Tuy đã từng viết nhiều về những cảnh sống cùng cực về các tầng lớp dân
nghèo Hà Nội, một Hà Nội lầm than đau khổ, nhưng nhiều nhà văn trước
cách mạng thật ra chúng chưa đến nỗi nào lắm. Họ thường là dân làm báo
hoặc dạy tiểu học, sống không sung túc, thì cũng tạm đủ ăn. Đôi khi họ
phải cúi xuống, mới thông cảm được với các tầng lớp mà xã hội lúc đó gọi
là hạ lưu. Thậm chí có trường hợp như người ta đồn đại về Tam Lang: để
viết Tôi kéo xe đâu nhà báo này đã phải làm giả phu xe, cũng đi thuê xe
để hành nghề, từ bỏ những món thỏ nấu với rượu vang quen thuộc để ăn
những bữa cơm hẩm chan xáo lòng bò như mọi phu xe, khiến cho nhà phê
bình Vũ Ngọc Phan, phải nghi ngờ “Người ta bảo cái đầu đề Tôi kéo xe là
sai, vì cái thân thể tác giả mà nhiều người đã biết, tác giả không thể
nào cầm hai càng xe được”.
Nhưng ngay trong lòng Hà Nội, thường cũng
có một lớp người viết sống rất nghèo khó, như dân thất nghiệp, họ lam lũ
làm văn làm báo như người khác cày thuê cuốc mướn. Báo của họ bán không
chạy, sách in ra không gây được tiếng vang gì lớn. Nhưng họ vẫn gắn bó
với nghề, với Hà Nội, và vừa sống vừa viết một cách thanh thản.
Lớp nhà văn vô sản này đại khái như Trần Huyền Trân, Nguyễn Bính, Thâm Tâm, Nam Cao, Tô Hoài.
Trong một bài phát biểu, nhân dịp 40 năm Đề cương văn hoá, nhà thơ Trần Huyền Trân kể:
-
Ngày ấy tôi thường đi dạy tư và làm báo, viết truyện để sống, để có
tiền đỡ thêm cho mẹ tôi nuôi các em tôi còn nhỏ vì cha tôi đã mất từ hồi
tôi chín tuổi.
Vì quá chật chội trong túp lều vó dựng trên một ao
bèo đầy nước cống mà người ta gọi là đầm Liên Hoa cạnh làng Văn Chương ở
phía sau miệng Cống Trắng giữa dãy phố Khâm Thiên, túp lều mà ông dượng
- người chồng sau của mẹ tôi - dựng lên để ngày đêm kéo vó kiếm ăn,
tôi với Thâm Tâm bèn thuê một căn gác nhỏ trong ngõ Sơn Nam cạnh đầm để
ở. Sau này có thêm Nguyễn Bính ghé tạm cùng nương náu với chúng tôi
trong thiếu thốn lần hồi.
Như vậy, đây đúng là một người gốc gác Hà
Nội, và làm thơ, viết văn để diễn tả cái vang động của Hà Nội trong lòng
mình, bắt rễ vào Hà Nội, điều đó ở ông đã trở thành thân phận, thành kỷ
niệm riêng.
Bóng đơn đi giữa kinh thành
Nhìn duyên thiên hạ nghe tình người ta.
Trần
Huyền Trân là người của thân phận bọt bèo, là người sống giữa Hà Nội
(trước cách mạng) mà không thấy đây là Hà Nội của mình và thái độ trong
thơ bao giờ cũng là thái độ không chấp nhận đời sống. Nhà thơ đứng đối
lập với thế giới phù hoa chung quanh. Thỉnh thoảng, trong đám phù hoa ấy
cũng có những bà, những cô ngó ngàng một chút tới thân phận nhà thơ,
nhưng Trần Huyền Trân đã phản ứng đến cùng (bài Hỏi bà, với những câu
kiểu như: Hay gì bà hỏi đến tôi - Khóc thì trái thói mà cười vô
duyên.v.v...) Thơ Trần Huyền Trân vì thế xót xa, phẫn nộ, đau đớn, đơn
độc một cách đầy khí phách.
Như các tài liệu lịch sử văn học (chẳng
hạn, các tác giả viết Từ điển văn học, 1984) đã chỉ rõ Trần Huyền Trân làm
thơ sớm, từ khi mới có phong trào thơ mới. Bản thân ông lại có quan hệ
riêng với Tản Đà, từng có bài thơ kể chuyện uống rượu và tâm sự với tác
giả Khối tình con. Vậy mà, những thơ truyện in trên Tiểu thuyết thứ bảy
không mấy khi được nhắc nhở hình như giới văn học chính thức ở Hà Nội,
trước cách mạng vẫn chưa chính thức công nhận thơ Trần Huyền Trân (đến nay
1985 tập thơ riêng của ông mới được xuất bản!). Song càng như thế, thơ Trần Huyền Trân càng có khí phách. Đó là những bằng chứng về một khía cạnh
khác của Hà Nội, Hà Nội lầm than nhưng cứng cỏi, nghèo túng nhưng vẫn
hào phóng và giữ được nhân cách, tóm lại là một Hà Nội mà bọn giàu có
trọc phú, thậm chí những kẻ nông nổi, tầm thường không dễ chấp nhận.
Hai người cùng thân phận với Trần Huyền Trân lúc ấy là Thâm Tâm và Nguyễn Bính.
Thâm
Tâm quê Hải Dương theo gia đình lên thủ đô từ nhỏ, học tiểu học cũng ở
Hà Nội. Còn Nguyễn Bính mới từ Nam Định, Hà Đông lang bạt lên sau. Nhưng
dù lên với Thủ đô sớm hay muộn, thì họ đều khổ. Giữa lòng kinh thành
gió bụi, cuộc sống của họ nhiều khi rất bấp bênh và chỉ bởi lẽ thế nào
cũng sống không tủi với cái nghèo, lại biết nương tựa vào nhau nên mới
sống được.
Về đời riêng của Thâm Tâm, ngày nay chúng ta còn biết rất
ít. Theo sự ghi nhớ của một ký giả đương thời, thì ông là người “đa bất
mãn hoài”. Ông sống rất nghèo, hay phải đi vay tiền trước những chủ báo,
chủ xuất bản mà ông viết thuê, để rồi không được thì rất ngượng, rất
đau, và càng sinh phẫn.
Trong sáng tác, giữa Trần Huyền Trân và Thâm
Tâm có những nét chung. Mặc dù không làm nhiều thơ, Thâm Tâm vẫn tạo được
một ấn tượng sâu đậm “gấp” “gắt” (chữ của Hoài Thanh. Thi nhân Việt Nam)
trong bài Vọng nhân hành. Bài thơ nói tâm trạng chí khí của lớp người
đầy phẫn uất, như Thâm Tâm, Trần Huyền Trân và bạn bè cùng nhóm. Họ “từ
tứ chiếng” họp lại. Họ hiểu rằng những lời thơ thống thiết của mình có
thể có ích cho xã hội “Rằng đương gió bụi thì tôi tả - Thiên hạ phải
dùng thơ chúng ta” Nhưng thời thế đâu đã tới với họ.
Thơ ngâm dở giọng thời chưa thuận
Tan tiệc quân anh, người nuốt giận
Chim nhạn chim hồng rét mướt bay
Vuốt cọp chân voi còn lận đận.
Toàn
bộ những dằn vặt, những đau đớn này - gắn chặt với Hà Nội. Mở đầu bài
thơ đã có nhắc: “Thăng Long đất lớn chí tung hoành - Bàng bạc gương hồ
ánh mắt xanh”. Ở một đoạn sau, lại láy lại: “Sông Hồng chẳng phải xưa
sông Dịch - Ta ghét hoài câu nhất khứ hề”. Sau hết, hai câu gần cuối cũng
rất có không khí.
Ngoài phố mưa bay, xuân bốc rượu
Tấc lòng mong mỏi cháy tê tê.
Thơ
Đường cũ có bài Xuân phân, cũng nói tới rượu ở một Hạnh hoa thôn nào
đó (Tá vẫn tửu gia hà xứ hữu. Mục đồng dao chỉ Hạnh hoa thôn), nhưng
trong đó, rượu làm cho người ta say đi. ở Thâm Tâm, hình như thi nhân
càng uống càng tỉnh. Chỗ cay đắng tỉnh táo ở đây, có lẽ là do không khí
phố xá thành thị chăng? Nếu đúng như thế, thì thành thị (Hà Nội) trong
thơ Thâm Tâm đã trở thành một yếu tố mới mẻ, và đáng ghi nhận.
Cũng
không phải ngẫu nhiên mà về sau, Thâm Tâm bước vào hàng ngũ các chiến sĩ
Vệ quốc, làm báo rất chăm chỉ và hết lòng, viết từng mục nhỏ, không bao
giờ quản ngại.
Cùng nhóm với Trần Huyền Trân, Thâm Tâm, những năm
trước cách mạng, song Nguyễn Bính lại có nét khác. Thơ Nguyễn Bính không
có cái phẫn, mà hồn nhiên dễ dàng hơn nhiều.
Nhà em ở cuối kinh thành
Bên hồ Trúc Bạch nước xanh men chàm.
Đấy
là mấy câu trong bài Gửi chị Trúc, những câu tự nhiên như lời buột ra
đầu miệng, nhằm kể với người thân về tỉnh cảm sống của tác giả lúc ở Hà
Nội. Đúng là cảnh sống của những thanh niên nghèo giữa kinh thành hoa
lệ. Tuy vậy, “Chàng trai tầm thường trông lại quê quê” nay không lấy thế
làm xấu hổ.
Nguyễn Bính không phải loại người học đòi, cũng không dễ
có những mặc cảm như một số người khác ông vẫn giữ nếp sống như hồi ở
các tỉnh nhỏ, ở làng quê. Nghĩa là chỉ biết những say mê của mình, những
ý thích của mình, còn không ngượng nghịu về cái nghèo, cái hèn bao giờ.
Hà Nội trong ông không gây ra một ngạc nhiên chấn động gì đáng kể, mà
chỉ là nơi ông sống, làm việc, yêu đương như các nơi khác.
Cái nhìn của ông đối với Hà Nội nhiều khi thật thản nhiên, như câu thơ nọ.
Sáng nay sau một cơn mưa lớn
Hà Nội bừng lên dưới nắng vàng
Trong
sáng tác cũng vậy, Nguyễn Bính cứ “hát những bài hát của mình” về chất
thơ, trong khi Trần Huyền Trân “thật hạt” Hà Nội thì Nguyễn Bính rõ ra
của chân quê: giống như chàng Exênhin, ông cũng lạc lên thành phố, song
tâm hồn vẫn để ở cả mái đình, giếng nước, cái yếm lụa sồi và chỉ diễn tả
cái đó mới hay.
Thơ Nguyễn Bính đương thời đã khá được ưa chuộng,
theo Tô Hoài nhớ, thì đây là nhà thơ duy nhất sống được bằng nhuận bút
(cố nhiên là chỉ sống nghèo); không phải vì thế mà Nguyễn Bính thành thị
hoá. Nhà thơ chỉ lang thang ở đây, như có lúc, sẽ lang thang lên Phủ
Lạng Thương, Bắc Giang và sau này lăn lóc với tận các tỉnh phía nam.
Bấy giờ, Hà Nội trong Nguyễn Bính chỉ còn mờ mờ ảo ảo, không rõ rệt. Đây là những câu thơ trong bài Một con sông lạnh:
Chưa say, em đã say gì
Chúng tôi còn uống còn nghe em đàn
Rưng rưng ánh nến hoa vàng
Đôi dây nức nở muôn ngàn nhớ thương
Đôi dây như thế đôi đường
Em ơi! Hà Nội là phương hướng nào
(trong tập Hương cố nhân)
Những
năm gần cách mạng, trong cơn say phiêu lưu, Nguyễn Bính vào Huế, rồi
vào Nam bộ, đi đến đâu cũng giữ hồn thơ chân quê và cách sống không mặc
cảm của mình. Sau khi tham gia kháng chiến chống Pháp ở Nam Bộ, tập kết
ra Bắc, trở lại Hà Nội, cũng không có chút đảo lộn gì lắm trong cách
nhìn, cách viết, tuy bây giờ bạn bè của ông có đông hơn, không khí văn
nghệ sôi nổi, khác hẳn trước kia. Cuối cùng, Nguyễn Bính từ giã Hà Nội
cũng giản dị. Ông về Nam Định công tác, chỉ thỉnh thoảng mới lên Hà Nội
có việc họp hành, sinh hoạt gì đấy. Trở lại quê hương ở ngoại thành Nam
Định, ông có một nếp nhà ấm cúng. Sau thời gian “dan díu với kinh
thành”, nay chàng Exênhin mới lại trở về với cái phần cội nguồn, chân
chính của thơ mình!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét