Thứ Sáu, 23 tháng 8, 2013

Người ra đi là ai? Đọc Tống biệt hành của Thâm Tâm - Trần Đình Sử

Tống biệt hành của Thâm Tâm mới được tuyển vào sách giáo khoa Văn 11 CCGD. Tuy là bài thơ rất nổi tiếng nhưng cho đến nay vẫn chưa có cách lí giải hợp lí, thuyết phục cả về nội dung lẫn ngôn ngữ, cấu tứ của nó. Trong một tài liệu mới in gần đây, có ý kiến cho rằng: "Ta có thể khẳng định: người ra đi ở đây chính là người chiến sĩ cách mạng, giã nhà lên đường đi chiến đấu" (có thể là lên chiến khu, khi đó đã thành lập ở Việt Bắc và trở thành một nơi bí mật và thiêng liêng, hấp dẫn đối với mọi người thời ấy). Trong một sách bình thơ khác, cũng mới in chưa lâu, thì lại có ý kiến trái hẳn: "Chí nhớn mà đường nhỏ, cuộc đi chưa thấy có căn cứ gì cho nghiệp lớn ngoài sự hăng hái tinh thần... ở lại thì bế tắc nhưng ra đi thì chưa thấy gì là tươi sáng, nó tự nhủ bằng cái vẻ bi hùng của Kinh Kha bên sông Dịch thì cũng chẳng lừa được chính mình. Mấy câu thơ kết, lòng người như sụp xuống, cả kẻ tiễn lẫn người đi, tuyệt vọng đến hư vô...". Rõ ràng, người đi ở đây được hiểu thành một kẻ tầm thường có nét gần như một vai phản diện! Hai ý kiến này đều thiếu sức thuyết phục, nặng về suy diễn. Căn cứ vào cuộc đời và sáng tác thơ của Thâm Tâm, có thể đoán định người đi là người cách mạng, nhưng nhìn lại văn bản bài thơ thì đã có dấu hiệu gì để cho ta nhận chắc điều ấy? Còn ý kiến thứ hai thì chẳng thấy có căn cứ gì để phán đoán rằng người ra đi tự lừa dối mình mà không lừa được, lại còn "lòng người như sụp xuống, cả kẻ tiễn lẫn người đi, tuyệt vọng đến hư vô..." nữa! Rất có thể nhà phê bình thuận theo thói quen phê bình thơ lãng mạn lâu nay, đã hiểu chệch ngôn ngữ nghệ thuật của bài thơ.
Quả thật bài Tống biệt hành không dễ giảng. Từ ngữ trong câu dồn nén, có nhiều tỉnh lược, giữa các dòng thơ có nhiều khoảng trống, tạo thành một vẻ ám ảnh bí ẩn, không dễ gì thuyết minh cho thông. Chẳng hạn câu: "Đưa người, ta chỉ đưa người ấy - Một giã gia đình, một dửng dưng", mới đọc qua tưởng là một kẻ giã gia đình, một kẻ dửng dưng, nhưng không phải. "Một" đây là khăng khăng, nhất quyết: nhất quyết bỏ nhà ra đi, nhất quyết không được xúc động. Lại như câu "Chí nhớn chưa về bàn tay không - Thì không bao giờ nói trở lại - Ba năm mẹ già cũng đừng mong". Có nhiều chỗ tối nghĩa, phải thêm chữ vào mới hiểu được. Chẳng hạn, chí lớn: chưa về (nếu) bàn tay không. Chưa thành công thì đừng nói chuyện trở lại. Nhưng vẫn khó hiểu: tại sao lại "ba năm... cũng đừng mong"? Hay như câu "Khuyên nốt em trai dòng lệ sót" có thể gây cảm tưởng là đời chị nhục nhằn, khóc suốt tuổi thơ, còn thừa chút lệ đem khóc em nốt. Có bản chép là "dòng lệ xót" thì nghĩa lại khác nữa. Đúng như Vũ Quần Phương nhận xét: chữ nghĩa, câu thơ như không dính nhau.
Đối với bài thơ như bài này, theo chúng tôi, trước hết nên tìm hiểu cấu tứ bài thơ để hiểu nó nguyên phiến, toàn vẹn. Còn câu chữ bài thơ, nói như Triệu Chấp Tín đời Thanh, chỉ là cái râu, cái vẩy của con rồng đang bay hiện ra ngoài đám mây mà thôi, không thể đầy đủ được. Bài thơ này là lời của người đưa tiễn nói về người ra đi, còn người ra đi từ đầu chí cuối dường như không phát biểu điều gì. Nhưng người tiễn rất hiểu người đi và chỉ nhờ sự bộc lộ cảm xúc của người tiễn mà hình ảnh của người đi hiện lên mạnh mẽ, cao cả, một con người quyết dứt bỏ tình riêng ra đi vì chí lớn. Như vậy trong bài này trực tiếp chỉ xuíât hiện cảm xúc, suy nghĩ của người tiễn. Tình cảm người đi hiện ra gián tiếp. Mặc khác, tình cảm hai người này có khác nhau: một người buồn bã, đau đớn, nhưng vẫn dứt áo ra đi, một người muốn tiễn đưa một chinh phu truyền thống, nhưng thực tế chỉ có con người thời đại. Vì vậy, mọi sự đồng nhất tình cảm của hai người làm một để bình luận đều thiếu cơ sở. Rất có thể đây chỉ là một cuộc tiễn đưa được tưởng tượng, cả người đi lẫn người được tiễn thực ra đều là do Thâm Tâm hư cấu trên cái nền tình cảm của nhà thơ. Song trong bài thơ đã dựng lên hai hình tượng với chức năng biểu hiện khác nhau, thì ta nên hiểu bài thơ theo cấu trúc biểu hiện của nó. Bài thơ nhìn ngoài thì là thơ trữ tình, nhưng trữ tình không phải là mục đích. Nó chỉ là phương tiện để dựng lên hình ảnh ngựời ra đi. Thiếu sự phân biệt chính - phụ, trực tiếp - gián tiếp, chủ - khách thì khó mà tránh được nhầm lẫn.
Bốn câu đầu cực tả nỗi lòng xao xuyến, ảm đạm bất ngờ của người đưa tiễn - không có sóng mà có sóng, trời đang chiều mà mắt đã nhuốm hoàng hôn. Đây đúng là một tình cảm mới, bất ngờ, chưa dự kiến trước đối với người tiễn. "Đưa người, ta chỉ đưa người ấy": một chinh phu đúng với dáng điệu chinh phu: "Một giã gia đình, một dửng dưng - Li khách! Li khách! con đường nhỏ - Chí nhớn chưa về bàn tay không - Thì không bao giờ nói trở lại! - Ba năm mẹ già cũng đừng mong". Các chữ: "một", "một", "không", "đừng" cực tả tính dứt khoát, cắt đứt mọi tình cảm thông thường của con người. Đoạn thơ thiên nói về ý tưởng ban đầu của người tiễn về người ra đi hơn là miêu tả thực tế của người ra đi trong cuộc tiễn đưa này.
Phần còn lại của bài thơ là sự hồi tưởng của người đưa tiễn để hiểu sâu hơn về người ra đi:
Ta biết người buồn chiều hôm trước,
Bây giờ mùa hạ sen nở nốt,
Một chị, hai chị cũng như sen
Khuyên nốt em trai dòng lệ sót.
Mùa hạ là mùa của sen. Hai người chị đẹp như sen mùa hạ, khóc hết nước mắt mà không giữ được em ở nhà. Vậy là hiểu thêm ý chí sắt đá của người đi, tuy có buồn nhưng không lay chuyển:
Ta biết người buồn sáng hôm nay
Giời chưa mùa thu, tươi lắm thay,
Em nhỏ ngây thơ đôi mắt biếc
Gói tròn thương tiếc chiếc khăn tay...
Trời đẹp, em thơ ngây, biết bao thương tiếc. Người ra đi không phải vì đói nghèo, vì bất hòa, mà thuần tuý chỉ vì chí lớn. Đó là con người nam nhi mà nhi nữ thường tình đã không còn sức trói buộc:
Người đi?ừ nhỉ, người đi thực!
Mẹ thà coi như chiếc lá bay,
Chị thà coi như là hạt bụi,
Em thà coi như hơi rượu say!
Người tiễn đã hiểu đến tận cùng người đi. Anh đã ra đi như một đấng trượng phu: chí lớn coi nặng như núi Thái; mẹ già, chị gái, em thơ đều coi nhẹ như lông hồng. Không một dấu hiệu nào cho ta thấy "ở lại thì bế tắc, nhưng ra đi chưa thấy gì tươi sáng cả". Đó là sự lặp lại lối suy diễn về văn thơ lãng mạn một thời mà thôi. Xin đừng tìm ở bài thơ này sự ngợi ca một lí tưởng cụ thể nào đó, bởi đó không nhất thiết là điều phải nói trong thơ. Cũng đừng tìm ở đây sự tố cáo hiện thực nào đó. Bài thơ chỉ qua cuộc tống biệt mà thể hiện một sự lựa chọn bi kịch của con người không muốn sống tầm thường, đuổi theo chí lớn. Nhưng người đi không hề là cái máy thô sơ, mà là một con người: anh buồn chiều hôm trước, lại buồn sáng hôm nay, tràn trề thương tiếc. Anh hầu như không hề dửng dưng! Anh ra đi như một sự hi sinh chính những người ruột thịt của mình. Mỗi chữ "thà" trong câu thơ: "Mẹ thà coi như", "Chị thà coi như", "Em thà coi như", đều biểu thị một sự lựa chọn. Một sự lựa chọn không dễ chút nào. Chọn bề nào cũng không tránh khỏi mất mát đau đớn. Lời thơ phải có chút lên gân để vươn lên bản thân mình. Nhưng dù thế nào, tình cảm thực của người ra đi vẫn được biểu hiện ra. Bài thơ vì vậy thấm đậm tình người, không hề một chiều, giản đơn.
Hành là thể thơ thịnh hành ở Trung Quốc vào thời Hán Ngụy, Lục Triều, có cội nguồn từ trong Nhạc phủ. Đặc điểm của nó là tự do, phóng túng, lớn, nhỏ, dài, ngắn đều không cố định. Lời thơ thường là lời nói làm cho cái chí trong bài hiện ra lồ lộ. Tống biệt hành của Thâm Tâm vận dụng các đặc điểm đó. Câu thơ bảy chữ tự do, đầy câu hỏi, câu nói, nhiều trùng điệp, vần trắc, vần bằng xen nhau tạo thành giọng thơ rắn rỏi, gân guốc, ngang tàng, vừa cổ điển, vừa hiện đại.
GS. Trần Đình Sử
(Báo Giáo dục và Thời đại, số 28 ngày 7/10/1992)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét