Xin giới thiệu bộ phim:
Bài đăng phổ biến
- Nguyễn Tuấn Khoa: Ngày trở về của Thâm Tâm:
- Cái lấy nỏ của vua An Dương - Thâm Tâm
- Ngày trở về của Thâm Tâm - Tản văn: Nguyễn Tuấn Khoa
- Ca khúc "Mầu máu Ti gôn", Nguyễn Tuấn Khoa trình bày
- Sâm nhung mấy chuyến lòng đau với tình - Thâm Tâm
- Cái sừng trên đầu sư tử - Thâm Tâm
- Tống biệt hành, Tố Loan trình bày
- Một chiều khơi gió - Thâm Tâm
- THUỐC MÊ - Truyện vừa của Thâm Tâm
- Huyền thoại TTKH và Hai sắc hoa Ti-gôn - Thụy Khuê, Đài RFI, Văn học Nghệ thuật
Thứ Tư, 28 tháng 8, 2013
Phim tài liệu "Nhớ Thâm Tâm"
"Nhớ Thâm Tâm" là bộ phim tài liệu do VTV thực hiện và phát năm 2000, kỷ niệm 50 năm ngày mất của Nhà thơ liệt sĩ Thâm Tâm. Kịch bản Hoàng Quảng Uyên, Đạo diễn Trần Minh Đại, Phó đạo diễn Thanh Tú, Quay phim Lô Thắng, Nguyễn Hiếu, Lời bình Đào Trọng Khánh, Thuyết minh Kim Tiến.
Xin giới thiệu bộ phim:
Xin giới thiệu bộ phim:
Ảnh Thâm Tâm và đồng đội
Ảnh đám tang Nhà thơ Liệt sĩ Thâm Tâm, ngày 18-8-1950, tại Cao Bằng
Đưa quan tài từ trên nhà sàn, có 9 ống bương trên chái nhà |
Xin xem thêm bài Thì người Cao Bằng vẫn nhớ - Hoàng Quảng Uyên
Đồng đội đưa tiễn |
Hạ huyệt |
Mặc niệm |
Đồng đội và nhân dân địa phương chào vĩnh biệt |
Nhà sàn gần 60 năm trước vẫn còn 9 ống bương ngày xưa, ảnh chụp năm 2008 |
Ảnh gia đình Nhà thơ Thâm Tâm
Cụ giáo Nguyễn Tuấn Thịnh, thân sinh của Nhà thơ Thâm Tâm |
Cụ giáo Thịnh và con trai Nhà thơ, ảnh do Thâm Tâm chụp trong lần về Đường số 5, 1948 |
Nguyễn Tuấn Khoa, con trai Nhà thơ, chụp năm 1948 |
Bà Phạm Thị An, vợ Nhà thơ Thâm Tâm (1920-2005) |
Bà Nguyễn Thị Vượng (ngồi giữa), chị cả Nhà thơ, và gia đình |
Bà Nguyễn Thị Oanh, chị thứ hai Nhà thơ |
Bà Nguyễn Thị Thục, em gái Nhà thơ |
Ông Nguyễn Tuấn San, tức Hoài Niệm, Bắc Thôn, em trai út Nhà thơ |
Vợ và con trai Nhà thơ, ảnh chup năm 1965 |
Con dâu Nguyễn Ngọc Mỹ |
Cháu trai Nguyễn Tuấn Huy |
Cháu gái Nguyễn Mỹ Trang |
Bà Phạm Thị An và các con, cháu dâu, rể và 2 chắt Nguyễn Phương Nhi, Trần Ngọc Giáng My |
Chắt bé nhất Trần Ngọc Mỹ Anh |
Thứ Ba, 27 tháng 8, 2013
Huyền thoại hoa Ti gôn - Ngọc Thiên Hoa
15. PHẦN TÓM LƯỢC
Hình gia đình Nguyễn Tuấn Khoa - Con trai duy nhất của nhà thơ Thâm Tâm |
HUYỀN THOẠI HOA TI-GÔN TÓM LƯỢC (*)
Nhà thơ Thâm Tâm tức Nguyễn Tuấn Trình cùng gia đình từ Hải Dương lên Hà Nội kiếm sống 1936 bằng làm thơ và vẽ tranh… Tại Hà Nội, anh đã gặp và yêu Từ Thị Khánh, cô học sinh lớp nhất trường Tiểu học Sinh Từ. Cùng năm ấy, mối tình đầu của họa sĩ Nguyễn Tuấn Trình với Từ Thị Khánh dang dở vì Khánh nghe lời mẹ đi lấy chồng.
Trong
những ngày đi dạo Hà Nội để tìm gặp chàng họa sư Lê ở làng Mọc và cô
gái gỡ hoa Ti-Gôn đang nở đầy ở Hà Nội, Thanh Châu đã cảm hứng về những
gì mình thấy rồi viết truyện ngắn "Hoa Ti-Gôn" hư cấu một cuộc tình của họa sĩ Lê Chất và cô Mai Hạnh đăng trên Tiểu Thuyết Thứ Bảy số
174, thứ bảy ngày 25/09/1937 (ngày 4, thứ bảy như đã chọn trong phần I
theo lịch Vạn niên là đúng với thời điểm hoa Ti-Gôn nở rộ. Nhưng ngày
25, thứ bảy chính xác với số báo 174 để HSGTG ra tiếp trong số 179 cũng
theo lịch Vạn niên).
Tuấn Trình đã đọc truyện này vì Thanh Châu và anh cùng làm chung trong TTTB. Truyện Hoa Ti-Gôn
với những sắc hoa đỏ rụng ngập trời đã khơi dậy trong chàng họa sĩ, thi
sĩ một kỷ niệm đau thương. Hoài niệm về cuộc tình đã mất bằng tấm chân
tình, Tuấn Trình đã viết bài thơ "Hai sắc hoa Ti-Gôn" ẩn dụ một
tình yêu tinh khiết và đổ vỡ như hoa Ti-Gôn bằng chất nghệ sĩ trong tâm
hồn. Bài thơ đăng trên TTTB số 179 ngày thứ bảy 30/10/1937. Bút hiệu
T.T.Kh chính là "Tuấn Trình - Khánh".
Bút
hiệu T.T.Kh là một cô gái với tình sử đau thương bỗng dưng là hiện
tượng "ăn khách" trên báo chí thời bấy giờ. Tuấn Trình sau khi trút hết
tinh túy vào HSHTG thì không ra bài thơ nào nữa về nội dung này. Vũ Đình
Long "bật đèn xanh" cho anh em trong báo TTTB hành động…
Trần Huyền Trân, người bạn nối khố trong nhóm "Tam Anh - Áo bào gốc liễu"
của TT cùng Nguyễn Bính, biết chuyện tình của Tuấn Trình và cô Khánh
(vì họ cùng ở chung một căn gác thuê trong ngõ Sầm Công – Hà Nội) và
biết bài thơ này là do Tuấn Trình làm. Vốn không ưa mấy về chuyện tình
yêu nam nữ mà người phản bội là Khánh đối với bạn mình, nhân có sự gợi ý
từ chủ báo kiêm chủ bút Vũ Đình Long nên Trần Huyền Trân mới cùng Đinh
Hùng, chàng thi sĩ siêu tưởng, viết bài "Màu máu Ti - Gôn" gởi thẳng "T.T.Kh, tác giả bài HSHTG"
(ám chỉ Tuấn Trình) ngấm ngầm với nội dung thẳng thừng mai mỉa cuộc
tình nói trên cần phải sòng phẳng như một ván bài và cuộc tình đã trôi
qua như "cánh hoa tàn", khuyên ngầm tác giả HSHTG không nên thương tiếc và cũng chẳng nên giữ lại những kỷ niệm đớn đau trong lòng làm gì nữa!
"Nhất tiễn song điêu" của THT và ĐH bước đầu thành công. Tuần báo TTTB qua mặt tất cả các báo lớn như "Phong Hóa - Ngày Nay" của Nhất Linh, "Hà Nội Báo" của
Lê Tràng Kiền... ở Hà Nội về chủ đề này. Tờ TTTB lại có cơ hội làm ăn
vì độc giả liên tục gởi thư về toà soạn hỏi thăm cô gái trong HSHTG. Dĩ
nhiên, T.T.Kh làm gì có thật nên “Tổ hợp thơ Thâm Tâm và T.T.Kh” phải tiếp tục vào cuộc. "Bài thơ thứ nhất"
(lấy lại giọng điệu nội dung và thêm chi tiết hơn từ HSHTG) được đăng
trên TTTB, thứ bảy ngày 20/11/1937, số 182 do Nguyễn Bính cùng Trần
Huyền Trân làm đạo diễn. Nhưng nội dung chỉ có bấy nhiêu, không nhập tâm
được thêm những gì từ mối tình đã chết này, Nguyễn Bính đành phải dùng
kế "điệu hổ ly sơn" (nhử cọp về rừng) với chiêu "dương đông kích tây" (dàn bên đông như đánh bên tây) là bài "Dòng dư lệ" tức "Cô gái vườn Thanh"
khiến người đọc tin rằng Nguyễn Bính là người yêu của T.T.Kh để nằm
ngoài danh sách đời sau đi truy tìm thủ phạm T.T.Kh. Bài thơ này, hiện
tại đã ngẫu nhiên làm "lộ hình" Nguyễn Bính vì nội dung chẳng ăn nhập
với người trong cuộc. Trong khi đó, nhu cầu thơ lúc bấy giờ với chủ đề
tình yêu dang dở, số phận hẩm hiu được đưa lên hàng đầu cho ăn khách,
Trần Huyền Trân hay mỉa mai một cuộc tình và là người thường dùng từ "chim lồng cá chậu" cùng Nguyễn Bính thiên về nội dung "đan áo len", "chị - em", cả hai với thi pháp lục bát chắc tay hơn các thi sĩ khác đã song tấu ra "Bài thơ đan áo" tức "Đan áo cho chồng"
năm 1938 vẫn ký T.T.Kh để câu khách. Không có nguồn nào nói đăng trên
TTTB (chúng ta chờ sau này có ai sưu tầm TTTB với các số có đăng ĐACC
hay không? Chắc chắn, nó vẫn được đăng ở TTTB trước). J.Leiba đã đưa bài
thơ này từ Phụ Nữ Thời Đàm năm 1938 lên Ngọ Báo với 4 câu
thơ đề tặng T.TKh. Chứng tỏ, bài thơ đã có sự copy từ một nguồn chính
mà nguồn đó phải từ nơi tác giả đó làm ra, có lợi cho tờ báo mà tác giả
cộng tác. Để chấm dứt vai trò ốc mượn hồn suốt thời gian dài 3 năm,
Nguyễn Bính phải dùng "Tá thi hoàn hồn" (mượn xác hoàn hồn) cùng Trần Huyền Trân một lần cuối ra "Bài thơ cuối cùng"
ra vẻ giận dữ trách móc người ráo bán tình yêu để T.T.Kh kiếm cớ rút
lui, đăng trên TTTB số 217, thứ bảy ngày 23/07/1938 như ném “lựu đạn
cay”, tung hỏa mù rồi… biến!
T.T.Kh không còn xuất hiện nữa vì hết nguồn nhiên liệu. Chúng ta cũng thấy rằng ngay đầu đề bài thơ “Bài thơ thứ nhất, Bài thơ cuối cùng” lấy lệ cho có là với từ ngữ là số đếm chứ không như đầu đề "Hai sắc hoa Ti-Gôn" mà Thâm Tâm đã ẩn dụ rất sâu sắc. Ngay cả những bài ký Thâm Tâm như "Các anh", "Dang dở"...
Nếu TT làm, TT không thể lấy những cái tên tầm thường như vậy về hình
thức và TT không thể lập lại nội dung nhạt nhẽo dần khi tim mình đầy ấp
sóng hoàng hôn!
Từ khi có thơ từ T.T.Kh, độc giả càng gởi thư tới tấp về tòa soạn để mong "văn kỳ thanh" cũng đồng "kỳ hình"
T.T.Kh và xin chữ ký Thanh Châu. Thanh Châu mang tâm trạng người viết
văn được độc giả ái mộ thì vô cùng sung sướng. Thanh Châu hoàn toàn
không biết về T.T.Kh và tổ hợp này nên đã viết hồi ức "Những cánh hoa tim" vào mùa thu 1939 đăng trên TTTB nói rõ lý do tại sao mình viết truyện "Hoa Ti-Gôn".
Không
thể trốn tránh độc giả hoài vì tòa soạn nào không biết địa chỉ tác giả
nếu tác giả đó gởi theo đường bưu điện và càng không thể im hơi nếu tác
giả gởi trực tiếp hoặc nhờ cô gái mang thơ tới, nên tổ hợp thơ lại "chữa
lửa" bằng cách đẩy bút hiệu Thâm Tâm lên thi đàn. Chuyện tình của Tuấn
Trình và cô Khánh đã có nhiều người biết, không thể để cho nhân vật
chính than thở hoài mà chàng trong cuộc cứ làm "con rùa rút đầu". Thêm vào đó, những người biết chuyện tình trên cứ nghĩ Tuấn Trình đã làm "Màu máu Ti-Gôn" công khai nhận T.T.Kh là người yêu nên càng cười chọc, thương tâm, đả kích. Tuấn Trình, bây giờ mang bút hiệu Thâm Tâm với Chào Hương Sơn, Mơ thuở thanh bình, Hoa gạo, Vạn lý trường thành, Ngược gió, Tống biệt hành… năm 1940, người trong cuộc, kẻ đã "lỡ leo lưng cọp" không thể không khỏi bực mình. Bài "Các anh"
của tổ hợp Đinh Hùng - Trần Huyền Trân - Nguyễn Bính mỗi người một
phong cách, một thi pháp trong bài thơ dài 64 câu lập tức nối gót "Dòng dư lệ"
ra đời vào thứ bảy, ngày 4/5/1940 số 307 trên TTTB mang nội dung bực
mình của Thâm Tâm để cho số báo ăn khách được tiếp tục sống. Nếu TT là
tác giả, TT chẳng thể nào vừa tung tin tình yêu Khánh lên báo rồi làm
thơ bắt mình "im đi" được. Bài thơ này còn có những cái tên gọi tầm thường như "Trả lời của người yêu" hay "Gởi T.T.Kh" mà lại còn có những câu "Hãy im đi các anh ơi!"
lộn xộn bên trong. Nó được đăng nguyên hay cắt ra hai phần như sách Mã
Giang Lân hoặc Thế Nhật hay không trên TTTB? MGL trong bài “Ghi chú thêm về Thâm Tâm và T.T.Kh” từng khẳng định có nhưng đoạn ngoài cuốn “Thơ Thâm Tâm”, (Nxb VH – 1988) do MGL tuyển chọn và sách “Lược sử văn nghệ - Nhà văn tiền chiến 1930-1945” (Nxb Vàng Son SG - 1974) và “T.T.KH. Nàng là ai? (Nxb VHTT – 1994, 2001) của Thế Nhật lại có những câu lục bát phá cách từ Nguyễn Bính nối tiếp lục bát phá cách trong bài “Các anh” 16 câu trong sách MGL. Điều này cho thấy bài “Các anh” phải nguyên vẹn 64 câu chứ không phải 54 câu như Thế Nhật và 16 câu như MGL trích.
Thế
nhưng, rừng đốn mãi cũng hết cây, đất lấn mãi cũng hết biển, năng lượng
từ nội dung chuyện tình T.T.Kh cũng chẳng được tiếp nhiên liệu nên
những bài thơ sau ký T.T.Kh hay Thâm Tâm đều "đầu voi đuôi chuột". Mâu thuẫn từ các bài thơ ngày càng lộ diện khiến cho tổ hợp thơ cũng phải nghĩ tới "Tẩu vi thượng sách" bằng cách "thêm bếp, rút quân". Bài "Dang dở" thể thất ngôn với thi pháp đặc biệt (vần trùng 2-3) chỉ có với Đinh Hùng đã được "thêm bếp" đưa lên TTTB năm 1940 để tổ hợp thơ Thâm Tâm "rút quân". Đây
là phát pháo cuối cùng báo hiệu cuộc chơi chấm dứt! Không ai ăn mãi một
món ăn cũng như chẳng ai đọc mãi một đề tài chỉ có mấy bài thơ xáo đi,
xào lại.
Điều này, hợp lý khi chúng ta rãi các bài thơ được chia thời gian như sau: Hai sắc hoa Ti-Gôn (1937), Màu máu Ti-Gôn (1937-38), Bài thơ thứ nhất (1937), Đan áo cho chồng (1938), Bài thơ cuối cùng (1938), Các anh (1940), Dang dở (1940). Chúng được xen kẻ với bài hồi ức của Thanh Châu “Những cánh hoa tim” năm 1939, “Dòng dư lệ” của Nguyễn Bính tạo thành một chuỗi “ăn chắc, mặc bền”,
có đầu, có giữa, có cuối trên báo chí. Nếu không, ta sẽ cứ thắc mắc vì
sao T.T.Kh làm thơ năm 1937-1938 mà tới năm 1940, Thâm Tâm mới nhập
cuộc?
Khói lửa chiến tranh thế giới thứ hai (1939 - 1945) đang phủ vây đất nước Việt Nam “một cổ hai tròng”
bằng nạn ngoại xâm nối tiếp ngoại xâm khi phát xít Nhật hất cẵng thực
dân Pháp. Thi đàn thơ văn, báo chí đã không còn là mảnh đất bình yên
chim hót cho các nhà thơ dụng thơ mà họ phải chuyển sang nhà thơ "dụng
võ". Tống biệt hành của Thâm Tâm làm tại vườn Thanh Giám để đưa
tiễn người và đưa tiễn lòng cũng chấm dứt luôn một cuộc tình mà Đinh
Hùng coi rẻ rúng mối tình nàng kiều nữ và anh thanh niên định ra đi cứu nước trong "Dang dở".
Hoài Thanh - Hoài Chân trong "Thi nhân Việt Nam" dè dặt với Thâm Tâm và không mấy rõ ràng khi viết về T.T.Kh năm 1941. Phạm Thanh trong “Thi nhân Việt Nam hiện đại” quay về một mối T.T.Kh là người phụ nữ cũng chẳng hé mở được điều gì hấp dẫn hơn.
Về sau, không muốn nhắc lại chuyện cũ và tất cả bài thơ liên quan tới một chuyện tình không hay, TT im lặng để “làm lại cuộc đời” như Nguyễn Hữu Đảng, Vũ Cao đã kể trong “Giai thoại văn học"
(Nxb VH - 2003). Năm 1944, TT lập gia đình với Phạm Thị An và sinh ra
hai người con. Người con đầu đã mất từ năm 1945. Người con trai duy nhất
còn lại là Nguyễn Tuấn Khoa sinh ngày 24/11/1946. Bốn năm sau, TT mang
Huyền thoại T.T.Kh xuống tuyền đài năm 1950 trong một lần đi chiến dịch
ở biên giới Việt Bắc tại Cao Bằng vì cơn bệnh sốt rét ác tính. Bản Pò
Noa (Cao Bằng) còn bia mộ tưởng niệm nhà thơ Vệ quốc quân tài hoa này.
Trong
thời gian kháng chiến 1947 – 1950 và sau 1954 nhiều người như Bùi Viết
Tân, Nguyễn Tố, Hồ Thông, Ngân Giang, Thạch Hồ, Anh Đào (Đào Tiến Đạt),
Giang Tử, Trần Quân (Trần Viết Phương), Đỗ Nhân Tâm, Lê Công Tâm, Hoàng
Tấn, Tân Đạt Dân… trên các báo “Cải tiến, Giáo dục phổ thông, Văn nghệ thành phố HCM, Văn nghệ tiền phong, Nhân loại, Sống, Triền sóng xanh, Chuông Mây… " đã tạo ra luồng thông tin “ông nói gà, bà nói vịt” về
hai bút hiệu này. Những người cho biết T.T.Kh là Thâm Tâm có thể đúng
một chút ít nếu trong lúc ngà say, Thâm Tâm có hé lộ mình là T.T.Kh.
Không có gì giấu được thời gian. Giấy không gói được lửa. Cây kim
trong áo lâu ngày cũng lòi ra. Khi say, không ai có thể làm chủ bản
thân. Người say là người thường hay nói và khi đã nói thì thường nói
thật. Nhưng không biết, sau chuyện tình 1936, TT ngoài đời có “say mèm” rồi “ném chén cười cho đã mắt ta” như trong thơ hay không?
Những
người nghe loáng thoáng Thâm Tâm nhận mình là T.T.Kh có thể nhập lại
những bài thơ ký T.T.Kh là Thâm Tâm. Những bài ký Thâm Tâm, họ tưởng
rằng đã rõ. "Khói" “Cá tháng 4” đã xuất hiện từ bèo bới ra bọ, từ
cái nọ, lò ra cái kia không phải là không có “lửa” từ Thâm Tâm hay nhóm
tổ hợp thơ. Trách nhiệm này, Thâm Tâm và tổ hợp thơ phải gánh lấy một
phần bởi sự im lặng của mình Im lặng là đồng lõa tội lỗi. Rừng văn
chương hỗn tạp nhưng vườn văn học chân chính chẳng phải là tấm thảm để
người ta chà giày bẩn vào đấy!
Sau
chiến thắng Điện Biên Phủ 1954, hòa bình về trên đất Bắc. Người làm văn
học từ bỏ vũ khí quay về với mảnh đất thơ văn của mình. Nguyễn Tấn Long
- Nguyễn Đức Trọng viết “Việt Nam thi nhân tiền chiến” năm 1968
có tuyển thơ Thâm Tâm và T.T.Kh “bài bản” và công phu hơn HT – HC. Thế
nhưng hai ông vẫn cho rằng hai bút hiệu là hai người Thâm Tâm và T.T.Kh.
Nguyễn Vỹ viết lại mục "Thâm Tâm và sự thật về T.T.Kh" trong "Văn thi sĩ tiền chiến năm" (1970) khẳng định chỉ có Thâm Tâm làm cả hai bút hiệu. Những người khác như Mã Giang Lân tuyển “Thơ Thâm Tâm” năm 1988, Hoài Việt “Thâm Tâm và T.T.Kh” năm 1991, Thế Nhật “T.T.KH. nàng là ai?” năm 1994 và 2001, Nguyễn Thạch Kiên“Về những kỷ niệm quê hương”
năm 1996… đều thu nhập thông tin Thâm Tâm và T.T.Kh qua nguồn TTTB cũng
nhập nhằng, không thống nhất trong sách mình. Người bác bỏ "Đan áo cho chồng - Bài thơ đan áo" của
T.T.Kh; kẻ khẳng định chính Thâm Tâm. Những cuốn sách này, không ghi
“nguồn tư liệu gốc”. Đó là sự thiếu sót về tính khoa học văn bản.
Riêng 2 cuốn “T.T.KH nàng là ai?” của Thế Nhật (1994 – 2001) và “Giải mã nghi án văn học T.T.Kh”
của Trần Đình Thu (2007) đều quy về một nhân vật ở Pháp là Vân Nương
Trần Thị Vân Chung chính là T.T.Kh. Thanh Châu được “chỉ định” là người
yêu của T.T.Kh. Kết quả, nhân vật Thanh Châu là nhà văn và nhân vật Vân
Chung lấy chồng năm 1939 không ăn nhập gì đến vụ “bán thơ anh” và
T.T.Kh đã chồng năm (theo nội dung bài thơ làm năm 1937) đã hồi ức về
những mùa thu trước 1936… không phải là nhân vật trong cuộc. Nguyễn
Thạch Kiên là bạn lâu năm của Trần Thị Vân Nương, ông đã khẳng định Vân
Nương làm thơ sau hậu chiến là chính xác và người viết đồng ý như vậy
khi thử tìm thi pháp của Vân Nương qua một số thơ của bà.
Về pháp lý, hai cuốn sách “T.T.KH. nàng là ai” và “Giải mã nghi án văn học T.T.Kh” này vi phạm quyền nhân thân của Vân Nương theo điều 38 trong Bộ Luật Dân Sự
khi nhân vật này phản kháng bằng ba lá thư đăng trên báo Ngườiviệt -
Cali năm 1994 (thanhnien.com và hai cuốn sách Thế Nhật và Trần Đình Thu
đều trích đăng). Bà Vân Chung có quyền phản kháng theo điều 25 và 37
trong bộ luật này. Cuốn sách Trần Đình Thu đã hầu như “đạo ý tưởng” và
“đạo hình thức” từ sách Thế Nhật trừ hai phần sau cùng. Thế nhưng, đối
với những "đạo văn" cũng có những trăm vạn đường, nghìn phương cách,
cuốn "Giải mã nghi án văn học T.T.Kh" của Trần Đình Thu chỉ vào
hàng "cháu chắt" của sự đạo văn. Nó chưa đáng mức phải quy trách nhiệm
hình sự mà chỉ ở hình thức "cảnh tỉnh" người nghiên cứu nên thận trọng
khi tham khảo nguồn tư liệu và cẩn thận khi phát ngôn thành văn bản. Nếu
một khi có sai lầm, không phải "một lần đạp... c, một lần chặt chân", chúng ta còn có cơ hội sửa chữa. Thời gian và lòng hướng thiện sẽ cho chúng ta cơ hội này.
Hỏi về nguồn "Tiểu Thuyết Thứ Bảy",
Mã Giang Lân trả lời chính ông đã đọc TTTB sau năm 1975 và chép tay lại
một số bài thơ ký Thâm Tâm. Những bài thơ khác, ông thấy dở nên không
chép.
Nguồn
TTTB, chú Nguyễn Tuấn Khoa nói rằng sau 1975, TTTB được đưa lên màn
hình, một số người được đọc từ đó. Chú Khoa cũng khẳng định đã cung cấp
cho MGL một số bài thơ của bố là Thâm Tâm.
Chú Thế Phong (Thế Nhật gồm Thế Phong và Trần Nhật Thu) trả lời là đã đọc TTTB trên “Thư viện Khoa xã hội (34 Lý Tự Trọng, Quận 1) và Thư viện Khoa học Tổng hợp Tp. HCM".
Hỏi về những lá thư phản đối của Vân Nương, chú Thế Phong trả lời: Đăng trên báo nguoiviet, Cali ngày 24/12/1994. Đại diện Ban Biên Tập báo Người Việt
- Cali (Đỗ Bảo Anh chủ bút, Phan Huy Đạt chủ nhiệm) trả lời rằng, thời
gian lâu lắm, không ai có thể nhớ và người muốn tìm nên tới tòa soạn sao
lục chứ họ không làm công việc này.
Ông Phan Đức trong bài “T.T.KH là ai? Cuốn sách viết ra từ sự ngộ nhận” (TĐT, sđd tr 179) cung cấp thêm lá thư Vân Chung đăng trên “Nguyệt San Văn Hóa” số 9/4 bên Pháp.
Trần
Đình Thu trả lời về thư phản đối của Vân Nương, anh đọc ở trên mạng.
Khi được hỏi về địa chỉ liên lạc với bà Thư Linh về Vân Nương, TĐT trả
lời: Lâu lắm rồi, anh không liên lạc với bà ấy.
Về ông Nguyễn Thạch Kiên (hỏi về tư liệu trong sách “Về những kỷ niệm quê hương”
T.T.Kh và xin địa chỉ liên lạc với bà Trần Thị Vân Chung là bạn ông),
người viết đã liên lạc các hiệu sách ở Cali như Thiên Nga, Trí Đức (nơi
người viết mua sách) nhưng chẳng nơi nào còn giữ số điện thoại của ông.
Nay, chắc ông cũng đã trên 86 rồi! Các địa chỉ liên lạc trong những cuốn
sách có liên can về ông như “Văn học thời nay” của Vũ Hoài Mỹ, người viết cũng đã liên lạc trên 4 e-mail ghi trong sách và nhờ cả chủ bút nguyệt san “ChicagoViệtBáo” là Thủy Lâm Synh hỏi dùm nhưng chưa được hồi âm.
Về
phần liên lạc với thầy Mã Giang Lân và chú Nguyễn Tuấn Khoa, do Văn Giá
(Phó Gs. TS, trường Đại học Văn Hóa - HN) cung cấp số điện thoại.
Nguyễn
Tuấn Khoa (Nguyên Viện trưởng Viện Thông Tin Y học Trung Ương) lập gia
đình cùng Nguyễn Ngọc Mỹ (Nguyên cán bộ Trường Đại học Dược Hà Nội). Họ
có hai người con đã lập gia đình: Nguyễn Tuấn Huy và Nguyễn Mỹ Trang.
Hai bố con Tuấn Khoa và Ngọc Mỹ phần nào nối nghiệp bố, ông nội là Thâm
Tâm Nguyễn Tuấn Trình trên con đường văn học. Về thông tin năm Thâm Tâm lập gia đình, chú Khoa nói rằng: "Cụ bà đã lấy Cụ ông từ đầu 1944, năm sau đã có con, tôi là con thứ, sinh 24-11-1946".
1.
Di bút của Thâm Tâm: Người viết copy từ khanhly.net với thắc mắc không
biết có phải là di bút của Thâm Tâm hay không? Nguồn nào cung cấp di bút
này cho cô HUVO đăng tải trên mạng? Trả lời thắc mắc này, chú Nguyễn
Tuấn Khoa xác định: "Di bút đúng của Cụ tôi, chữ ký cũng đúng". Nguồn? Chú Khoa trả lời: "Nhà tôi không có di bút này. Di bút trên là của Hồng Tranh đưa cho Thanh Châu". Hồng
Tranh là người mà Thâm Tâm đã gởi bức thư nên ông lấy bức thư này đưa
cho Thanh Châu với lý do gì thì chẳng ai biết. Mạng khanhly.net có đăng
mà chưa thấy ghi chú từ đâu?
2.
Mục đích đăng thủ bút của Vân Chung: Cho những ai từng nói là đọc qua
những bài thơ bằng đường thư tay, bưu điện, những ai từng nói có coi qua
lá thư xin chữ ký Thanh Châu của T.T.Kh nhận ra có phải nét chữ “run run” này?
3.
Nguồn cần tra cứu thêm là: Phạm Minh Chi (cháu ruột bà Vân Chung, ở
333/14/8 Lê Văn Sỹ, quận Tân Bình (từ bài viết của Phan Đức) hỏi về bà
hay liên lạc với bà Vân Chung.
4.
Nguồn TTTB? Tại sao cùng một nguồn, mà các bài viết đăng trích Thơ Thâm
Tâm, thơ ký Thâm Tâm và T.T.Kh lại không thống nhất? Nguồn "Thư viện Khoa xã hội (34 Lý Tự Trọng, Quận 1) và Thư viện Khoa học Tổng hợp Tp. HCM" tồn tại nhưng chưa biết TTTB được lưu trử như thế nào?
Huyền thoại hoa Ti-Gôn
tóm tắt đến đây xin tạm dừng. Người viết một lần nữa chân thành cám ơn
gia đình chú Tuấn Khoa cung cấp thông tin cá nhân và hình gia đình, cám
ơn tác giả các cuốn sách liên quan được trích đăng, những tác giả có
thơ, truyện, bài được sử dụng cũng như các web site đã góp phần tạo ra
chuyên đề “Huyền thoại hoa Ti-Gôn”./.
Tháng 12/14/2008
Ngọc Thiên Hoa
Ngọc Thiên Hoa
* Phần tóm lược này nằm ngoài cuốn "Huyền thoại hoa Ti-Gôn".
1. Phần 1 - 1
2. 2
3. 3
4. 4
5. 5
6. 6
7. 7
8. 8
9. 9
10. Phần 2 - 1
11. 2
12. 3
13. 4
14. 5
15. PHẦN TÓM LƯỢC
Thứ Hai, 26 tháng 8, 2013
Nhà phù thủy hô sóng vào lòng và gọi hoàng hôn lên mắt - Thiên Tướng (Vũ Bằng)
Hồi đó, thường thường buổi tối chúng tôi
vẫn ngồi uống rượu với nhau, nhắm khoai tây thái mỏng ở nhà Thủy Tạ Bờ Hồ.
Chúng tôi là lớp văn trẻ ở Hà thành, làm
mấy tờ Trung Bắc Chủ Nhật, Tiểu Thuyết
Thứ Bảy, Phổ Thông Bán Nguyệt San, Ích Hữu, Bắc Hà. Chúng tôi là Nguyễn
Dân Giám, Trần Huyền Trân, Thượng Sỹ, Thanh Châu, Ngọc Giao, Nguyễn Trẩm Dự,
Nguyễn Tuân, Nguyễn Khánh Đàm, Hiên Chy, Vũ Bằng… Chúng tôi gồm độ chừng mười
đứa, sống bừa bãi, lãng mạn, thích văn nghệ hơn ăn, thích chơi đùa hơn sự
nghiệp, mai đói không cần nhưng hôm nay có bao nhiêu thì gom lại ăn cho kỳ hết,
uống cho kỳ hết, hút cho kỳ hết. Thâm Tâm là một “hội viên” của hội ái hữu do
chúng tôi lập nên có vẻ siêng năng nhất, trung thành nhất.
Nghĩa là bất cứ hôm nào nhậu nhẹt, phiện
phò cũng có mặt anh.
Đêm ấy, ngồi ở nhà Thủy Tạ, chúng tôi
uống rất nhiều “punsô” – tức là một thứ cốc tai có rum, đường, chanh, hâm nóng
lên để uống như kiểu uống rượu của anh hùng Lương Sơn Bạc trong Thủy hử. Đến khuya, gió lạnh, anh nào
anh nấy say mèm. Thâm Tâm giơ tay lên mời anh em “cạn một hơi” rồi nói:
- Còn đêm nay nữa, mai đi. Bữa rượu này
là bữa rượu tạm biệt anh em đấy ạ.
Rồi anh đứng lên, rút tay ở áo choàng
ra, huơ lên trời như người múa kiếm trong kịch thơ Bóng giai nhân, ngâm mấy câu bi hùng:
Thế kỷ hai mươi
Đã chết cả loài dơi,
Bay sờ soạng trong hoàng hôn tàn tạ,
Ta nghe hát trong trời xanh, trên hoa
lá
Trong tâm tư một khúc hát tinh khôi.
Thế kỷ hai mươi,
Ngươi mang trong lòng ngươi
Bao nhiêu mầm ung độc
Bao nhiêu nụ hồng đời,
Đau thương thế kỷ đà khô cháy
Hoa nở, mùa gây lại giống người.
Những lúc rượu vào, Thâm Tâm hay ngâm
như thế. Cho là không lạ, tôi cũng chẳng lưu ý làm gì, không ngờ đến chiều hôm
sau thì Thâm Tâm đi thật và đi mãi mãi. Từ lâu, tôi vẫn biết một số lớn anh em Tiểu Thuyết Thứ Bảy vẫn tích cực hoạt động ngầm diệt Nhật và chống
Pháp, ngoài mặt thì viết văn bán chữ, nhưng trong thì dâng cả tâm hồn lẫn thể
xác cho kháng chiến. Trong các bạn đó, tôi nhớ có Bùi Hiển, Lý Văn Sâm, Nguyễn
Tất Thứ, Tô Hoài, Nguyên Hồng, Thâm Tâm, Trần Huyền Trân… nhưng nghĩ rằng có một
lúc nào đó Thâm Tâm bỏ hẳn thành, ra bưng, thì quả không ngờ. Tôi có thể quan
niệm một Thâm Tâm ngồi ở trong thành hoạt động bí mật, tôi có thể nghĩ đến một
Thâm Tâm đi “làm việc ở xa” một đôi tháng lại về… nhưng đi hẳn… thật quả tôi
không ngờ, vì nói riêng về vấn đề gia đình, cái gánh của anh mang ở trên vai
thật nặng: cha mẹ già, lại thêm ba bốn em, vừa trai vừa gái – mà nhà thì ở
thuê, ngoài việc viết mướn của anh ra, cả nhà chỉ còn trông vào việc nhận các
sách in của nhà Mai Lĩnh để đóng với một giá tiền công gầy guộc.
Lúc ấy, Thâm Tâm ở
nhà Diêm. Cả một gia đình bảy tám người sống chen chúc trong một căn nhà chừng
độ hai chục thước vuông, người nào người nấy trông buồn và xanh như thiếu máu.
Thường thường, chúng tôi đến thăm thì không có ghế ngồi, anh em phải đứng, vì
thế thấy bạn đến thì việc thứ nhất của Thâm Tâm là vơ vội lấy quần áo mặc vào
để đi, bất cứ đi đâu cũng được, miễn là đừng có ở nhà.
Về sau này, lúc
Nhật sắp đánh Pháp, anh lấy vợ, tính nết vẫn giữ nguyên như thế không thay đổi.
Riêng tôi nghĩ thì cái gánh gia đình anh như thế, lại thêm một người vợ mới lấy
về, dù sao cũng có một sức khả dĩ kìm anh lại, nhưng hết thảy chúng tôi đều
lầm: Thâm Tâm, nhà văn sĩ kiêm thi sĩ, kiêm họa sĩ bé nhỏ đó “lì” và “kín”
không thể nào tưởng được. Anh ta đã quyết định điều gì thì không bàn bạc với ai
hết, cứ lừ lừ hành động một mình, tuy là vẫn bàn bạc công việc ngắn hạn, dài
hạn với anh em để cùng làm, nhưng lát nữa thì bỏ cả đó mà đi luôn và không bao
giờ buồn ngó lại.
Từ lúc chia tay
nhau ở nhà Thủy Tạ cho đến lúc có tin mất ở bên kia sông Đuống, Thâm Tâm không
hề gửi về cho anh em một chữ nào. Thanh Châu, khi ký kết xong Hiệp định Genève,
còn biên cho tôi lại ba dòng chữ mến thương, Nguyễn Khánh Đàm còn gửi thư hỏi
thăm về rượu, Phùng Bảo Thạch còn khuyên can, Tô Hoài viết thư sáu trang to “tổ
bố”, chữ nhỏ li ti như con kiến giải thích tại sao không nên vào Nam với “đế
quốc” và “thực dân”, và nhiều bạn khác như Nguyên Hồng, Trần Mai… lại còn sôi
máu lên và không tiếc lời mạt sát… Duy chỉ có Thâm Tâm chẳng chửi mắng cũng chẳng
thương, cứ ngậm miệng lại như con hến.
Thành thử trong
suốt thời gian kháng chiến, tôi không biết tin tức gì về Thâm Tâm. Đến khi anh
mất, tôi mới biết là sau khi ở Phú Thọ anh về khu Ba một dạo và vẫn làm văn
nghệ, nhưng gia đình anh bây giờ ở đâu, còn bao nhiêu người sống, đã bao nhiêu
người chết, người vợ cưới ngày kháng chiến, bây giờ ra thế nào và có cháu nào
hay chưa, tuyệt nhiên chẳng có người nào ở đây biết cả.
Ốm đau sầu ít kẻ nâng niu
Cái tin đầu tiên báo
Thâm Tâm đã qua đời ở bên kia sông
Đuống, lúc tôi còn ở Hà Nội, cho biết anh đã bị bom của thực dân(1). Thôi thì ở trong thời chiến tranh chết
vì bom, chết vì bệnh, chết tan xác, chết cháy ra than, chết dưới gầm cầu hay
chết trên giường bịnh, chết gì cũng chỉ là chết mà thôi; nhưng riêng trường hợp
của Thâm Tâm, tôi không ngờ anh lại
sống được đến gần ngày ký Hiệp định Genève. Là vì ngay từ lúc “thiên hạ thái
bình”, Nhật chưa tới, Thâm Tâm đã ốm
yếu, gầy còm, mang đủ các thứ bịnh trong người. Anh thấp và nhỏ, da xanh mướt,
thúng thắng ho luôn. Một vài người nói trắng trợn là anh bị bệnh lao. Riêng tôi
không nói ra, nhưng nếu anh có mắc bệnh ấy cũng không có gì lạ, bởi vì Thâm Tâm chẳng khác chi Vũ Trọng Phụng,
cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc – mà có khi còn khổ hơn Vũ Trọng Phụng chỉ
phải nuôi bà và mẹ, chớ Thâm Tâm thì
phải lo tới bảy tám người trong gia đình.
Mặc dầu không nói ra, anh em đều biết Thâm Tâm không đủ sống tuy là ông cu, bà
cụ và em trai, em gái anh đóng sách, xếp sách tối ngày. Có khi không đủ ăn,
thuốc không có uống, nhưng anh không bao giờ phàn nàn than thở với anh em, mỗi
khi lĩnh lương Tiểu
Thuyết Thứ Bảy hay bán được cuốn
sách nào cho Phổ Thông Bán Nguyệt San,
Truyền Bá, anh vẫn “le” làm như
công tử con nhà giàu, mời anh em đi nhà hàng nhậu nhẹt, có khi đến hết một phần
ba phần tư số tiền.
Hình như chỉ có
những lúc như thế thì Thâm Tâm thoải mái và phởn phơ trong bụng. Rượu vào độ
mươi ly, anh hoàn toàn là một người khác lạ, không âu sầu rầu rĩ nữa, trái lại,
hoạt bát, vui vẻ, nói đâu ra đấy và thơ thẩn những khi ấy không biết ở đâu cứ
tuôn ra ròng ròng. Tôi không biết các nhà thơ, nhà văn xưa bảy bước nên thơ thì
làm ăn thế nào, chứ quả Thâm Tâm lúc say làm thơ rất lẹ. Anh xin một mảnh giấy
của nhà hàng, mượn cây viết, vừa uống rượu vừa làm, rồi quăng ra bàn để cho
người khác ngâm lên; trong khi ấy anh lại tiếp tục uống, uống đến say mèm ra
không còn biết trời đất là gì nữa.
Có một năm, làm xong số Tết Tiểu Thuyết Thứ Bảy rồi, anh em dắt
nhau lên “Phở Cháy” phố Hàng Buồm ăn tất niên. Thâm Tâm say quá, ôm lấy Nguyễn
Dân Giám ngâm thơ rồi cả hai cùng khóc hu hu lên như hai đứa trẻ. Tôi không
hiểu tại sao lại có thể có những chuyện lạ lùng như thế, nhưng tôi yên trí lần
ấy cả Nguyễn Dân Giám, tác giả Dưới
rặng thông và Thâm Tâm cùng chết, không thể nào sống nổi vì cả hai cùng
say đến điên lên, chạy ra giữa đường, đón xe điện lại; xe điện không ngừng, cả hai
nhảy cả lên rồi chui vào dưới gầm ghế nằm ngủ, sau anh em phải vực xuống đưa về
nhà.
Như trên kia đã
nói, Thâm Tâm ốm yếu bịnh tật, nhưng không có một thứ dật lạc nào anh không
ham: cô đầu, thuốc phiện, rượu, thuốc lào, thuốc lá... duy chỉ có cờ bạc là
không mấy thích. Có lẽ tại vì anh không có tiền, chớ nếu có rủng rỉnh tiền
trong túi, nhiều phần chắc chắn là anh cũng ham luôn.
Sống một cuộc đời
xô bồ, liều lĩnh, “văng tê” như thế, có người hỏi “thế thì còn thì giờ đâu mà
viết?”.
Quả Thâm Tâm là một người muốn tự tử mà
chính anh không tự biết: say rượu, say thuốc sáng đêm, bốn năm giờ sáng anh lò
dò về ngủ cho đến khi nào thức; thức mà không có anh em đến rủ rê thì cắm đầu
cắm cổ viết, viết cả ngày rồi lại chong một ngọn đèn dầu lên viết cả đêm, viết
quên chết, hay nói một cách khác, viết chết thôi, viết không đọc lại bao giờ
cả. Thơ cũng vậy, tiểu thuyết cũng vậy. Chữ anh nghiêng, nét gầy guộc, trông rõ
ràng chớ không lèm nhèm, nguệch ngoạc như đa số các nhà văn khác. Đặc biệt là
có truyện anh viết một mạch từ đầu chí cuối không xóa, sửa một chữ nào. Thường
thường, thơ có sửa vài ba chữ. Nhưng viết tiểu thuyết thì anh thấy khó khăn lúc
bắt đầu; viết không được mấy dòng đầu thì xé bỏ chớ không sửa chữa; được đoạn
đầu rồi thế là cứ vậy mà viết ra một mạch cho đến lúc ký cái tên Thâm Tâm uốn
éo vào cuối, sau khi đã vẽ lên chữ ký đó hai ngôi sao trên hai chữ a để thay
cho dấu ớ (^).
Tại sao ký là Thâm Tâm, lại có chỗ ký là Tuấn Trình?
Tôi không có dịp nào hỏi tại sao tên là
Nguyễn Tuấn Trình anh lại ký bút hiệu là Thâm
Tâm. Có điển nào không? Ai đặt cho anh tên ấy? Bí mật ấy, Thâm Tâm mang theo với anh lúc từ biệt cõi
đời.
Tôi chỉ biết một điều chắc chắn là từ
lúc bắt đầu viết bài truyện thứ nhất đăng trên Tiểu Thuyết Thứ Bảy, rồi qua
Truyền Bá, Phổ Thông Bán Nguyệt San, Ích Hữu, Bắc Hà, Thâm Tâm không hề tự mình ký là Tuấn Trình. Thế thì tại
sao trong Tiểu Thuyết Thứ Bảy lại
có truyện ký tên Tuấn Trình? Nguyên do là tại Thâm Tâm viết nhanh mà viết
nhiều: viết thơ, viết kịch ngắn, viết tiểu thuyết dài, viết truyện. Có khi anh
đưa cho nhà báo cả một tập năm sáu truyện.
Lúc ấy, ông Vũ
Đình Long làm chủ nhiệm báo, bận nhiều công việc, trao hết cả phần tòa soạn cho
tôi. Theo lẽ thì mỗi kỳ nên chọn của mỗi nhà văn một truyện để cho tờ báo súc
tích và mới lạ luôn luôn, nhưng vì tôi biết Thâm Tâm cần tiền hơn các anh em
khác nên thỉnh thoảng tôi chọn đăng trong một số, hai bài của Thâm Tâm: hoặc
một “truyện ngắn”, một “truyện có thực”, hoặc một “truyện ngắn” và một “kịch
ngắn”, và sợ rằng ký cùng một tên Thâm Tâm trong một số báo thì nhàm, tôi đã tự ý sửa cái tên “Thâm Tâm” ra
làm “Tuấn Trình” trong một vài ba truyện ngắn hay kịch ngắn.
Giá phải một nhà
văn khác thì thế nào cũng hỏi tôi về việc đó, hoặc phàn nàn sao không tham khảo
ý kiến trước khi ký là “Tuấn Trình”, nhưng Thâm Tâm thì tuyệt nhiên không bao
giờ hỏi cả. Về công việc nhà báo, anh cũng chẳng hỏi “Báo dạo này chạy không?”
hay “Lâm Mỹ Hoàng Ba, Lý Văn Sâm, Bùi Hiển, Phan Du viết như thế thì tiền nong
ra thế nào?”. Không, Thâm Tâm không hỏi gì hết. Tôi chỉ nhớ thỉnh thoảng anh
hỏi tôi: “Có thiếu thơ không?”, và một lần nữa anh hỏi: “Bài truyện viết về nhà
văn hết thời, chán đời muốn tự tử, ký tên là Thiên Tướngcó phải là của anh không?”.
Tất cả về công việc nhà báo, anh chỉ hỏi như thế, ngoài ra gặp nhau là chỉ nói
chuyện chơi bời chè rượu, chớ không đả động gì đến văn nghệ hay lý tưởng gì
hết, không nói đến đường lối, chánh sách hay chủ trương gì hết.
Những người ưa nói
đến các vấn đề ấy là Nguyễn Duy Diễn, Thanh Châu, Từ Thạch, Nguyễn Tất Thứ,
Trần Kim Dần, Thượng Sỹ…
Mà chính tôi, tôi
cũng thích lừng khừng, “phờ lếch” như Thâm Tâm là vì tôi vẫn nghĩ rằng đời đã
mệt quá rồi, viết lách khổ như chó (nguyên văn của Nguyễn Vỹ), được tí thì giờ
rảnh mà lại không tán láo với nhau, cứ lên mặt ông cụ bàn cái này, tính cái kia
thì chẳng nên sống làm gì cả. Chính Thâm Tâm có vẻ “ông cụ” hơn ai hết; nhưng
thực ra thì tự thâm tâm anh có vẻ không coi cuộc đời có tính cách gì quan trọng
hết: phải viết để kiếm tiền thì viết, chớ không phải viết ra là vì “một sứ mệnh
thiêng liêng” gì cả, có khi thích quá, để trong lòng không nổi thì viết ra chớ cũng
chẳng cần biết viết ra như thế có phải là giúp tay cho nền văn hóa dân tộc hay
không, viết ra như thế có phải là bồi bổ cho nền văn nghệ đất nước không.
Con đường đi riêng biệt của Thâm
Tâm
Tuy nhiên, đó chỉ là bề ngoài. Bên trong
anh hoài bão gì, chủ trương gì, ít có ai hiểu nổi. Duy có một điều tôi biết
chắc là dưới cái bề ngoài phóng túng “bất cần đời” ấy, tôi biết chắc là anh đã
suy nghĩ, thiết tha nhiều về nghệ thuật, và ngay từ lúc mới bước vào làng văn,
anh đã dò dẫm tìm được một con đường riêng biệt để đi và để tiến.
Lúc đó, nước ta sống trong một sự “thái
bình giả tạo”. Mỗi ngày, Pháp thực dân mỗi đối xử với dân ta độc ác hơn, dân
gian khổ sở khôn cùng, dù rằng lúc đó thế giới đã đến một khúc quanh lịch sử:
Đức, Ý, Nhật liên minh mưu đánh thực dân và đế quốc.
Trước sự chuyển mình không thể tránh
được của thế giới, phàm người nào có tâm hồn cũng vùng lên chống Pháp, hoặc
tiêu cực hoặc tích cực. Do đó một số rất đông nhà ái quốc bị cầm tù, lưu đầy
hay tàn sát. Các nhà văn, nhà báo muốn sống để làm tròn sứ mạng đành phải viết
một cách tương đối kín đáo, khả dĩ che đậy những ý kiến mình muốn nêu ra dưới
những hình thức hoặc vẩn vơ, hoặc lờ mờ, hoặc phóng túng. Điển hình cho những
bài văn uất hận với chính thể lúc bấy giờ, mà phải viết bằng những lời lẽ ngoài
mặt ôn hòa, Thâm Tâm đã cho ta đọc,
về tiểu thuyết, những truyện ngắn như Con
vờ đăng ở Tiểu
Thuyết Thứ Bảy, có ý ám chỉ đến mưu
toan thực dân nhằm diệt chủng Việt Nam, về kịch ngắn như Viễn ly không hứa hẹn về (mà tôi đành
phải giữ lại không đăng vì sự sống còn của báo) và về thơ thì như bài Ngậm ngùi cố sự mà lúc bấy giờ ai
cũng nhớ và ngâm luôn miệng mấy câu:
Cuối thu, mưa
nát lòng dâu bể,
Ngày muộn,
chuông đau chuyện đá vàng,
Chán ngán nhân
tình, sầu ngất ngất,
Già teo thân thế hận mang mang…
Bây giờ,
ngồi viết về Thâm Tâm, tôi có một
điều tự thú: nếu tôi có lỗi với Thâm Tâm,
và làm hại cho văn nghệ một khía cạnh nào, ấy là tôi đã giữ lại một số truyện
ngắn, kịch ngắn của anh không cho đăng tải. Nguyên do, như trên kia đã nói, là
sự sống còn của tờ báo; mặt khác, cũng tại vì những truyện và kịch ấy, đối với
độc giả lúc bấy giờ tối nghĩa và khó làm cho người ta thưởng thức say sưa.
Những kịch và truyện giữ lại đó, tôi giữ ở Hà Nội. Tất cả tội của tôi là không
mang theo được vào đây và đó là cả một sự thiệt thòi cho văn nghệ tiền chiến
vậy.
Theo chỗ
biết của tôi, Thâm Tâm là một người
có một cái tài đa diện: cũng như một người làm báo viết về mục gì cũng được,
anh viết về đủ loại truyện và kịch: tâm lý xã hội, cổ tích, trào phúng, lịch
sử, phong tục… Nhưng đặc điểm của Thâm Tâm
là ngay từ lúc bước vào văn nghệ, anh đã biết chọn một con đường riêng biệt để
đi: phục vụ một nền văn hóa dân tộc, kết cấu và giọng văn nhuộm màu sắc Đông
phương, nhất là Tàu – không lai căng theo Pháp hay theo Mỹ như đa số nhà thơ
lúc ấy, thí dụ Nguyễn Tuân (lúc bắt đầu viết văn) hay Xuân Diệu, Cù Huy Cận –
mà cũng không bí quá, siêu phàm quá, nhức óc quá như Chế Lan Viên, Hàn Mạc Tử…
Nhiều nhà
phê bình hồi đó cho rằng thơ Thâm Tâm
làm rung động người ta như thơ Nguyễn Bính. Thực ra, làm thơ rung động như thế
chỉ là một khía cạnh cái tài của Thâm Tâm
để “chiều thị hiếu người đọc nhất thời”. Những bài thơ đứng đắn của Thâm Tâm
đọc lên như thơ Đường vậy, gieo vần chọn chữ rất tài tình, đặc biệt là dùng ít
chữ mà nói lên rất nhiều ý nghĩ và hình ảnh. Điển hình cho loại thơ này là bài Tống biệt hành mà các cụ già hồi đó
cũng ưa ngâm và không tưởng được tác giả lại là một người mới trên dưới hai
mươi lăm tuổi.
Đưa
người, ta không đưa qua sông,
Sao có
tiếng sóng ở trong lòng?
Bóng
chiều không thắm, không vàng vọt,
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?
…
Ta biết người buồn chiều hôm trước,
Bây giờ mùa hạ sen nở nốt.
… Ta biết người buồn sáng hôm nay,
Trời chưa mùa thu, tươi lắm thay…
… Người đi? Ừ nhỉ, người đi thực!
Mẹ thà coi như chiếc lá bay,
Chị thà coi như là hạt bụi,
Em
thà coi như hơi rượu say!
Bài
thơ ấy anh em đều cho là hay, một phần vì biết tâm trạng của Thâm Tâm lúc bấy giờ.
Bấy giờ,
Nhật đến Đông Dương gieo xáo trộn, đưa ra chủ trương Đại Đông Á nhưng bên trong
thì mưu làm bá chủ Á châu, thi hành chế độ độc tài quân phiệt. Biết bao nhiêu
nhà văn chống Pháp đã bị giam cầm chết chóc; đến khi Nhật tới, lại thêm biết
bao nhiêu người khác bị tù đầy, hành hạ, chết oan chết uổng… Việt Minh nổi lên
lúc đó quả đã là một ốc đảo trong vạn lý sa mạc của đời. Những bài như Vọng nhân hành của Thâm Tâm viết hồi 1941, Tống biệt hành viết năm 1940, Vạn lý trường thành, Tráng ca là những bài mà Thâm Tâm mới thực nói ra lời được những ý
nghĩ và hoài bão tiềm tàng từ trước đến nay. Nhưng đặc biệt nhất là trong các
bài thơ tình hay thơ yêu nước, Thâm Tâm
vẫn giữ nguyên phong độ của một người trẻ tuổi mà chín chắn, say sưa nhưng
không bậy bạ, ngả nghiêng mà vẫn đượm mùi Lý Đỗ trong thuật dùng chữ cũng như
gợi ý.
Trong
Một mảnh tình, Thâm Tâm viết:
Đôi
lứa phương tâm, một mảnh tình,
Nhớ
trăng, vàng mở vẹn gương trinh,
Chén
sen ráo miệng, thề pha lụy;
Quạt
trúc trao tay, ước lỗi hình.
Gió
trái luống gào duyên cựu mộng,
Dây
oan chi riết chí kim sinh,
Say
ngùi, ta đốt tương tư thảo,
Bóng
khói qua mây, lại nhớ mình…
Thì đến
lúc anh lột xác, thơ vẫn hàm súc như thế, trầm trầm như thế, sâu xa nhưng không
rầm rộ, làm cho người ta uất ức, phấn khởi nhưng uất ức mang mang chớ không bốc
lên như lửa rơm trong một lúc, mà phấn khởi trong chữ Nhân chớ không phấn khởi trong đa sát và oán hận.
Nhà
ta cầm đợ tay người,
Kép
bông đâu áo, ngọt bùi đâu cơm?
Chông
gai đổi dại làm khôn,
Ba
vòng mòng sếu liệng tròn lại bay…
Bóng
hoa chu giáp vần xoay,
Cánh
vàng non nửa đời gầy tả tơi.
Chữ
Nhân sáng rực sao trời,
Đường
xe mở rộng chân người bước xa.
Theo
tôi, bài Vạn lý trường thành gói
ghém được hết cả cái quan niệm sống của Thâm
Tâm và hoài bão của anh về mặt đường lối chính sách.
Vạn lý trường thành nói về Tần Thủy Hoàng xây
thành dài vạn dặm, làm cho dân gian khổ ải, làm cho nhiều xóm thôn hết cả trai
vì phải đi làm dân công, nhưng đi là chết, cũng như đi ra trận, đi không bao
giờ về, để phục vụ một người, hay một bọn người ngồi trên đầu trên cổ người ta
để xây dựng danh lợi cho riêng mình.
Hỡi
ơi, huyết hãn triệu lê dân,
Chất
lại ngoài biên một triệu lần
Xây
trọn Trường thành muôn dặm vững,
Thì
muôn trường hận đắp càng căm!
…
Ta
hỏi: nghìn xưa đem máu xương,
Đắp
Trường thành để vững ngai vàng
Nhà
Tần cũng mất! Và sau đó
Vô
dụng, thành kiên cũng đoạn trường.
Và
cả Trung Hoa vỡ tựa bình,
Đến
giờ Quốc Hận máu còn tanh.
Mà
nguồn huyết lệ sao nhân loại,
Tưới
mãi không ngừng vạn chiến tranh!
Thơ Thâm Tâm bàng bạc một vị thơ Đường; văn
xuôi của anh – kịch ngắn, truyện ngắn – cũng nằm trong tinh thần đó. Người giữ ngựa, Thuốc mê, Thiếp trông chồng cũng đầy một hồn thơ cổ kính như thơ của anh,
chữ dùng chọn lựa, văn pháp nhẹ nhàng bóng bảy, văn xuôi mà có những câu hay
như một bài thơ, đại khái như trong truyện Thuốc mê tả lại cái cảnh thôn cũ xóm xưa, anh hạ một câu tả cảnh
“Buồn teo vó ngựa cảnh khuya…”. Ít chữ mà buồn se sắt quá…
Thâm Tâm và kháng chiến
Như trên kia đã nói, tôi biết
Thâm Tâm là người có tâm hồn đã lâu,
nhưng vì không có phương châm tranh đấu nên trong thời Pháp thuộc, anh em đành
chịu sống một cuộc đời “lấy lệ”, mượn chè rượu giải khuây. Anh sống cực khổ
lắm. Trước khi viết Tiểu Thuyết Thứ Bảy Thâm Tâm
là một họa sĩ vẽ tranh cho báo, mỗi tháng lấy một số lương “hàn vi” của nhà Mai
Lĩnh (lúc ấy xuất bản báo Tiểu Thuyết
Thứ Ba) và in truyện vặt bán ba xu một cuốn (mà tôi có viết giúp mấy tập
như Thằng Khởi, Hiếp dâm người chết…).
Lúc ấy, anh là Tuấn Trình. Bút hiệu Thâm Tâm được sử dụng từ lúc anh bắt đầu
viết Tiểu Thuyết Thứ Bảy. Làm Tiểu Thuyết Thứ Bảy thực ra, không đủ
sống. Lúc báo còn in nhỏ chưa phát triển mạnh, mỗi người một tháng bán được hai
truyện là cùng. Anh em phải viết báo khác; riêng Thâm Tâm không tha thiết với
vấn đề sinh kế mấy, có tiền thì đưa về cho gia đình nhưng không có thì ỳ ra mặc
kệ; anh chủ trương “Trời sinh voi, Trời sinh cỏ”, chứ cứ sống như “con lươn,
chui rúc lấm đầu khổ lắm”.
Một người như anh, lớn lên và trưởng thành trong bất
công xã hội, nhất định phải làm cách mạng, “chết thì chết chứ không thể cứ sống
mãi thế này”; nhưng phải đợi đến lúc thời cơ thuận lợi, gặp bạn gặp bè mới có
thể thực thi ý định. Bài Tống biệt
hành, theo tôi biết, làm từ năm 1939, nhưng chỉ đọc cho bạn nghe thôi,
đến 1940 mới đăng lên báo. Lúc làm bài này, Thâm Tâm bắt đầu theo kháng chiến…
Trần Huyền Trân công tác ở thành. Tô Hoài vào hoạt động ở Nam, Nguyễn Bính ở
Trung và Nam, Thâm Tâm cũng vào Nam một dạo… Lúc Việt Minh về Hà Nội, Thâm Tâm
vẫn ở bưng thỉnh, thoảng tôi chỉ biết một vài tin về anh và các bạn cũ, tuyệt
nhiên không có thư từ gì để lại.
Đến khi Pháp - Việt đánh nhau, anh em chạy ra hậu
phương, tôi gặp nhiều bạn cũ ở Việt Bắc, khu Ba, khu Tư, nhưng không gặp Thâm
Tâm một lần nào. Tôi không coi việc đó là lạ vì trong thời kỳ ấy, anh em có khi
ở cùng một khu mà hàng năm không biết nhau ở đâu, nhưng có một điều tôi hay hỏi
thăm bạn bè là tại sao trong khi Nam Cao, Nguyễn Tuân viết báo, in sách hay
hoạt động văn nghệ dưới nhiều hình thức khác nhau, tôi không thấy Thâm Tâm đâu
hết. Chẳng hiểu có làm văn nghệ nữa không? Chớ nếu vẫn làm văn nghệ thì ít ra
tôi cũng phải nhận được một hai bài thơ gửi về thành, như Hoa Thu, hoặc không thế thì tôi cũng
phải thấy một cái gì “hay hay” như Đôi
mắt của Nam Cao gửi về qua ngả Pháp… Trong suốt thời kỳ kháng chiến,
Thâm Tâm còn trước tác nữa không? Nếu trước tác thì viết được những bài thơ gì,
tạo nên những cuốn tiểu thuyết gì? Đó là điều mà tất cả anh em đều muốn biết,
nhưng chưa có dịp nào biết được.
Nói vậy mà thôi, chớ trước tác gì bây giờ cũng là không.
Tôi nhớ lúc còn sống, Thâm Tâm đã ngồi trò chuyện với tôi lâu về cái nghĩa sống
chết ở đời. Theo anh, sống ở chết về, bao nhiêu danh vọng, tiền tài đến lúc hai
tay buông xuôi cũng là “không” cả, như trong thơ Vạn lý trường thành:
Nghìn thu đi vụt có nghìn tang,
Chia với thành xưa dấu vết tàn…
Ngoại khách ngậm ngùi tìm cố cảnh,
Mấy tầng đổ nát mấy tầng hoang.
Đất đá không bền để kỷ công,
Đến giờ thiêu hủy với non sông,
Họa ra còn sót mươi nền gạch,
Hát với Càn Khôn nắm bụi lòng!
Thâm Tâm đi với kháng chiến, tích cực dự phần chiến đấu cho tự
do, độc lập và dân chủ của đất nước, nhưng có lẽ đến lúc bị bịnh tim ở Phú Thọ,
gần đất xa trời, quan niệm về sống chết của anh vẫn không thay đổi.
Tôi nghe
tin anh mất, buồn thì có buồn, nhưng không day dứt lắm, nhưng tôi chỉ băn khoăn
không biết trong những năm cuối cùng của anh thì đời sống ra sao, vợ con thế
nào. Ngoài ra, công danh, sự nghiệp - tôi cũng nghĩ như anh - chỉ là cái bọt,
cái bèo trên đại dương, còn đấy và mất đấy:
Thở
phù hơi rượu đua tranh,
Quăng
bay chén khói tan thành trời mưa.
Dặm
dài bến đón bờ đưa,
Thuyền
ai buồm lái giúp vừa cho nhau.
Kia
kìa lũ trước dòng sau,
Trăm
sông rồi cũng chung đầu đại dương.
Vẫn
biết đời là thế, nhưng còn sống một phút, còn phải làm cho tròn bổn phận làm
người, dù đói, dù khổ, dù đa bịnh: Thâm Tâm
quả là một con người xứng đáng với bốn chữ “con nhà văn tự”, một người ốm yếu
mà can đảm không hai.
“Sông
Hồng chẳng phải xưa sông Dịch
Ta
ghét hoài câu nhất khứ hề…”.
Một
công dân xứng đáng làm bổn phận xong thì nhắm mắt chết êm đềm, không ầm ĩ.
Sài
Gòn,
15-3-1970
Văn Học số 103 (15-3-1970)
Nguồn: Vũ Bằng Toàn Tập. Tập 4. Triệu Xuân sưu tầm, biên soạn,
giới thiệu. NXB Văn học, 2006.
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)