Thứ Bảy, 24 tháng 8, 2013

Ngô Bảo Châu và duyên kỳ ngộ với Pháp - Vũ Công Lập

TT - Cũng rất tự nhiên, học sinh như Ngô Bảo Châu sẽ được chọn đi học ở nước ngoài. Mà học toán lúc bấy giờ tốt nhất là đi Liên Xô. Nhưng không may Liên Xô lúc ấy đang tan rã nên Ngô Bảo Châu chuẩn bị ngoại ngữ để đi học ở Hungary, một nước cũng có nền toán học mạnh, đã đào tạo cho Việt Nam khá nhiều tài năng.
Chủ tịch IMU nhiệm kỳ 2007-2010 là Laszlo Lovasz (Hungary), người từng đoạt 4 HCV Olympic. Nhưng hình như lúc này GS Ngô Huy Cẩn - bố Châu - vẫn chưa yên tâm.

Vợ chồng giáo sư G. Laumon tại tiệc chiêu đãi tối 19-8 do Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ tổ chức mừng sự kiện giáo sư Ngô Bảo Châu đoạt giải Fields - Ảnh: Hoài Linh - Tuổi Trẻ
”Quới nhân” Paul Germain
Lúc ấy, ông Paul Germain, tổng thư ký vĩnh viễn của Viện Hàn lâm khoa học Pháp, sang thăm Việt Nam theo lời mời của GS Đặng Hữu, chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và kỹ thuật nhà nước. Vào ngày nghỉ, GS Nguyễn Văn Điệp, phó viện trưởng Viện Cơ học, mời vị khách quý người Pháp đi thăm Hạ Long theo sự ủy thác của GS viện sĩ Nguyễn Văn Đạo, viện trưởng Viện Cơ học. GS Ngô Huy Cẩn đi cùng. Và Châu cũng có mặt, theo cái lý trước lúc đi du học cứ con đâu là bố đấy.
Trong câu chuyện trên xe, tình cờ GS Germain hỏi thăm rất kỹ về chú bé duy nhất có mặt. Rất nhanh, ông đưa ra một đề nghị: ”Xin các bạn chờ cho một chút, tôi sẽ cố thu xếp một học bổng của Pháp cho cháu”. Chỉ hai tuần sau tin vui đến từ Paris: Châu được nhận học bổng sang học toán ở Pháp. Còn gì cho bằng, cái nôi toán học vĩ đại ở nước Pháp. Cả hai người bạn lớn của toán học Việt Nam là L.Schwartz và A. Grothendieck đều là những người Pháp từng đoạt giải Fields.
Sang Pháp học toán, đó có lẽ là điều kỳ diệu nhất. Chúng ta muốn sang Pháp học và các bạn Pháp cũng muốn đón nhiều tài năng về Pháp để đào tạo. Bởi vì chính những tài năng trẻ tuổi đó sau này biết đâu lại vinh danh cho nước Pháp. Có thể nói đây là một bước ngoặt cực kỳ quan trọng trong cuộc đời và sự nghiệp của GS Ngô Bảo Châu.
Còn một câu chuyện nhỏ nữa về việc Châu đi học ở Pháp. Tất nhiên học sinh nào cũng phải trải qua kỳ thi ngoại ngữ. Bà Trần Lưu Vân Hiền kể lại:”Ông ngoại dạy cháu học có hai tháng. Sau các thầy bên đài phát thanh giúp thêm. Nhưng thời gian ngắn quá. Đến khi đi thi, bài đầu là đọc - hiểu Châu bảo chỉ biết khoảng hơn 10 từ.
Châu nói với giám thị: Em biết ít từ quá, nhưng em hiểu câu chuyện này, đó là câu chuyện Người đi xuyên tường và em đã đọc bản dịch tiếng Việt. Giám thị khuyên: Vậy thì em cố viết lại, được nhiều chừng nào hay chừng ấy. Đến bài thi nói cũng tàm tạm, khá hơn”. Nghe mà thấy hồi hộp: “Rồi sự việc kết thúc thế nào hả chị?”. Bà Hiền kết thúc nhẹ nhàng bằng một giọng rất Hà Nội: ”Bên Pháp họ cho đỗ. Họ bảo với những học sinh thông minh như thế này, chỉ sang bên ấy vài tháng là giỏi tiếng Pháp. Ngôn ngữ quyết không thể là rào cản cho những tài năng”. Người Pháp có cách chọn học sinh của riêng họ, và họ nhìn khá xa.
Bây giờ là lúc Châu bước vào một chặng đường hoàn toàn mới.

”Người khổng lồ” Gerard Laumon
Giáo sư G. Laumon là một nhà toán học đặc biệt. Ông thuộc dòng toán học Pháp nổi tiếng, có nguồn gốc từ L.Schwartz, A. Grothendieck và là thầy dạy trực tiếp của hai học trò đoạt giải Fields: L.Lafforgue (2002) và Ngô Bảo Châu (2010). Tên tuổi GS Laumon mãi mãi gắn bó với những thành tựu toán học đặc sắc nhất của GS Ngô Bảo Châu.
GS Laumon kể: “Tôi nhớ mãi buổi trình bày rực rỡ bản luận văn thạc sĩ của Ngô Bảo Châu năm 1993. Vào thời gian này tôi thật sự không có một đề tài luận văn tốt và tôi hết sức lưỡng lự khi nhận một nghiên cứu sinh mới làm luận án tiến sĩ. Nhưng ông Michel Broue, người chịu trách nhiệm về toán ở Trường Ecole Nornale Supérieure, có ấn tượng rất tốt về Ngô Bảo Châu và ra sức thuyết phục tôi nhận anh làm nghiên cứu sinh tiến sĩ...”.Về sau, giữa gia đình GS Laumon và gia đình GS Ngô Bảo Châu đã nảy sinh mối quan hệ hết sức thân tình.
GS Ngô Việt Trung và GS Lê Tuấn Hoa có cùng quan điểm: ”Quan trọng hơn cả là Ngô Bảo Châu đã theo học GS G.Laumon, một giáo sư còn trẻ nhưng đầy ý tưởng táo bạo nhằm giải quyết những vấn đề khó nhất của toán học. Có thể nói Ngô Bảo Châu đã đứng trên vai của một người khổng lồ để đạt được những đỉnh cao mới”. Người làm toán bao giờ cũng cần những đề hay, với người giỏi bài hay là bài khó nhất.
Thông thường, đi làm luận án tiến sĩ ở nước ngoài chúng ta hay đi vào những con đường an toàn đã định sẵn, nhờ vào những thầy giáo đã nhiều thành công và làm việc theo một nhánh trong những hướng của thầy. Ngô Bảo Châu làm khác hẳn.
Thầy Laumon đã chỉ ra một hướng, còn tự anh phải vạch ra một con đường, để rồi chính anh lại chỉ ra một hướng mới, có khi còn bao la, rộng lớn hơn nữa. Chính vì chọn một chiến lược như thế mà cả hai thầy trò Laumon - Ngô Bảo Châu đã có những lúc rất khó khăn. Nhưng rồi sau này nhìn lại, năm tháng khó khăn ấy chính là dịp tích lũy kiến thức, trui rèn ý chí để đi tới giải Fields.
GS Ngô Việt Trung tâm sự: ”Có thể một số tài năng sau này thực tế hơn, chọn những con đường dễ đi hơn” và điều đó sẽ cản trở những thành tựu lớn. Nếu hài lòng với “tốt” thì không thể trở nên “vĩ đại”.

Châu và mẹ cùng ông ngoại Trần Lưu Hân

Gửi thơ khóc ông ngoại
Trong gia đình, Ngô Bảo Châu thân thiết nhất với ông ngoại Trần Lưu Hân. Ông cũng chính là người đã dạy Châu học tiếng Pháp cấp tốc để tham dự cuộc sát hạch nhận học bổng. Ông Trần Lưu Hân là bộ đội, về tiếp quản thủ đô năm 1954, sau học hàm thụ Bách khoa khóa 1, là một nhà kỹ thuật ưu tú về vô tuyến, viết sách và gắn bó với những cuốn truyện ngày nào chúng ta mê đắm: Mít Đặc và Biết Tuốt. Ông ngoại là người hay đưa Châu đi thi, với lòng tin luôn được khẳng định là có ông đưa đi kết quả bao giờ cũng tốt.
Năm 2000 ông ngoại mất. Trước đó Châu đã kịp về ở Việt Nam chăm sóc ông một tháng, cứ bốn ngày lại vào ở với ông một ngày, rồi vào thăm ông bất cứ lúc nào có dịp. Nhưng khi ông mất anh lại không về được. Bà Vân Hiền kể: “Châu gửi về viếng ông bằng một bài thơ. Đó là bài Tống biệt hành của Thâm Tâm. Thâm Tâm là cha đẻ của một học sinh Trường Trưng Vương, bạn Nguyễn Tuấn Khoa, người đoạt giải nhất cuộc thi toán học sinh giỏi Hà Nội năm 1964. Có lẽ Châu là người sành thơ lắm, anh nhớ ông:
Đưa người ta không đưa qua sông
Sao nghe tiếng sóng ở trong lòng
Nắng chiều không thắm không vàng vọt
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong.
Nếu bạn vào thăm blog của Ngô Bảo Châu (Thích học toán) bạn còn thấy anh thật sự là một người sáng tác thơ và đối đáp bằng thơ.

TSKH VŨ CÔNG LẬP
Nguồn: Ngô Bảo Châu và duyên kỳ ngộ với Pháp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét