Như người ta vẫn thường nói: Văn chương nó chọn anh, chứ không phải anh chọn văn chương. Vâng, văn chương đã chọn Thâm Tâm để cất cánh trở thành văn, thành thơ, trong đó có những vần thơ bất hủ, và những áng văn xuôi đẹp đẽ.
Gia cảnh Thâm Tâm rất cơ hàn, túng quẫn. Từ Hải Dương lên Hà Nội (1938), kéo theo cả nhà gồm cha mẹ già, hai người chị cùng bốn đứa em còn nhỏ và người vợ trẻ. Ngần ấy người dồn ép vào sống trong một căn nhà thuê tháng rộng chừng 20m2. Thâm Tâm nhận việc đóng sách cho nhà in Mai Lĩnh để mang về cho cả gia đình làm, còn mình thì đi vẽ tranh minh hoạ, làm thơ, viết truyện, viết kịch, viết tạp văn...gửi đăng các báo, vừa để sinh nhai, vừa thoả cái mộng văn chương hằng ấp ủ. Có nghĩa là ông viết cật lực, chẳng kén chọn gì lắm về đề tài, thể loại, nơi in...
Nhà văn Vũ Bằng kể lại: Khi Vũ Bằng đương giữ chân thư ký toà soạn cho tờ Tiểu thuyết thứ bảy (1941- 1943). Thấy gia cảnh bạn mình túng thiếu, nên thường ưu tiên cho đăng của Thâm Tâm, có số hai, ba bài, với hai bút danh: Thâm Tâm và Tuấn Trình. Bây giờ nếu ai đọc lại tờ Tiểu thuyết thứ bẩy vào quãng thời gian này sẽ thấy liên tục trên các số báo có tác phẩm của Thâm Tâm với hai bút danh như vậy. Ngoài ra ông còn viết cho Truyền bá, Phổ thông bán nguyệt san, Tiểu thuyết thứ năm của Lê Tràng Kiều (chủ bút) và một số báo khác.
Tác phẩm Tống biệt hành của Thâm Tâm là một thi phẩm thuộc vào hàng đỉnh cao sáng giá. Bài thơ là câu chuyện và tâm sự của hai người đàn ông tráng chí nặng tình tiễn biệt nhau, một ở lại, một lên đường vì chí lớn: “Đưa người, ta không đưa qua sông/ Sao có tiếng sóng ở trong lòng?/ Bóng chiều không thắm không vàng vọt/ Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?…”. Cái điều làm cho Tống biệt hành trở thành thi phẩm Thơ Mới là ở chỗ: Nhà thơ đã thể hiện được một cách sâu sắc và thành thực đến cảm động cái mối giằng xé giữa con người tráng chí (con người tỏ mình trước cuộc đời) với con người tình nghĩa (con người vừa mang bổn phận hiếu đễ với gia đình, vừa thuận theo cái tình cảm tự nhiên mà ai cũng có với người thân, với bạn bè). Mối giằng xé này đã làm nên những câu thơ đứng vào hàng tuyệt bút…
Với bài thơ bất hủ này, nhà văn Vũ Bằng, một người bạn đàn anh của Thâm Tâm đã tặng Thâm Tâm một thi hiệu nghe lạ lạ và thú vị: “Nhà phù thuỷ hô sóng vào lòng và gọi hoàng hôn lên mắt”. Còn Nhà văn Hoài Thanh thì cảm nhận: “Tôi nghĩ rằng nếu nói lúc viết Tống biệt hành (1940-1941) Thâm Tâm đã đứng vào hàng ngũ hoạt động cách mạng thì e hơi sớm, nhưng bảo là Thâm Tâm đã cảm nhận được không khí sục sôi đang diễn ra từng ngày từng giờ của thời đại do những người cách mạng khởi xướng, lãnh đạo và đồng tình với nó thì chắc chắn là đã có. Cho nên, như một tất yếu, sau Cách mạng Tháng Tám, Thâm Tâm sớm đi theo kháng chiến, đứng vào hàng ngũ những người cách mạng đánh đuổi kẻ thù xâm lược.
Văn Giá
Bài đăng phổ biến
- Nguyễn Tuấn Khoa: Ngày trở về của Thâm Tâm:
- Cái lấy nỏ của vua An Dương - Thâm Tâm
- Ngày trở về của Thâm Tâm - Tản văn: Nguyễn Tuấn Khoa
- Ca khúc "Mầu máu Ti gôn", Nguyễn Tuấn Khoa trình bày
- Sâm nhung mấy chuyến lòng đau với tình - Thâm Tâm
- Cái sừng trên đầu sư tử - Thâm Tâm
- Tống biệt hành, Tố Loan trình bày
- Một chiều khơi gió - Thâm Tâm
- THUỐC MÊ - Truyện vừa của Thâm Tâm
- Huyền thoại TTKH và Hai sắc hoa Ti-gôn - Thụy Khuê, Đài RFI, Văn học Nghệ thuật
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét