Gia cảnh Thâm Tâm rất cơ hàn, túng quẫn. Từ Hải Dương
lên Hà Nội (1938), kéo theo cả nhà gồm cha mẹ già, hai người chị cùng bốn đứa
em còn nhỏ và người vợ, có đến cả chục miệng ăn
như tằm ăn rỗi. Ngần ấy người dồn ép vào sống trong một căn nhà thuê tháng rộng
khoảng chừng hai chục mét vuông. Thâm Tâm nhận việc đóng sách cho nhà in Mai
Lĩnh rồi mang về cho cả gia đình làm, còn
riêng mình thì đi vẽ tranh minh hoạ cho các báo, làm thơ, viết truyện, viết kịch, viết
tạp văn...gửi đăng các báo vừa để sinh nhai, vừa thoả cái mộng văn chương hằng
ấp ủ. Có nghĩa là ông viết cật lực, chẳng kén chọn gì lắm về đề tài, thể loại, nơi in... Nhà văn Vũ Bằng kể lại:
Khi đương giữ chân thư ký toà soạn cho tờ
Tiểu thuyết thứ bẩy quãng năm 1941- 1943, ông thấy gia cảnh bạn mình
túng thiếu, nên thường ưu tiên cho đăng của Thâm Tâm hai bài trong một số (hoặc một truyện,
một thơ, hoặc một truyện, một kịch với hai bút danh: Thâm Tâm và Tuấn Trình) để bạn mình có chút đỉnh nhuận bút. Bây giờ nếu
ai có điều kiện tiếp xúc trực tiếp với tờ Tiểu thuyết thứ bẩy vào quãng
thời gian này sẽ thấy liên tục trên các số báo có tác phẩm của Thâm Tâm với hai
bút danh như
vậy. Ngoài ra ông còn viết cho Truyền
bá, Phổ thông bán nguyệt san (cũng của nhà Tân Dân), Tiểu thuyết thứ năm
của Lê Tràng Kiều (chủ bút) và một số báo khác. Tính sơ bộ trong tài liệu mà chúng tôi
sưu tầm được, ông có hàng chục bài thơ, 70 cái truyện ngắn truyện dài, trên
chục vở kịch, một số tạp văn... ra đời trong quãng thời gian này. Có thể khẳng định rằng cái động cơ thôi thúc Thâm
Tâm viết được nhiều như vậy chủ yếu thuộc về lý do mưu sinh, viết văn để kiếm
sống, để phụ giúp vào một gia đình mà lúc nào cũng có nguy cơ đứt bữa.
Có thể ai đó sẽ cho rằng cách giải thích này không
được “thơ” cho lắm, nhưng quả thật như thế (Cơm áo không đùa với khách thơ)! Mà chẳng cứ gì Thâm Tâm. Nhiều nhà văn nhà thơ ưu tú của chúng ta thời đó
vướng vào nghiệp văn chương, cũng đã từng
lận đận mưu sinh bằng ngòi bút. Kể từ bậc “trưởng lão” Tản Đà, cho đến Ngô Tất Tố, Lê Văn Trương, Lan
Khai, Thạch Lam, Nam Cao, Tô Hoài và rất nhiều nhà văn khác. Vũ Trọng Phụng
chẳng đã từng vừa ôm ngực vừa ho vừa viết, viết đến lao lực rồi chết đó sao.
Mà đã viết mưu sinh thì
không thể không chạy theo số lượng. Tác phẩm được in ấn càng nhiều, thì cái nồi cơm trong mỗi bữa lại càng đầy, trong bữa ăn mọi người đỡ
phải trông nồi ý tứ nhường nhau, mới dám nhìn thẳng vào mặt nhau một cách tự nhiên, thành thực.
Chẳng may trong nhà có ai ốm đau, con cái có đứa nào sài đẹn mới có cái để chạy
thuốc men cho đỡ tủi.
Tuy nhiên, ở những nhà văn có tài, trong số các
văn phẩm ít nhiều chạy theo số lượng ấy vẫn có những tác phẩm đỉnh cao như
thường. Vâng, phải có tài, người có tài thì ngay
cả khi viết trong một điều kiện ngặt nghèo nhất, hoặc viết chạy theo một mục
đích sát sườn nhất thì các trang viết vẫn cứ có thể lấp lánh như thường.
Tống biệt hành của Thâm Tâm là một thi
phẩm thuộc vào hàng đỉnh cao sáng giá như vậy. Xin kể lại một kỷ niệm thời còn
học đại học vào quãng những năm sau ngày giải phóng miền Nam 1975, lúc bấy giờ
hầu hết Thơ
Mới đang còn bị định kiến, bị hiểu lầm.
Cho nên trong giới sinh viên, ai biết được bài nào liền thì thụt đọc hoặc chép
cho nhau, vì thế nên có tình trạng tam sao thất bản. Riêng với bài Tống biệt
hành, lứa sinh viên bọn tôi chỉ biết có bốn câu đầu. Vì là thể hành,
nên đoán chắc bài thơ sẽ còn dài nữa, nhưng chẳng mấy ai biết
phần tiếp theo là như thế nào, mà hỏi thầy thì không dám. Thôi thì đành ngâm nga bốn câu thơ đầu:
Đưa người, ta không đưa qua sông
Sao có tiếng sóng ở trong lòng?
Bóng chiều không thắm không vàng
vọt
Sao đầy hoàng hôn trong mắt
trong?
Phải thừa nhận rằng bốn câu mở đầu này có một sức
quyến rũ mê người. Và hầu hết trong số chúng tôi đều coi mấy câu thơ ấy viết về tình yêu, viết về cuộc tiễn biệt của trai gái yêu nhau
nào đó. Bảo là nỗi buồn nặng trĩu trong lòng đôi người yêu nhau kẻ đi người ở
có gì là sai đâu. Chúng tôi lại còn ngâm nga, thậm chí viết tặng vào sổ tay bạn
gái như một
gửi gắm vu vơ. Sau này, khi định kiến đối với Thơ Mới dần được gỡ bỏ, tư liệu
về Thơ Mới được công bố công khai, rộng rãi,
mới biết rằng không phải như thế. Hoá ra bài
thơ là câu chuyện và tâm sự của hai người đàn ông tráng chí nặng tình tiễn biệt nhau, một ở lại một lên đường vì chí
lớn.Thậm chí lại có tư liệu cho biết nhà thơ Thâm Tâm viết tặng cho một người bạn hoạt động bí mật
trong tổ chức cách mạng nhân lần tiễn bạn đi chiến khu chiến đấu(1).
Tuy nhiên, không vì thế mà ý nghĩa bài thơ bị bó hẹp vào một cách
giải thích cụ thể nào, hoặc vẻ đẹp của nó bị suy giảm. Bài thơ đã được đưa vào trong chương trình văn THPT. Bài thơ đã gây ra những thảo luận, tranh luận sôi nổi một dạo. Có những cách
hiểu khác nhau ít nhiều, điều này càng chứng tỏ tầm vóc của thi phẩm. Một tác
phẩm hay, nó không chịu nằm yên trong một cách hiểu duy nhất nào, mà nó luôn
muốn vượt
thoát để đến với tất thảy mọi người, thuộc về mọi người. Như hương của một loài
hoa quý, nó dâng tặng mọi người, nhưng hễ ai có ý định “nhốt” mùi hương lại đều cảm thấy ít nhiều
thất bại. Với bài thơ bất hủ này, nhà văn Vũ Bằng, một người bạn đàn anh của
Thâm Tâm đã tặng Thâm Tâm một thi hiệu
nghe lạ lạ và thú vị: Nhà phù thuỷ hô sóng vào lòng và gọi hoàng hôn lên mắt(2).
Cũng lại Vũ Bằng, ông bảo Thâm Tâm là một người ốm yếu mà can đảm(3),
ý muốn nói thân hình Thâm Tâm thì nhỏ bé,
da hơi đen,
hơi gầy, ít nói, mà làm thơ viết văn thì
hay nói đến cái tráng chí, cái hùng khí của con người. Quả thật, trong thơ của Thâm
Tâm, thấy ông nói rất nhiều về niềm sầu hận, có khi trực tiếp, có khi xa
gần gián tiếp:
Tan tiệc quần anh, người nuốt giận
Thằng bó văn chương đôi gối hận
Chán ngắt gia tình sầu ngất ngất
Già teo thân thế hận mang mang
Tro tàn có đốt không hồng nữa
Thắt lạnh bên lòng nỗi hận thương
Lòng ai bầm tím, ai buồn tối
Cũng tại rừng đời lạc lối ra
Sầu hận là một trạng thái tâm lý chỉ có
đến giai đoạn cuối của phong trào Thơ Mới mới xuất hiện, nghĩa là vào quãng từ 1940 trở đi. Trước đó chỉ có thấy sầu mộng
(Lưu Trọng Lư, Thế Lữ...), sầu đơn, sầu tủi, u sầu (Xuân Diệu, Nguyễn
Bính...). Những nỗi sầu đó về cơ bản vẫn không nằm ngoài một chữ tình. Vượt ra khỏi chữ tình một
chút, với Huy Cận, lại là vũ trụ sầu.
Đến thời này, sự bế tắc của đời sống cá nhân nghệ sĩ đã lên đến tột đỉnh. Vũ
Hoàng Chương
phải kêu lên: Lũ chúng ta lạc loài dăm bảy đứa- Bị quê hương ruồng bỏ, giống
nòi khinh. Trần Huyền Trân thì: Kinh thành mây đỏ như son- Cái
lồng eo hẹp giam con chim trời. Đến Nguyễn Bính, cũng đã chán cảnh “giang
hồ vặt”: Đất khách cùng đường ta khóc ta. Ngay cả Xuân Diệu của những
năm 42-43 khi đang lưu lạc ở Mỹ Tho cũng đã bắt đầu thấy nhắc đến hai chữ “sầu
hận”: Ngủ đi, ngủ đi, sầu hận muôn năm (Riêng tây)...Nếu
như các
trạng thái sầu trên kia có nguyên do trực tiếp từ tâm tình cá nhân thì đến sầu hận, nguyên do lại bắt nguồn
từ thời thế, từ những vang động xã hội. Một câu hỏi trực diện đặt ra cho bất cứ
người nghệ sĩ nào lúc này là: Đi về đâu? Câu hỏi đó lập tức bắt người nghệ sĩ
phải đối mặt với thời cuộc. Đi tìm giải pháp cho cách thế tồn tại của cuộc đời,
mỗi người lựa chọn theo những cách khác nhau. Có người vùi mình vào những hưởng thụ cá nhân, nên bế
tắc lại càng bế tắc. Có người nỗ lực tìm
đường đổi thay số phận, không chịu bị cuộc sống đè bẹp. Trong những nỗ lực cảm
động đó, có Thâm Tâm. Thơ ca cũng như
văn xuôi của Thâm Tâm có khá nhiều tác phẩm trình bày hình ảnh người ra đi. Người ra đi này thường
được đặt trong tình huống tống biệt, chia
ly. Thông thường người ra đi là một người mang sầu hận, ôm chí lớn, và bữa rượu tiễn
biệt đều có những nhân vật mang dáng dấp trượng phu hoặc chiến binh thời trung
đại. Uống rượu thì phải ném vỡ tan chén rượu, phải tỏ chí ngang
tàng, lắm khi nói lời thề thốt:
-
Thở phù hơi rượu đua tranh
Quăng tay chén khói tan thành trời mưa
- Ly khách! Ly khách! Con đường
nhỏ
Chí lớn chưa về bàn tay không
Có người rắp tâm ôm chí lớn nhưng không thành, quyết nuôi chí
phục thù. Hình ảnh Huyền Sinh trong truyện
ngắn Lá quạt hoa quỳ là một người như vậy. Chí lớn không có cơ
thực hiện, người yêu bị Quỷ vương chiếm đoạt, chàng tưởng như lâm vào tuyệt
vọng. Chàng giả điên để chờ thời. Người điên này chiều chiều thả vào trời đất
tiếng sáo ai oán của mình. Thế rồi một
hôm, một người
có dáng trượng phu đến gặp rủ đi. Từ bấy chàng điên mất tích. Chàng đã lên đường. Đó là một hình ảnh ẩn dụ, nhuốm mầu bi tráng.
Tất cả những điều đó nói với chúng ta rằng Thâm
Tâm thuộc trong số không nhiều các nhà văn có khí cốt mạnh mẽ lúc bấy giờ. Họ
không thích kêu rên, than khóc. Cũng không muốn chết chìm vào trong những khoái
thú cá nhân. Họ muốn đổi thay, muốn lên đường. Dòng huyết mạch chảy mạnh mẽ
trong cơ thể
họ. Quả tim trẻ tuổi đang đập rộn trong lồng ngực họ. Thơ của Thâm Tâm, Trần
Huyền Trân có cái ngang tàng, khoẻ khoắn, dám đi “ngược gió” giữa đời. Sự thực
là sầu hận và chí lớn đã
tạo nên cái “chút bâng khuâng khó hiểu của thời đại” trong Tống biệt hành
như Hoài
Thanh đã từng cảm nhận. Tôi nghĩ rằng nếu
nói lúc viết Tống biệt hành (1940-1941) Thâm Tâm đã đứng vào hàng ngũ
hoạt động cách mạng thì e hơi sớm, nhưng bảo là Thâm Tâm đã cảm nhận được không khí sục sôi đang diễn ra từng
ngày từng giờ của thời đại do những người cách mạng khởi xướng và lãnh đạo và
đồng tình với nó thì chắc chắn là đã có. Cho nên, như một tất yếu, sau Cách mạng
tháng Tám, Thâm Tâm rất sớm đi theo kháng chiến, đứng vào hàng ngũ những người
cách mạng đánh đuổi kẻ thù xâm lược.
Nhưng nếu chỉ nói như thế không thôi, thì Thâm Tâm không đi xa hơn là mấy so với các nhà thơ trung đại. Cái điều làm
cho Thâm Tâm trở thành điệu hồn Thơ Mới, Tống biệt hành trở thành thi
phẩm Thơ Mới là ở chỗ: Nhà thơ đã thể
hiện được một cách sâu sắc và thành thực đến cảm động cái mối giằng xé giữa con
người tráng chí (con người tỏ mình trước cuộc đời) với con người tình nghĩa
(con người
vừa mang bổn phận hiếu đễ với gia đình,
vừa thuận theo cái tình cảm tự nhiên mà ai cũng có với người thân, với bạn bè). Mối giằng
xé này đã làm vọt ra những câu thơ đứng vào hàng tuyệt
bút. Hãy thử lắng nghe xem đằng sau cái
vẻ rất Kinh Kha kia là niềm day dứt, nỗi xót thương của một người nặng tình biết bao nhiêu, tưởng như những giọt nước mắt cố
nén nay chực vỡ oà:
Người đi? Ừ nhỉ người đi
thực!
Mẹ thà coi như chiếc lá bay,
Chị thà coi như là hạt bụi,
Em thà coi như hơi rượu say.
Bài thơ đã chạm vào nỗi
lòng muôn thưở của kiếp người, thứ tấm lòng thuộc
về nhân loại. Chính vì thế, bài thơ đã đi vào bất tử.
Không có cái tôi Thơ Mới, các nhà thơ của chúng ta làm sao có thể đập vỡ được cái vỏ ước lệ
thuộc về cái ta trung đại để bước vào cái tôi nhân văn phổ quát.
Như ta đã biết, sau
này Thâm Tâm đi theo kháng chiến. Ông là thư ký Toà soạn báo Vệ quốc quân (tiền thân của báo Quân đội nhân
dân ngày nay) có trụ sở đóng tại vùng căn cứ kháng chiến thuộc tỉnh Cao
Bằng. Theo các tài liệu trong hồi ức của bạn bè đồng chí, Thâm Tâm là một người làm báo tận tuỵ, rất
có trách nhiệm trước công việc, trước bạn đọc. Chỉ một cái địa danh in sai trên
bản in thử mà ông đã băng rừng gần chục
cây số qua suối lũ, hổ rừng đe doạ để sửa(4). Ông mất vì bệnh sốt
rét rừng. Cũng là do làm việc quá sức, ăn uống kham khổ, lại khí hậu khắc
nghiệt mà ra cả. Đồng đội ông kể lại rằng khi phát hiện ra Thâm Tâm bị ốm thì
đã vội cáng nhà thơ về trạm xá của đơn vị cách chừng một ngày đường đi bộ để điều trị, tiếc
thay trên đường nhà thơ đã lặng lẽ tắt
thở, không kịp trăng trối điều gì. Lúc ấy vào rạng sáng một ngày thu sương trên núi rừng Việt
Bắc - 18.8.1950.
Người viết bài này đã
cùng thân nhân gia đình Thâm Tâm và một số nhà văn nhà thơ khác của tỉnh Cao Bằng cất công
đi tìm mộ nhà thơ Thâm Tâm. Thật kỳ công. Khung
cảnh nơi đây đã khác hẳn. Năm mươi năm
vật đổi sao dời. Khi xác định được đúng ngôi mộ rồi, thì hài cốt nhà thơ đã dược bốc dỡ, di dời về Nghĩa trang liệt sĩ huyện Quảng Uyên. Nhưng
tiếc thay, về tới đây, khi chưa kịp gắn bia mộ, sơ đồ mộ chí còn trong túi hồ sơ, thì chẳng may trong vụ tháng 2-1979, hồ sơ bị những kẻ ngoại bang
đốt sạch. Vậy là ngôi mộ Thâm Tâm hiện giờ không rõ đích xác ngôi mộ nào, nhưng chỉ biết chắc chắn là đã có mặt trong các hàng mộ liệt sĩ vô danh tại Nghĩa
trang Quảng Uyên. Tên Anh đã hòa cùng tên Đất Nước.
Khi Thâm Tâm mất, hành trang chẳng có gì. Sau này
gia đình nhà thơ được đơn vị trao lại một chiếc ba lô, trong đó còn một vài thứ gồm mấy trang ghi chép có tính chất
nhật ký, cuốn Đại đội Kim Sơn của tác giả mới in, một bài tham luận tại
Đại hội văn nghệ, sáu bức ảnh chụp hình nhà thơ và các bạn văn nghệ kháng
chiến, một chiếc bút máy và một cái thìa
nhỏ. Tất cả chỉ có thế. Bà quả phụ Thâm Tâm lâu nay vẫn đặt chiếc thìa nhỏ đó
lên ban thờ linh hồn Thâm Tâm, như một kỷ vật thân thương duy nhất còn giữ được.
Tuy nhiên, còn có một thứ hành trang vô giá mà
Thâm Tâm để lại đó là các áng văn thơ. Ông viết không phải là nhiều. Cũng không
thể nói đó là một sự nghiệp đồ sộ. Nhưng lạ lùng thay, văn chương không phục
tùng quy luật của số lượng, mà chỉ tuân theo quy luật về chất. Với Tống biệt hành, với vài
ba truyện ngắn, thí dụ như Thuốc mê chẳng hạn, Thâm Tâm vĩnh viễn có chỗ
đứng riêng trong nền văn chương dân tộc.
Núi rừng Việt Bắc, con người Việt Bắc cùng Đất Nước đã tiễn đưa Thâm Tâm vào cõi mây trời cách đây năm mươi
năm có lẻ. Cuộc tống biệt này không có ngày đoàn tụ. Mỗi khi nhớ về ông, bỗng
lại có sương
khói hoàng hôn và những gợn sóng lòng ba
động.
Cự Lộc ngày 30 tháng Tư, 2004.
Văn Giá
Văn Giá
(1) Theo tài liệu của ông Hoài Việt, trong bài Thêm một chút tư liệu về bài Tống biệt hành, in trong Thâm Tâm
và T.T.Kh, Nxb Văn học, 1997
(2), (3) Xem thêm trong bài Thâm Tâm: Nhà phù thuỷ hô sóng vào
lòng và gọi hoàng hôn lên mắt, in trong Vũ Bằng- Mười chín chân dung nhà
văn cùng thời (Văn Giá sưu tầm, tuyển chọn, giới thiệu), Nxb ĐHQG- Trung tâm Văn hoá và
Ngôn ngữ Đông Tây, 2002.
(4) Xem bài Những phút cuối cùng của Thâm Tâm của nhà báo Trúc Kỳ,
in trong Thâm Tâm và T.T.Kh (Sđd).
Nguồn: Thâm Tâm một thời và mãi mãi - Viết văn
Nguồn: Thâm Tâm một thời và mãi mãi - Viết văn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét