khớp một cách gần như hoàn toàn với T.T.Kh. Tôi chỉ còn phải làm một “phép thử” nhỏ, là xác định xem giữa Thanh Châu và T.T.Kh có mối quan hệ tình cảm thực sự nào không. Vì thế tôi đã đến gặp nhà văn Thanh Châu.
“Và tôi đã gặp may. Cho đến bây giờ tôi cũng không hiểu vì sao nhà văn Thanh Châu lại nói thật với tôi về mối tình này. Theo đó, sau khi gia đình Vân Chung không đồng ý cho hai người lấy nhau, Thanh Châu liền ra Hà Nội học và bắt đầu viết văn, làm báo. Ông mang theo mối tình sầu thảm ấy như ông viết trong bài tùy bút “Những cánh hoa tim” vào mùa thu năm 1939 : “Vì tôi thấy tôi cảm thấu hết được những cái gì là tê tái trong tình ái”. Một thời gian sau, Thanh Châu nhận được thư từ Thanh Hóa của gia đình gửi ra thông báo Vân Chung đã lấy chồng. Dĩ nhiên là Thanh Châu không có mặt trong ngày lên xe hoa đó của nàng (chồng Vân Chung lúc đó đã là một người có vai vị, về sau làm đến tri huyện, cho đến thời chính quyền Sài Gòn, làm đến chức tổng trưởng quốc phòng)".
Nhưng sau đó ông Trần Đình Thu lại có mâu thuẫn với những dòng chữ trên:
“Tôi sung sướng tột độ trước những thông tin từ tiết lộ chân thành này của nhà văn Thanh Châu. Cùng đi với tôi có nhà văn Nguyễn Khoa Đăng, khi đó dù chưa nắm thật rõ việc giải mã của tôi nhưng cũng chia sẻ niềm vui với tôi. Thế là những câu thơ T.T.Kh có thể gắn vào cho Trần Thị Vân Chung.
“… Tôi liền quyết định dấn thêm một bước nữa. Tôi ghé miệng vào tai nhà văn Thanh Châu và hỏi (vì khi đó ông đã khá nặng tai rồi):
- “Trần Thị Vân Chung có phải là T.T.Kh không ạ?
“ Hai, ba lần hỏi ông mới nghe rõ và ngó mặt đi chỗ khác:
- “Không ! Không phải ! Bà Vân Chung không phải là T.T.Kh. Toàn là bày vẽ chuyện”
“Nhà văn Nguyễn Khoa Đăng thất vọng ra mặt….

"BÀI THƠ ĐAN ÁO" CỦA AI?

Trong các bài báo 5 và 6 đăng trên nhật báo Thanh Niên của ông Trần Đình Thu, ông luôn chứng minh bà Trần Thị Vân Chung là tác giả của chùm thơ mang tên T.T.Kh trong đó có cả “Bài Thơ Đan Áo” như:
“…Đến đây, chúng tôi muốn tạm gác câu chuyện hoa ti gôn lại trong chốc lát để chuyển qua chuyện “Bài thơ đan áo”. Bài thơ này nhiều người không chịu thừa nhận là của T.T.Kh. Quả thật sự xuất hiện của nó cũng tương đối bất thường. Thứ nhất là nó không đăng trên Tiểu thuyết thứ bảy mà lại đăng ở báo khác. Thứ hai là về hình thức, nó cũng khác ba bài thơ kia. So sánh với ba bài kia, “Bài thơ đan áo” có vẻ thô vụng hơn nhiều. Đặc biệt trong khi ba bài thơ của T.T.Kh đều là thơ bảy chữ thì “Bài thơ đan áo” lại theo thể thơ lục bát. Thật là vô lý khi T.T.Kh đang rất điêu luyện trong thể thơ bảy chữ lại nhảy qua thơ lục bát để rồi lúng túng trong lối thơ này đến nỗi đôi chỗ vần không được nhuyễn. Chính những vướng mắc trên đã khiến người ta nghi ngờ bài thơ này là của người khác giả mạo T.T.Kh.
“Thế nhưng T.T.Kh lại không hề lên tiếng cải chính mà ngược lại trong “Bài thơ cuối cùng” nàng lại nhắc đến nó : "Bài thơ đan áo nay rao bán/Cho khắp người đời thóc mách xem". Hiểu thế nào cho đúng về vấn đề này ? Vậy ai là người đã viết “Bài thơ đan áo” ?... ".
Ông Trần Đình Thu đã tự giải đáp:
“Có lẽ chàng vừa gây ra một lỗi lầm gì đó làm cho nàng giận. Liên hệ đến khổ thơ thứ ba có câu "Bài thơ đan áo nay rao bán/Cho khắp người đời thóc mách xem" thì ta sẽ hiểu ngay chuyện gì. Đó là chuyện “Bài thơ đan áo”, chàng đã lấy nó đem "rao bán" làm cho nàng bực tức. "Rao bán" là từ mà nàng ví von cho hả tức chứ thực sự là chàng đã để lọt bài thơ đó ra ngoài (ý nói về bài Hai sắc hoa ti gôn). Bài thơ này vì một lẽ gì đó mà nàng không muốn cho ai đọc. Việc đăng báo bài thơ này có lẽ gây nên điều gì hệ trọng lắm nên nàng đã hết sức tức giận: "Là giết đời nhau đấy biết không". Ai là người yêu của T.T.Kh?
Cũng qua hai bài báo trên, ông Trần Đình Thu cho rằng nhà văn Thanh Châu từng có thời gian yêu T.T.Kh tức bà Trần Thị Vân Chung (theo sự nhận định từ Thế Phong qua đến ông). Trong một đoạn ông viết:
“Quá trình lần theo “dấu vết con người bí ẩn” này, chúng ta đã đưa ra được một số tiêu chí để xác định ai có thể là T.T.Kh. Thứ nhất, T.T.Kh phải là một người phụ nữ. Thứ hai, T.T.Kh phải là người thân thiết với nhà văn Thanh Châu. Cụ thể hơn, người đó phải là người yêu của nhà văn Thanh Châu. Như vậy, ta phải loại bỏ tất cả các "ứng viên" là nam giới như Thâm Tâm, Nguyễn Bính... cùng một số "ứng viên" nữ như Trần Thị Khánh...
“Vậy còn lại ai sẽ là người phù hợp với T.T.Kh ? Đến đây, có lẽ ta cần cho nhân vật thật xuất hiện để đối chiếu. Trong số những người phụ nữ được giả định trước đây, chỉ có một "ứng viên" duy nhất phù hợp với vị trí của T.T.Kh theo tiêu chí nói trên. Đó chính là bà Trần Thị Vân Chung, người được tác giả Thế Nhật phát hiện ra và tiết lộ trong cuốn sách “T.T.Kh, nàng là ai ?”
Đây là nhân vật đã gây ra nhiều tranh cãi trên công luận vào năm 1994”.
Còn nhà văn Thanh Châu và bà Trần Thị Vân Chung có yêu nhau không, xin đọc bài ông Trần Đình Thu gặp gỡ nhà văn trước những tháng sắp qua đời. Kể lại câu chuyện tình đó như sau:
“Nhà văn Thanh Châu cùng sinh trưởng ở thị xã Thanh Hóa như bà Vân Chung, gia đình thuộc dòng dõi quan lại nhưng đến thời của ông thì gia cảnh sa sút. Ngược lại, gia đình bà Vân Chung lúc đó làm kinh doanh buôn bán, kinh tế khá giả hơn rất nhiều.
“Thanh Châu là bạn của người anh ruột bà Vân Chung. Ông có dịp trò chuyện với cô em của người bạn mình là bà Vân Chung khi đi trên chuyến tàu từ Hà Nội về Thanh Hóa. Cuộc gặp gỡ định mệnh này đã khởi đầu cho một cuộc tình đầy nước mắt về sau.
“Trở về Thanh Hóa, hai người tiếp tục qua lại với nhau và tình cảm ngày càng thắm thiết. Gia đình hai bên cũng đều biết việc này nhưng cuộc tình duyên không đi đến đoạn kết vì vấn đề môn đăng hộ đối. Sau cú sốc này, Thanh Châu ra Hà Nội sống, Vân Chung ở lại quê nhà, một thời gian sau thì đi lấy chồng. Chi tiết này phù hợp với câu thơ trong Bài thơ thứ nhất : "Ở lại vườn Thanh có một mình/Tôi yêu gió rụng lúc tàn canh/Yêu trăng lặng lẽ rơi trên áo/Yêu bóng chim xa nắng lướt mành".
“Ra Hà Nội một thời gian, Thanh Châu nhận được tin tức từ gia đình nhắn ra cho biết bà Vân Chung chuẩn bị lên xe hoa về nhà chồng. Câu thơ tiếp theo của T.T.Kh viết đúng như hoàn cảnh của bà Vân Chung: "Và một ngày kia tôi phải yêu/Cả chồng tôi nữa lúc đi theo/Những cô áo đỏ sang nhà khác/Gió hỡi làm sao lạnh rất nhiều".
“Mối tình giữa Thanh Châu và Vân Chung là một mối tình văn chương cao đẹp vì cả hai người đều có tâm hồn văn nghệ sĩ. Truyện ngắn “Hoa ti gôn” của Thanh Châu thể hiện đầy chất lãng mạn và những bài thơ của Vân Chung viết sau này cũng thật lãng mạn mà chúng tôi sẽ giới thiệu với bạn đọc trong kỳ tới để tiện so sánh với thơ T.T.Kh.
“Sau khi chia tay, hai người không có điều kiện gặp lại nhau nữa vì đến năm 1954, hai miền Nam Bắc chia đôi, Vân Chung đã cùng chồng vào Nam còn Thanh Châu ở lại quê nhà. Mãi cho đến bốn mươi năm sau, khi đất nước thống nhất, Thanh Châu mới tìm vào Sài Gòn để thăm lại cố nhân.
“Nhà văn Thanh Châu đã trực tiếp xác nhận chừng đó thông tin với chúng tôi. Nhưng ông không đồng ý khi chúng tôi đặt vấn đề rằng T.T.Kh chính là bà Trần Thị Vân Chung. Vì vậy, chúng ta hãy tiếp tục so sánh đối chiếu”.

Một chuyện tình "ảo"

Bài báo cuối cùng của ông Trần Đình Thu cho rằng chùm thơ của T.T.Kh chính là của bà Trần Thị Vân Chung qua tựa đề “Sự phù hợp giữa Trần Thị Vân Chung và T.T.Kh” có nói đến sự phù hợp giữa thi ca và tình cảm:
“Chúng ta hãy xét về nhân thân bà Vân Chung để so sánh với T.T.Kh. Trong phần phân tích thơ T.T.Kh, chúng ta đã đưa ra nhận định, tác giả này phải là một người sinh trưởng trong một gia đình khá giả, thuộc tầng lớp tân học. Điều này rất đúng với trường hợp của bà Vân Chung. Và Thanh Châu cũng là một người tân học, trước ông học cao đẳng tiểu học ở Vinh, sau ra Hà Nội học trường đạo.
“Một điều quan trọng nữa là tuổi của "ứng viên". Theo xác nhận của chính bà Vân Chung, thì bà sinh năm 1919, tính đến năm 1937 là năm bà đã 18 tuổi tròn. Đó là tính theo tuổi Tây. Còn theo tuổi ta thì đã 19. Như vậy bà hoàn toàn có thể lấy chồng hoặc chồng đi dạm hỏi vào trước năm 1937. Vậy thì đến tháng 9/1937, nếu là T.T.Kh thì bà có thể viết trong Hai sắc hoa ti gôn:
"Nếu biết rằng tôi đã lấy chồng
Trời ơi! Người ấy có buồn không".
“Cũng cần nhắc lại là khi bà Vân Chung lấy chồng, ông Thanh Châu ở Hà Nội chứ không ở quê nhà. Vì thế cho nên Vân Chung mới nghĩ rằng ông không biết việc bà đi lấy chồng.
Chi tiết này phù hợp với câu thơ "Nếu biết rằng...".
Và như đoạn trên có nói “Gia đình hai bên cũng đều biết việc này nhưng cuộc tình duyên không đi đến đoạn kết vì vấn đề môn đăng hộ đối”
“Vào thời gian này, tiểu thuyết “Đoạn tuyệt” của Nhất Linh cũng vừa mới ra đời. Đó là cuốn tiểu thuyết luận đề, có ý nghĩa đả phá những tập tục hôn nhân gia đình phong kiến ngự trị ngàn năm trong xã hội Việt Nam. Thế nhưng Nhất Linh cũng không sắp xếp nổi cho nhân vật Loan của mình trốn đi với Dũng mà phải để cho hai người chia tay nhau, Loan lên xe hoa về nhà chồng, Dũng cất bước ra đi chốn hải hồ. Ấy là vì lúc này hoàn cảnh xã hội chưa cho phép nhà văn thực hiện cuộc cải cách quá mạnh mẽ như vậy, dù là trong tiểu thuyết. Bởi quan niệm cổ xưa còn hết sức nặng nề. Như thế để thấy rằng, vào thời kỳ 1935 - 1937, những cô gái dù tân học đến mấy cũng rất khó có thể thoát ra được ngoài vòng cương tỏa của chế độ gia đình phong kiến. Tình cảnh của Thanh Châu và Vân Chung có lẽ cũng tương tự như tình cảnh của Dũng và Loan.
“Trong truyện ngắn “Hoa ti gôn” của Thanh Châu, nhân vật chính là họa sư Lê đã rủ Mai Hạnh trốn đi Nhật để cùng nhau xây cuộc đời mới. Đó là lòng khát khao của những người đang yêu trước cảnh ngang trái tình duyên. Tuy nhiên, nhân vật Mai Hạnh không đủ can đảm thực hiện vì "em không phải là loại đàn bà có thể vượt hết được những khó khăn như anh tưởng", vì "em bỗng sợ, em sợ gia đình tan tác, khổ thân thầy mẹ em".
“Những chi tiết, hình ảnh tiếp theo trong truyện ngắn mang đầy ẩn ý. Chẳng hạn như chi tiết nhân vật Mai Hạnh chết đi, chi tiết dây hoa ti gôn trong thư báo tang rơi ra, chi tiết họa sư Lê đặt bó hoa lên nấm mộ nàng... Những chi tiết ấy mang đầy sự trách móc, hờn giận, đớn đau. Nửa phần muốn chôn chặt tình yêu xuống đáy mồ sâu, nửa phần nhớ thương quay quắt cuồng dại mãi không thôi. Ta tin rằng những nỗi niềm của nhân vật chính là nỗi niềm của tác giả. Những hoài niệm, u uất của nhân vật về những "cánh hoa tim vỡ" là của Thanh Châu”.

MẤY VẦN THƠ CỦA BÀ VÂN CHUNG

Và như để chứng minh bà Trần Thị Vân Chung chính là tác giả của chùm thơ mang tên T.T.Kh, ông Trần Đình Thu viết tiếp:
“Vào thời kỳ 1937, những cô gái có tâm hồn văn chương lãng mạn đều tìm đọc tạp chí Tiểu thuyết thứ bảy. Vì thế truyện ngắn này (Hoa Ti Gôn) đã đến tay Vân Chung ngay lập tức. Đọc xong truyện ngắn, Vân Chung chắc chắn cũng đau lòng không kém. Trong tình cảnh như thế, thì một người như Vân Chung hiển nhiên phải làm thơ để gửi lại cho Thanh Châu. Và những bài thơ ấy, rất có thể là những bài Hai sắc hoa ti gôn, Bài thơ thứ nhất, Bài thơ cuối cùng lắm chứ. Tại sao không?
“Đến đây chúng tôi muốn trở lại với riêng bà Vân Chung. Trước đây có người đưa ra một số "ứng viên" nữ, nhưng không thấy nhắc đến lý lịch văn học của những người đó. Chúng ta nhớ rằng, nếu là T.T.Kh thì dứt khoát phải là một người cầm bút. Ít ra là phải như bà Vân Chung, có thơ in thành tập, có sinh hoạt văn học nơi này nơi kia, có thơ đăng báo...
“Chúng tôi đã cố gắng sưu tầm được một ít thơ của bà Vân Chung để bạn đọc có thể đánh giá chúng. Trước hết xin đọc vài câu thơ của bà Vân Chung viết về mùa thu:
Nhớ những mùa thu trước
Êm cảnh thanh bình
Trăng ngà trải lụa thiên thanh
Khuôn hoa e ấp trên cành thắm tươi
Thế rồi
Bão táp mưa sa
Trăng tàn hoa tạ
Mông mênh sầu ngập biển đời
Trời thu lộng gió để người sầu thương
(Bài thơ cuối thu, 1960)
Hơi may se cả bầu trời
Hàng cây lá đã vàng phơi ít nhiều
Nhà ai một mái tịch liêu
Chìm trong làng vắng tiêu điều chiêm bao
(Vào thu - 1993)
“Bạn đọc thấy thế nào về những câu thơ này? Có chút gì là của T.T.Kh không? Một điều đặc biệt, bà Vân Chung luôn luôn làm thơ về mùa thu. Mười bài thơ thì có đến năm bài bà nhắc đến mùa thu rồi. Dường như bà bị ám ảnh bởi mùa thu. Đây cũng là một điểm chung với T.T.Kh.
“Thơ của bà Vân Chung sau năm 1954 cho đến nay không phải là thơ hay. Hầu hết đều bình thường. Chính vì vậy mà nhiều người cho rằng bà Vân Chung không thể là T.T.Kh vì thơ bà không xứng tầm với thơ T.T.Kh. Lập luận như thế là không đúng. Thật ra không có nhà thơ nào có thể làm thơ hay suốt đời. Nhiều nhà thơ nổi tiếng nhưng về sau vẫn làm những câu thơ rất tầm thường.
“Một bài thơ hay phải gắn liền với một hoàn cảnh đặc biệt. Không có hoàn cảnh đặc biệt thì khó có thể có thơ hay. Chẳng hạn Hàn Mặc Tử sẽ không thể nào sáng tác được bài thơ “Đây thôn Vỹ Dạ” nếu người đẹp Hoàng Hoa không gửi vào cho chàng một tấm hình chụp phong cảnh bến đò Vỹ Dạ lúc chàng đang tuyệt vọng chán chường trên giường bệnh. Nếu Hữu Loan không có nỗi đau về người vợ vắn số thì không thể nào có được bài thơ “Màu tím hoa sim” để đời. Nếu Vân Chung là T.T.Kh thì cũng thế. Chỉ trong hoàn cảnh tình duyên ngang trái lỡ làng với người yêu một cách đớn đau tột cùng thì mới sáng tác được những câu thơ như viết bằng máu thịt ấy. Đó là những tác phẩm đỉnh cao của một người làm thơ. Đó là tinh hoa tinh huyết. Còn như Vân Chung sau này, sống một cuộc đời bình thường bên cạnh người chồng giàu sang của mình, làm sao sáng tác được thơ hay, dù trước đó có là T.T.Kh đi chăng nữa. Đó là chuyện bình thường và hợp lý”.

MẠN ĐÀM CỦA "VĂN NGHỆ NGƯỜI SÀI GÒN"

Một câu chuyện tình "ảo"

Qua sáu bài của người viết điểm qua các văn nhân, thi sĩ và các nhà phê bình văn học phân tích về “Huyền thoại T.T.Kh”, chúng tôi đúc kết được những điểm chính như sau:
- Theo nhà văn Nguyễn Thạch Kiên : T.T.Kh chính là thi sĩ Thâm Tâm Nguyễn Tuấn Trình. Nhưng ông cũng cho rằng nên coi chùm thơ của T.T.Kh chỉ là một huyền thoại trong thi ca.
- Còn hai ông Thế Nhật (tức nhà văn Thế Phong) và Trần Đình Thu khẳng định, bà Trần Thị Vân Chung mới chính là T.T.Kh. Tuy nhiên bà Vân Chung trước sau đều phủ nhận thông tin này.
- Ông Trần Đình Thu nói về câu chuyện tình giữa nhà văn Thanh Châu với bà Trần Thị Vân Chung. Và được Thanh Châu khẳng định “Vâng, bà Vân Chung và tôi có yêu nhau”.
Nhưng nhà văn Thanh Châu đã trả lời khi hỏi T.T.Kh có phải là bà Vân Chung không: “Không ! Không phải ! Bà Vân Chung không phải là T.T.Kh. Toàn là bày vẽ chuyện” !
- Với nhà văn Quốc Nam cho rằng : “Trường hợp báo Tiểu Thuyết Thứ Bảy ở Hà Nội cuối thập niên 1930 đã "câu" độc giả bằng huyền thoại nàng T.T.Kh. cũng là chuyện thuờng tình xảy ra trong làng báo Việt Nam xưa và nay”.
Nên để kết luận qua những điểm ghi trên đã có được, “Văn nghệ người Sài Gòn” xin đưa ra một kịch bản hoàn chỉnh về “Huyền thoại T.T.Kh” như sau:
Chúng tôi chấp nhận “nhà văn Thanh Châu là bạn của người anh ruột bà Vân Chung. Ông có dịp trò chuyện với cô em của người bạn mình là bà Vân Chung khi đi trên chuyến tàu từ Hà Nội về Thanh Hóa. Cuộc gặp gỡ định mệnh này đã khởi đầu cho một cuộc tình đầy nước mắt về sau”. Sau đó mới có truyện ngắn “Hoa Ti Gôn” và nhà văn khi xác nhận được được ông Trần Đình Thu : “ghi âm cẩn thận và ông vẫn gật đầu. “Vâng, bà Vân Chung và tôi có yêu nhau”. Tức có thật mối tình giữa nhà văn Thanh Châu với bà Trần Thị Vân Chung.
Nhưng bà Trần Thị Vân Chung không thể là T.T.Kh, mặc dù ông Trần Đình Thu biện luận : “Thứ nhất, T.T.Kh phải là một người phụ nữ. Thứ hai, T.T.Kh phải là người thân thiết với nhà văn Thanh Châu. Cụ thể hơn, người đó phải là người yêu của nhà văn Thanh Châu. Như vậy, ta phải loại bỏ tất cả các "ứng viên" là nam giới như Thâm Tâm, Nguyễn Bính... cùng một số "ứng viên" nữ như Trần Thị Khánh...”
“Bạn đọc thấy thế nào về những câu thơ của bà Vân Chung? Có chút gì là của T.T.Kh không ? Một điều đặc biệt, bà Vân Chung luôn luôn làm thơ về mùa thu. Mười bài thơ thì có đến năm bài bà nhắc đến mùa thu rồi. Dường như bà bị ám ảnh bởi mùa thu. Đây cũng là một điểm chung với T.T.Kh.”
Bởi hai đoạn thơ của bà Vân Chung được trích để chứng minh bà chính là T.T.Kh, nhưng thật không chuẩn mực, không thể lấy mùa thu để so sánh vì đa số người làm thơ đều thích mùa thu không phải chỉ có T.T.Kh hay bà Vân Chung mới lấy mùa thu làm đề tài trong thi ca. Một yếu tố khác, ba bài thơ được đăng trong Tiểu thuyết Thứ Bảy với tên T.T.Kh đều thuộc thể loại thơ bảy chữ, lời lẽ văn chương lãng mạn rất nhiều, còn thơ bà Vân Chung quá khô cứng trong cách diễn đạt nội tâm, nên không thể bào chữa: “Thật ra không có nhà thơ nào có thể làm thơ hay suốt đời. Nhiều nhà thơ nổi tiếng nhưng về sau vẫn làm những câu thơ rất tầm thường”.
Thêm một yếu tố khác, mặc dù bà Vân Chung có viết văn, làm thơ, có chân trong nhóm Quỳnh Dao của nữ sĩ Mộng Tuyết thật, nhưng qua các bút hiệu Vân Nương, Tam Nương… thì chưa thật nổi tiếng. Hay chỉ khi nói đến bà trong “Huyền thoại T.T.Kh” thì mọi người mới hay bà Vân Chung còn là một nhà thơ ! Tức thơ bà không lấy gì làm xuất sắc mà phải nói “Nhiều nhà thơ nổi tiếng nhưng về sau vẫn làm những câu thơ rất tầm thường”. Và chính nhà văn Thanh Châu cũng phủ nhận chứ không riêng gì bà Vân Chung khi cho rằng bà chính là T.T.Kh.
Nói như trên có hai vấn đề cần làm cho rõ:
Thứ nhất : vậy ai là T.T.Kh ? xin thưa đó mới chính là nhà thơ Thâm Tâm tức Nguyễn Tuấn Trình. Nhưng không phải người yêu của nhà văn văn Thanh Châu, tức bà Vân Chung; mà T.T.Kh chỉ là người tình “ảo” trong thơ của ông Thâm Tâm mà thôi. Vì “không thể một cô gái 17 tuổi vào thời xa xưa đó lại có thể sáng tác được một bài thơ với ngôn từ khá già dặn như vậy. Người làm bài này phải là một thi nhân đã từng biết làm thơ trước đó” (theo bài viết của Quốc Nam).
Vậy xin đừng nói rằng “thơ là tiếng nói của tâm hồn, là sự thể hiện ra bằng ngôn ngữ những tâm tư tình cảm của con người. Nếu là một người hóa thân thành người khác để làm thơ thì rất khó, ngoại trừ đấy là thể loại truyện thơ”. Bởi tôi không biết ông Trần Nhật Thu có phải là người làm báo chuyên nghiệp không, mà không biết đến chuyện: “khá nhiều người đàn ông làm báo đã núp dưới tên phụ nữ để giải đáp tâm tình hoặc phụ trách mục thơ văn nào đó. Trường hợp báo Tiểu Thuyết Thứ Bảy ở Hà Nội cuối thập niên 1930 đã "câu" độc giả bằng huyền thoại nàng T.T.Kh. cũng là chuyện thuờng tình xảy ra trong làng báo Việt Nam xưa và nay” (cũng theo bài viết của Quốc Nam), và khi nhà thơ Thâm Tâm đã hòa nhập vào thi hứng, ông có thể thành người có “tâm thần phân liệt” hay chứng “mộng du” hóa thân trở thành một “nữ sĩ”.
“Tâm thần phân liệt” là một hiện tượng có thật, đã được khoa học chứng minh từ lâu, người trong cuộc có lúc mang đầu óc của người thật có lúc mang tâm trạng của một người khác. Đồng thời nhà thơ Thâm Tâm cũng thường làm thơ bảy chữ, ông nổi tiếng qua bài “Tống Biệt Hành” được mọi người ca tụng là linh hồn thi ca của ông.
Thứ hai : Khi nói T.T.Kh chỉ là người thơ nữ “ảo”, có thể như bài viết của Quốc Nam nói đến “Trường hợp báo Tiểu Thuyết Thứ Bảy ở Hà Nội cuối thập niên 1930 đã "câu" độc giả bằng huyền thoại nàng T.T.Kh. cũng là chuyện thuờng tình xảy ra trong làng báo Việt Nam xưa và nay”. Tức bộ biên tập tạp chí Tiểu thuyết Thứ Bảy đã tạo dựng ra một câu chuyện tình hoàn hảo để bán báo theo các bước:
- Nhà văn Thanh Châu sẽ viết về một câu chuyện tình bi ai đẫm lệ, rồi có một nhân vật nữ họa lại bằng thơ, mà họa thơ chỉ có nhà thơ Thâm Tâm lúc này gần gủi nhất có thể làm được. Thanh Châu bèn kể lại câu chuyện tình giữa ông với bà Trần Thị Vân Chung cho Thâm Tâm nghe, rồi mới viết thành truyện ngắn “Hoa Ti Gôn”, lấy nhân vật chính là họa sĩ cho nhà thơ Thâm Tâm dễ hòa nhập vào câu chuyện tình đó hơn.
Nên tâm sự trong truyện ngắn hay trong thơ chính là tâm sự giữa nhà văn Thanh Châu với bà Vân Chung, nhưng họa lại thơ là do thi sĩ Thâm Tâm diễn đạt.
Như vậy, tuy một mà hai tuy hai mà một, như theo khoa học nói là do “tâm thần phân liệt” hay bị chứng “mộng du”. Vì thế mà nhà văn Thanh Châu hiểu rõ kịch bản này hơn ai hết, nên ông mới nói “Không ! Không phải ! Bà Vân Chung không phải là T.T.Kh. Toàn là bày vẽ chuyện”.
Câu “Toàn là bày vẽ chuyện” (một câu nói như trong Nam là “bày đặt" ra) của người già cỗi như ông lúc đó, một người sắp chết đang nằm trên giường bệnh luôn là những lời nói thật, chứng minh sự suy đoán của người viết là đúng. Đến đây chúng tôi đã vén xong màn bí mật về “huyền thoại T.T.Kh là ai ?”, và những nhân vật có thật trong huyền thoại đã xuất hiện:
- Có mối tình giữa nhà văn Thanh Châu với bà Trần Thị Vân Chung, để có truyện ngắn “Hoa Ti Gôn”
- Thi sĩ Thâm Tâm làm thay vai trò “người tình cũ” là bà Vân Chung để xướng họa lại truyện ngắn “Hoa Ti Gôn”, ông ký tên là T.T.Kh. (cô em họ của Thâm Tâm hay của Tế Hanh là Trần Thị Khánh, ông mới ghép hai tên Thâm Tâm Khánh = T.T.Kh)
- Câu chuyện tình “Hoa Ti Gôn” “Hai sắc hoa ti gôn” tự nhiên được đông đảo người ái mộ tìm đọc, nên lại có “Bài thơ thứ nhất” nhằm “câu” tiếp người đọc.
Đến khi bà Vân Chung nhận ra câu chuyện “Hoa Ti Gôn” và bài thơ “Hai sắc hoa ti gôn”, "Bài thơ thứ nhất" nói về mối tình giữa bà với nhà văn Thanh Châu, bà đã yêu cầu ông cho ngưng “vì tỏ ý không bằng lòng anh mượn tên để làm thơ kể chuyện tình duyên cũ, có thể làm hại đến cuộc đời”, và nhà văn Thanh Châu trong tình yêu đơn phương, đang thất tình vì nhớ tình xưa, và với lòng tự trọng của một văn nghệ sĩ, ông đành chấp nhận để Thâm Tâm viết “Bài thơ cuối cùng” nhằm chấm dứt thiên tình sử đó; đến bây giờ không ai còn thấy một bài thơ nào khác mang tên T.T.Kh xuất hiện.

Nguyễn Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét