Thứ Bảy, 24 tháng 8, 2013

Lời bình Tống biệt hành của Đỗ Trọng Khơi

Tống biệt hành
QĐND - Thứ Năm, 14/03/2013, 16:37 (GMT+7)
Đưa người ta không đưa qua sông
Sao có tiếng sóng ở trong lòng?
Bóng chiều không thắm không vàng vọt
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?
Đưa người, ta chỉ đưa người ấy
Một giã gia đình, một dửng dưng...
- Ly khách! Ly khách! Con đường nhỏ
Chí lớn chưa về bàn tay không,
Thì không bao giờ nói trở lại!
Ba năm mẹ già cũng đừng mong.

Ta biết người buồn chiều hôm trước
Bây giờ mùa hạ sen nở nốt,
Một chị, hai chị, cũng như sen,
Khuyên nốt em trai dòng lệ sót.

Ta biết người buồn sáng hôm nay
Trời chưa mùa thu tươi lắm thay
Em nhỏ ngây thơ đôi mắt biếc
Gói tròn thương nhớ chiếc khăn tay...

Người đi! ừ nhỉ, người đi thực!
Mẹ thà coi như chiếc lá bay
Chị thà coi như hạt bụi
Em thà coi như hơi rượu cay...

THÂM TÂM


Thời gian ra đời của bài thơ là vào khoảng năm 1940, thời đất nước còn chưa giành được độc lập, dân tình chìm đắm trong đau thương, loạn lạc. Ly khách – người trai thời loạn ấy giã biệt mẹ già, một chị, hai chị cùng em nhỏ mang “chí lớn” ra đi trong lưu luyến, niềm trắc ẩn, dường có cả điềm dự cảm: “Ba năm mẹ già cũng đừng mong”, và cái không gian, hoàn cảnh trong câu cổ thi cũng phảng phất đâu đây: “Xưa nay chinh chiến mấy ai về”.
Hình ảnh, tâm thế trong: Ly khách! Ly khách! Con đường nhỏ, trước cuộc đi với “chí lớn” mà lộ trình lại vẽ ra “con đường nhỏ”? Rõ là ý tưởng, cả ý chí của kẻ đưa người tiễn đều thấy rõ sự lựa chọn này là rất khó khăn và duy nhất một hướng đường? Hẳn là vậy! Cũng bởi vậy cảnh thơ mới dụng công liệt kê rất chi tiết hoàn cảnh riêng qua các đối tượng người thân mà người ấy phải chia tay, là mẹ già, một chị hai chị, cùng em nhỏ thơ ngây; những người đàn bà, em nhỏ là đối tượng cần được chăm sóc, che chở vậy mà người ấy vẫn phải dứt áo, với thái độ Một giã gia đình, một dửng dưng. Xưa nay chỉ có tình yêu, trách nhiệm với non sông mới chi phối tình con người và cũng hiếm gặp một thi phẩm hàm chứa tinh vi và quyết liệt trách nhiệm công dân đến vậy. Những cuộc ra đi vì nghĩa cả, sự thật là rất sâu nặng, song cũng không ít điều đau đớn!
Như trên nói, thơ mang niềm trắc ẩn, dự cảm, ở câu: Ba năm mẹ già cũng đừng mong. Sao lại đặt số 3, “ba năm” trước cuộc ra đi này? Dân ta thường có câu cửa miệng là “vài ba”, “dăm ba năm gì đó…”. Tác giả thơ đã dùng số 3 cho một ước định về bội số thời gian, theo cách nói dân dã, mặc dù vậy, đây vẫn là một con số tuổi-thời gian không hề ngắn với người “mẹ già”, “Mẹ già như chuối chín cây”! Cũng qua đây mới hay câu Một giã gia đình, một dửng dưng là một cách dùng khẩu khí anh hùng để tự trấn an trước gia cảnh mẹ thì già, em thì thơ ngây. Nhưng có lẽ, không chỉ có vậy…
Tống biệt hành là bài thơ thất ngôn, thể hành. Tính thể cách ở đây được tác giả sử dụng như ốc mượn hồn, mượn cái không gian tráng ca, tráng sĩ, kiểu Kinh Kha qua sông Dịch, mượn cái khí mạch để chuyên chở cho một giọng nói ngang tàng, phóng túng, khinh thân vang lên. Đúng là tác giả đã “cố ý” mượn cái không gian thế cục đó, song câu chữ của toàn bài, ngoài 2 chữ “ly khách” được láy nhắc hai lần bằng 4 chữ là vay mượn chữ Tàu, phần còn lại là chữ Việt, điệu thơ mới. Chữ “hạt bụi” xuất hiện ở khổ kết là chỉ số về thời gian cần lưu ý. Hình ảnh “hạt bụi” cho giá trị biểu tượng trong văn học chỉ thực sự du nhập vào Việt Nam kể từ khi người Việt biết đến lời Kinh Thánh, “con người sinh ra từ cát bụi…”. Từ điểm “hạt bụi” này quy chiếu lại không gian thơ còn vẻ cổ kính, nhưng cung cách đưa tiễn, hành xử, giọng điệu đối đãi giữa kẻ ở người đi, thì lại cho một giọng thơ hiện đại, trẻ trung. Và giọng thơ hiện đại phát triển rõ dần hơn qua từng câu tới cuối bài, đặc biệt ở khổ kết: Mẹ thà coi như chiếc lá bay/ Chị thà coi như hạt bụi/ Em thà coi như hơi rượu cay… thật ấn tượng. Trong cảnh “ly khách” kẻ ở người đi, có 4 đối tượng nhân vật đưa tiễn thì ba đối tượng là thân nhân ruột thịt, khác nhau ở lứa tuổi, thế hệ và vì thế họ đã thể hiện ba tâm trạng, cách biểu hiện cũng rất khác nhau. Với người mẹ thì thấy hình ảnh “lá bay”, lá rơi về cội; người chị thấy hình ảnh tương đồng sự hiểu biết xã hội, tôn giáo “như hạt bụi”; người em nhỏ thơ ngây thì lại thấy người anh ra đi trong tình nồng ấm, nhẹ nhàng “như men rượu cay”. Lý do phải “ly khách” dường đã được chia sẻ. Tình cảm gia đình đã từng bước nâng đỡ cho lý tưởng, ý nghĩa cuộc ra đi, cho tinh thần dân tộc. Từ điểm tựa sâu ẩn mà vững chãi đó, mới cho người ra đi hy vọng thực hiện được mục đích: Chí lớn chưa về bàn tay không!
Trong cuộc “ly khách” này, còn nhân vật thứ tư, nhân vật “ta”: “Ta – chỉ đưa người ấy” tâm trạng tỏ ra trăn trở, bâng khuâng, day dứt. Và dường như, từ cái tâm trạng khách thể bâng khuâng, day dứt đó đã cho nhân vật “Ta” thấy được vẻ tình, vẻ hình sắc thiên nhiên ngoại giới cũng như trong tâm tưởng:
             Đưa người ta không đưa qua sông
             Sao có tiếng sóng ở trong lòng?
            Bóng chiều không thắm không vàng vọt
            Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?
Và nhờ vậy văn học sử mới có được thi phẩm xuất sắc này. Kể từ bấy tới nay, câu thơ này, bài thơ này đã sống và sẽ còn sống bất tử trong lòng người yêu thơ.
 Lời bình của ĐỖ TRỌNG KHƠI 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét