Thứ Sáu, 23 tháng 8, 2013

Chuyện hoa - Thâm Tâm


Hoa có rất nhiều loài, và nhiều thứ hương, sắc. Gặp ngày Tết hoa càng quý-giá hơn, bán được đắt lên gấp bội. Vì có những nhà quanh năm không chơi hoa, không biết đến hoa là gì, như một sa-mạc không biết đến bóng dừa, mà gặp dịp tết nhất, cũng chuốc mua được ít bông tươi-thắm để trang-hoàng trong phòng khách hoặc trên bàn thờ.
Cuộc đời không khô lạnh quá, một phần nhờ về mầu-sắc. Cho nên ở đâu có hoa và ánh-sáng, là có sự vui sống rồi-rào. Thơ Đường ca-tụng về hoa, có câu rằng: “Cứ vô-tình thế mà cảm nổi người, nếu lại biết nói thì có thể nghiêng được nước.” Vốn có bản-chất linh-diệu ấy, nên hoa thường được các thi-nhân bảo là có hồn. Và mỗi khi ta nhớ lại một câu thơ nào có nhắc đến hoa, là trong trí lại hiển-hiện ra một hình người đẹp, mà mầu hồng của má của môi, và của ngực đều làm bằng tất cả hoa!
Nên hoa lại ngon nữa! Cổ nhân thường nuốt từng nắm hoa mai, mà bảo: “để cho hàn-hương thấm rửa vào trong phế-phủ”. Và kể riêng một thứ cúc đã có công dụng trong việc ẩm-thực nhiều rồi. Song ở đây, là những giờ trà dư tửu hậu. Thở hơi ấm của tân-xuân, và hưởng cái nhàn-nhã của vài ngày Tết, người ta có thể tỉ-mỉ thăm ngắm đến từng cánh tinh-vi.
Hoa lan bao nhiêu thức, ai sành chơi lắm mới nhận hết được đủ các giống. Nào Trần-mộng hoa đỏ, Mặc-lan hoa đen, Động-lan hoa phớt tím, Hội-điểm hoa trắng có chấm hồng, Hạc-đính hoa như đầu hạc, còn thi Đại-kiều, Tiểu-kiều, Bạch-ngọc, Kiến-lan, Phong-lan, Hoàng-lan, vân vân… thứ giồng trong chậu, thứ để vào lẵng treo quanh giàn, mỗi hạng một vẻ và một mùi hương… Nhưng tựu trung, thường quý vì đắt tiền, và chỉ các cụ già hay chơi, một cớ là mất công lau vuốt rất tỉ-mỉ. Lan có giáng quý-phái và cổ-điển, như những người tóc bạc phong-lưu. Mùi hương thường kín đáo như một đời ẩn-dật.
Những cánh hải-đường đỏ thắm, nụ chum-chúm từng núm ngon lành, và hoa trổ lả-lơi. Hãy nhẹ bàn tay, đừng dập-vùi thái quá, đừng gió mưa thái quá! Đây là một người gái đẹp không tiếc gì ta, đây là những giọt máu hồng; đêm tàn, rụng theo vài cánh máu. Bước chân xéo qua, quên đi…
Hoa cúc mang nhiều tên như lan: Bạch-hạc, Kim-bàn, Đại-đóa, Bạch-my đỏ có, tím có; thứ thì cánh bằng như xén, ấy là Cam-cúc; thứ thì nhỏ li-ti, ấy là Kim-cúc; và thứ cánh xoăn lại, thứ cánh thẳng đều, dầy hoặc thưa… Hương thơm hắc, nhưng ý-nhị và kín đáo, như những thiếu-phụ khéo tề-gia nội-trợ, trang-điểm sơ-sài, mà rất giữ bền tình yêu như hoa rất lâu tàn-tạ.
Phù-dung chỉ có hai loại: một là Bát-diện, nhiều cánh và tươi mầu; một nữa là Tam-sắc, vì hoa nở ra thoạt sáng sắc trắng, càng về trưa càng hồng gắt, và đến chiều nhạt dần đi mà rụng. Vì hoa sống có một ngày, như kiếp phù-du, làm cho người ta nghĩ đến những sự chóng-vánh, những sự kết-liễu một đời non yểu! Cánh hoa yếu-ớt, mong-manh như tàn-lực mấp-máy trên đôi môi còn nồng hơi sữa một đứa trẻ ấu-thơ…
Những bông cẩm-chướng, cánh như cắt bằng gấm, lụa, hoặc trắng như băng sương, vàng như nắng thu, hay là hồng của buổi lê minh, và ngà-ngà của một thứ mây giáng… Người ta bảo đấy là một bầy gái nhỏ khoe áo trước gió xuân!
Hoa dạ-hợp thì chờ đến nửa đêm, kêu tách ra một tiếng, rồi bùng nở trong chớp mắt. Nở xong, rất chóng rụng. Đừng bảo loài ấy tượng-trưng cho những cuộc xum vầy. Đấy là đời những chiếc pháo nổ lên mà tan xác! Đấy là đời anh-hùng mà yểu mệnh!
Hồng thì đại-khái có hồng bạch, hồng đơn, hồng quế, hồng nhung, vân vân… vừa trang-trọng, vừa kiều-diễm như một nàng hoa-hậu kiêu-sa. Song cũng không giấu nổi cái buồn của bóng chiều.
Rồi đến thủy-tiên, cốt trắng như băng thanh ngọc khiết, lá xanh là những giải áo, và nhụy là những chiếc khăn vàng. Cái huyền-ảo của toàn-thể trước khói-hương, nhắc lại sự tích nàng Lý-phi-tiên bị dân làng mê-tín đem dâng cho Hà-Bá dưới sông Dương-tử; sau Phi-tiên chết, hóa thành những củ nở hoa, người ta gọi là Thủy-tiên. Cũng còn một tích khác nữa: có một nhà chia gia-tài, con lớn tranh hết phần em. Con út tủi thân ra ngồi khóc ở bờ sông. Bỗng có ông lão tóc bạc hỏi duyên-cớ rồi cho một thứ củ trắng bảo đem về trồng mà sinh-nhai, lại xưng tên là Thủy-tiên. Sau củ đó nở hoa, lấy tên ông lão đặt cho. Nhằm dịp tết, thiên-hạ thấy hoa đẹp, đua nhau mua bầy chơi. Rồi sau thành lệ.
Ngày tết, thịnh-hành nhất, còn hoa mai và hoa đào, bán từng cành. Hoa mai đạm-bạc như một kẻ thanh-bần, song cao-khiết, những nhánh khẳng-khiu nhắc đến những thân-hình gầy yếu vì phong sương. Hoa đào cũng những cánh nhỏ như mai, song sắc đỏ thắm, và cũng có một sự tích:
Tại thôn Nhuệ-cái thuộc địa phận Hàng-châu, có gã Vương-sinh lấy vợ họ Đào rất đẹp. Vương yêu hoa thường cùng vợ vào rừng núi tìm những hương-sắc kỳ lạ. Một lần, gặp tết Nguyên-đán, hai người du xuân rồi nghỉ bước trên bờ suối, Vương chỉ cho vợ ngắm bóng nàng soi xuống dưới nước, và chàng ước có một thứ hoa đẹp như nàng, mầu hồng tươi như mầu áo đang mặc của nàng. Đào-thị mỉm cười, hứa đến lúc chết, thế nào cũng hóa ra loài hoa đó, để làm đẹp lòng chồng.
Không ngờ lời hứa nhằm giờ linh, nên ít lâu, Đào-thị mắc bệnh từ trần. Vương đem táng ở bờ suối. Về sau, suốt bờ suối mọc đầy một thứ cây, vào khoảng tháng chạp thì nở hoa, quả-nhiên mầu hồng như sắc áo cũ của Đào-thị. Vương nhớ lời vợ, ngắt mấy cành về cắm lên bàn thờ và gọi tên là hoa đào. Mọi người trong thôn thấy hay cũng bắt chước. Sau vì thôn đó sản ra giống hoa ấy, mới nhân thế mà đổi thành là Đào-hoa-thôn.
Câu chuyện hoa xuân tới đây là hết. Những bó hoa sau mấy ngày tết, từ trên bình rơi xuống đống rác… Không ai như các nhà thi-sĩ đọc trên cánh hoa những hình-ảnh xa vời, hay bóp nát ra vì một hờn giận đâu đâu! Không, hoa chỉ đến cho người ta ngắm những mầu tươi, rồi hoa lại đi… Hoa đi như một nàng ca-kỹ hát xong ở một đám tiệc vui, rượu đã cạn hồ, tiếng cười đã hết…
THÂM TÂM
BÙI ĐẸP sưu tầm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét