Thứ Sáu, 23 tháng 8, 2013

Những vần thơ không tiếng súng - Song Nguyễn

30/4- Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trong cuộc hành quân gian lao và vĩ đại để đi tới Ngày đó, nhiều chiến sỹ đã ngã xuống, trong đó có những nhà văn, nhà thơ cầm súng. Họ hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ - chỉ trên dưới 30, cái tuổi mà có lẽ bút lực còn đang sung, cảm hứng còn ăm ắp. Chiến tranh là vậy, muôn đời không thể khác được cái quy luật nghiệt ngã của sự mất - còn.

Cá nhân tôi cho rằng, rất có thể trong số những nhà văn, nhà thơ Việt Nam đã hy sinh có người đã “tới đỉnh” trong sự nghiệp văn chương của mình và có người vẫn chưa tới, dù tác phẩm để lại đã được thời gian kiểm chứng. Nếu họ còn sống và đi tiếp con đường văn chương thì chúng ta có quyền hy vọng, nhưng giờ đây chỉ là niềm tiếc nuối và đành để lại cho những nhà văn đương thời, nhà văn tương lai lấp đầy vào khoảng trống ấy.
Nhà thơ Lê Anh Xuân, tên tuổi gắn liền với Dáng đứng Việt Nam, Thâm Tâm thì có Tống biệt hành, Nguyễn Mỹ là Cuộc chia ly màu đỏ, Trần Mai Ninh với Nhớ máu… Bên cạnh những thi phẩm mang đậm dấu ấn của cuộc chiến tranh vĩ đại của dân tộc ấy, các nhà thơ còn có những bài thơ của “miền lặng” tiếng súng, phải kể đến Con đường ấy - Nguyễn Mỹ, Chiều mưa đường số 5 - Thâm Tâm, Nước vối quê hương - Nguyễn Trọng Định, Tình sông núi - Trần Mai Ninh, Nhớ mưa quê hương - Lê Anh Xuân.
Ở tuổi 27, Nguyễn Mỹ viết về Con đường ấy - nơi mà tiếng súng đã tạm lùi xa, những người lính ngồi lại với nhau trong không gian yên tĩnh, cảnh vật mùa thu ở chiến trường bỗng ngưng đọng trong một khoảnh khắc, đúng vào lúc cái nhìn của người nghệ sĩ chạm vào:
“Con đường nhỏ
Đi giữa hai hàng cây
Cái con đường ấy mình đầy bóng râm
Con hươu sao đã duỗi nằm
Để nghe những tiếng thì thầm ở trên

Đôi bên là nắng
Thu đã đượm vàng
Nắng soi từng giọt nắng ngân vang
Ở trong nắng có một ngàn cái chuông”.
Hẳn nhiều người còn nhớ “Cái màu đỏ như cái màu đỏ ấy” rất gợi, không thể diễn tả rõ ràng, không thể cắt nghĩa rành mạch, vì đó là màu của tâm trạng. Và cái giọng điệu ấy không biết được ngân thêm hay bị cảm xúc đưa đẩy mà nhà thơ viết “Cái con đường ấy mình đầy bóng râm”. Đọc đến đây, chắc rằng độc giả đã nhận ra giọng điệu riêng của Nguyễn Mỹ dù hai bài thơ với hai nội dung, hai thời điểm khác nhau. Để một con đường như bao nhiêu con đường trên đất nước những ngày mưa bom lửa đạn tưởng chừng thân thuộc quá lại trở thành quá đỗi nên thơ khi mọi tàn khốc của chiến tranh tạm lùi xa. Tất cả như chuyển động thật chậm, khẽ khàng và mong manh trên con đường ấy. Những chiếc lá lấp ló trong khoảng sáng - tối của mặt trời và bóng râm trở thành đốm tròn lung linh như chiếc áo kiêu sa của loài hươu sao gọi mùa thu về. Có lẽ chỉ cần đến câu thơ gợi mở này độc giả đã biết thời gian đang được không gian dung chứa mà chưa cần đến lời khẳng định: “Thu đã đượm vàng”. Ở đây Nguyễn Mỹ không chỉ tả về con đường với sự tinh tế và rung cảm mà nó thể hiện một khát khao về ngày thanh bình.
Cùng viết về cái đẹp của dải đất hình chữ S thân thương, Trần Mai Ninh có những câu thơ:
Trăng nghiêng trên sông Trà Khúc
Mây lồng và nước réo
Nắng bột chen dừa Tam Quan
Gió buồn uốn éo
Bồng Sơn dìu dịu như bài thơ…
An Khê cao vun vút…
Mượn ai kín hộ nước nguồn về đây
Gặp sông Cầu khó rời tay
Trong con mắt thơ của Trần Mai Ninh, mọi thứ rõ ràng hơn. Cái đẹp hiển hiện ngay trước mắt mà không vương, không gợn đến sự tàn sát, đổ vỡ của chiến tranh. Mỗi địa danh là một bức tranh với hình khối và màu sắc khác nhau. Sự đan quện ấy làm cho tiếng thơ trở nên hào sảng, như muốn reo vui trên mỗi mảnh đất mà tác giả từng đặt chân đến. Nó trở thành động lực để gieo vào lòng người chiến sĩ niềm tự hào, quyết bảo vệ cái đẹp ấy. Ở cuối bài thơ “Tình sông núi”, nhà thơ viết: “Khi vui non nước cùng cười/ Khi căm non nước với người đứng lên/ Có mối tình nào hơn thế nữa? Nói bằng súng, bằng gươm sáng rền” như một khẳng định mà không chỉ của riêng tác giả.
Nếu như những nhà thơ chiến sĩ ưu ái dành cho thơ không gian tĩnh lặng, thoát lìa khỏi cuộc chiến tranh thì ngoài vẻ đẹp của thiên nhiên nói trên còn chiếm không nhỏ dành cho nỗi nhớ về hậu phương - nơi có quê hương in dấu tuổi thơ của mỗi người, có mẹ già và những con người để thương để nhớ cho người ra trận. Chắc hẳn nỗi nhớ ấy luôn thường trực trong lòng, như ngọn lửa âm ỉ cháy và chỉ chờ một ngọn gió như nguyên cớ là bùng lên:.
“Đêm rừng già đi nghe mưa rơi
Một mảnh áo tơi che chẳng kín người
Nước chảy qua môi hớp từng ngụm nhỏ
Bỗng nhớ mẹ già ngồi bên ấm giỏ
Nước vối mặn nồng ngọt ngào chuyện cũ”.
Từ ngụm nước vối đơn sơ của “đêm rừng già”, nhà thơ bỗng nhớ đến mẹ và rồi hình ảnh ấy bắc cầu cho hoài niệm. Cây vối già quê nhà “mỗi nhánh mốc gầy đều in dấu tuổi thơ”, và cứ đến mùa lại cần mẫn chắt chiu nhựa sống của mình để cho ra những “Nụ chín vàng mẹ lấy vào dấm ủ/ Hạt khô giòn trong nắng nhỏ xôn xao”, rồi cả những câu chuyện cổ tích về Sơn Tinh - Thuỷ Tinh háo hức trẻ con để đến nỗi “Cô láng giềng lén sang nghe trộm” rồi quên mất “bỗng hỏi dồn: Sơn Tinh thắng hay không?”. Lớp thời gian của quá khứ ấy bỗng như vỡ ra rồi lại được chắp nối thành hình ảnh thật ấm áp và thân thương mà chắc hẳn mối con người dù ở vùng quê khác nhau cùng tập hợp lại về đây, cùng có mặt trên chiến mỗi chiến trường đều có.
Quê hương là nơi chứng kiến những cuộc đưa tiễn của người ra trận nhưng cũng trở thành chốn đi về của người chiến thắng. Vì thế nỗi nhớ quê hương dường như tiếp thêm sức mạnh cho mỗi người con: “Chúng con đi giữa rừng đêm mưa xối/ Lòng vẫn ngọt ngào vị vối quê hương/ Súng chắc trong tay gạo cuốn bên sườn/ Theo bước chân nhau gạt cây băng tới/ Đất nước mình còn đạn thù cày xới/ Giục giã chúng con nhanh bước trong mưa”. Từ nỗi nhớ da diết, đến nỗi nhớ hiện hình như thế trên con đường hành quân, tác giả vừa được gặp lại quê hương và người mẹ trong phút chốc thì giờ đây nỗi nhớ lại phải tạm lắng lại cho những bước chân hành quân gấp gáp, đầy hăm hở quyết tâm. Và trong lúc gấp gáp ấy nhà thơ Nguyễn Trọng Định còn kịp nhắn gửi với mẹ “Mẹ hãy nhắn giùm con cô gái tuổi thơ: - Ta sẽ thắng như Sơn Tinh thủa trước/ Con sẽ về với bao nhiều hẹn ước/ Bên ấm vối nồng kể chuyện những chiến công”.
Cũng từ những cơn mưa chiến trường, nhà thơ Lê Anh Xuân (Nhớ cơn mưa quê hương), và nhà thơ Thâm Tâm (Chiều mưa đường số 5) cũng làm điểm tựa khơi gợi nỗi nhớ để đồng hiện hiện tại - quá khứ. Mưa trong cái nhìn của Thâm Tâm là mưa của “đồng rạ trắng” nơi đất tề lại được mưa và cảnh vật của núi rừng Việt Bắc làm tâm điểm. Tình quân dân gắn bó sâu sắc là ấn tượng khó phai trong lòng người lính và trở thành niềm tiếc nuối với mỗi chặng đường đi qua, mỗi con người đã gặp: “Ôi đâu rồi sơn nhân/ Đâu rồi anh du kích… Đâu rồi “nhình” với “a”…
Với Lê Anh Xuân thì mưa là những kí ức của âm thanh, hình ảnh mà từ tuổi ấu thơ mình đã khám phá: “Ôi cơn mưa quê hương/ đã ru hát hồn ta thủa bé/ Đã thấm nặng lòng ta những tình yêu chớm hé/ Nghe tiếng mưa rơi trên tài chuối, bẹ dừa/ Thấy mặt trời lên khi tạnh những cơn mưa/ Ta yêu quá như lần đầu mới biết/ Ta yêu mưa như yêu gì thân thiết”. Mưa như sự ký thác lưu giữ những thước phim tuổi thơ của những trò chơi, kỷ niệm. Nhưng chưa hết, từ cái hiện tượng bình thường của thiên nhiên ấy đã khiến cho tác giả suy ngẫm, liên tưởng. Từ lúc “phong ba dữ dội/ Mưa đổ ào như thác dồn trăm lối” được liên tưởng “Nghe như tiếng của cha ông dựng nước” hay “Mưa tạnh rồi, như mùa xuân nhẹ trổi”.
Cuối bài thơ Lê Anh Xuân tự đặt cho mình câu hỏi: “Đêm nay ta nằm nghe mưa rơi/ Nghe tiếng trời gầm xa lắc/ Cớ sao lòng lại xót đau?...” Bởi vì nỗi nhớ về quê hương và những người thân yêu máu thịt của mình là nỗi nhớ thiêng liêng mà mỗi con người đều có và được quyền có. Chúng ta tự hào, trân trọng bởi mình được sinh ra từ những con người mộc mạc và bình dị nhất đã làm nên lịch sử, được chôn nhau cắt rốn từ một vùng quê, một địa danh của tổ quốc.
Nếu đọc những bài thơ “Con đường ấy”, “Nước vối quê hương”, “Tình sông núi” khó có thể kết luận tác giả - những nhà thơ ấy là những người chiến sĩ trực tiếp cầm súng lao vào nơi khó khăn nhất của cuộc chiến tranh. Hơn ai hết, họ vẫn là con người với đầy đủ vui, buồn, nhớ, yêu thương và căm thù… Họ có đầy đủ dũng khí của một ngòi bút chiến sĩ và ngòi bút thi sĩ. Điều đó lý giải vì sao ngoài những bài thơ hừng hực như Nhớ máu, hiên ngang như Dáng đứng Việt Nam… nhà thơ lại có Tình sông núi và Nhớ mưa quê hương chất chứa biết bao tâm tình. Đọc những bài thơ như thế, độc giả và thế hệ thanh niên của thời đất nước hoà bình hiểu thêm và hiểu toàn diện hơn về người chiến sĩ một thời.
Giống như bao người chiến sĩ khoác ba lô trên vai và mong ngày được hát lên khúc khải hoàn, họ còn để lại những áng văn thơ giá trị cho cuộc đời. Và chính những tác phẩm ấy đã trở thành tượng đài kỳ vĩ sống mãi trong lòng công chúng, bất tử với thời gian.
Song Nguyễn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét