Thứ Hai, 26 tháng 8, 2013

Vầng sáng cuộc đời vầng sáng trang văn - Ngô Vĩnh Bình




Không hiểu sao mỗi khi nghĩ về những nhà văn ,nhà báo – những người cầm bút, đã ngã xuống trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại cùa dân tộc – Kháng chiến chông thực dân Pháp (1946 – 1954) và Kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954 – 1975) là trước mắt tôi lại hiện lên những vầng sáng. Ấy là thứ ánh sáng “hắt ra từ hè phố từng mảng ánh sáng vuông vắn” nơi Hàng Ngang, Hàng Đào mùa đông năm 1946 mà Trần Đăng gọi là thứ “ánh sáng phù hoa” trong tác phẩm Một lần đến Thủ đô nổi tiếng của ông... Ấy là thứ ánh sáng huyền ảo của “sắc cầu vồng” trong bài thơ cùng tên của nhà thơ Nguyễn Trọng Định , tác giả của những bài thơ bất hủ mà tuổi trẻ những năm đánh Mỹ rất thích như Nước với quê hương, Bài ca chiến đấu : Trước nhưng cơn mưa ẩm ướt/ Đột nhiên một sắc cầu vồng… Và ấy là “cái vùng sáng”của nhớ thương, vẫy gọi trong thơ Lê Anh Xuân: Cái vầng sáng bồi hồi thương nhớ ấy/ Cứ đêm đêm thao thức gọi ta về.

Bây giờ, sau ba mươi năm chiến tranh đi qua, sau bốn mươi, năm mươi năm có lẻ các anh ngã xuống, những vầng sáng ấy vân hiển hiện đâu đây, trong những câu thơ, trong những trang sách và cả trong ký ức của bạn đọc, của đồng đội, của đồng nghiệp. Dẫu rằng tìm được chỗ các anh nằm để thắp một nén tâm nhang với người hôm nay thật chẳng dễ dàng gì.

Trong số gần 400 nhà báo liệt sĩ, trong số hàng chục nhà văn liệt sĩ hy sinh trong chiến tranh 30 năm của thế kỷ trước, có lẽ Trần Đăng là người may mắn hơn cả, bởi sau 42 năm hy sinh (1949 - 1991) phần mộ của người “văn nghệ binh thứ nhất đổ máu trên chiến trường”, hài cốt của tác giả Một lần tới thủ đô đã về với Thủ đô. Trần Đăng hy sinh trên biên giới Việt-Trung ngày 26 tháng 12 năm 1949, sau rất nhiều công phu tìm kiếm, phần mộ của ông đã được phát hiện và đưa từ chân núi Kéo Lệnh bản Nà Lầu, xã Tân Thanh, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn về Nghĩa trang liệt sĩ Hà Nội nằm ở xã Tây Tựu, huyện Từ Liêm.

Còn những Trần Mai Ninh, Thâm Tâm, Hoàng Lộc, Dương Thị Xuân Quý, Nguyễn Thi… và biết bao nhiêu là nhà văn khác thì đã lẫn vào đất đai, cây cỏ, sắc trời, sắc nắng quê hương.

Tôi có may mắn được quen biết với anh Nguyễn Tuấn Khoa con trai nhà văn Thâm Tâm - Nguyễn Tuấn Trình, tác giả của bài thơ Tống biệt hành nổi tiếng từ thời Thi nhân Việt Nam (1942), một yếu nhân của báo Vệ quốc quân (báo Quân đội nhân dân bây giờ) thời chín năm chống Pháp. Anh cho biết; nhà thơ hy sinh ngày 18 tháng 8 năm 1950 trên biên giới Cao Bằng. Mộ nhà thơ đã bị thất lạc, dù rằng đồng bào, đồng chí, đồng nghiệp ở Cao Bằng, ở Hà Nội đã bỏ nhiều công phu tìm kiếm. Gia đình nhà thơ đành lấy nắm đất nơi ông nằm xuống đưa về Hà Nội làm kỷ niệm!

Nhà thơ Trần Mai Ninh - một cán bộ Đảng, một chỉ huy tài ba trong quân đội, tác giả của những bài thơ bất hủ Tình sông núi, Nhớ máu viết năm 1946 hi sinh ở vùng biển Nha Trang (Khánh Hoà) ngày 27 tháng 7 năm 1948 như một người anh hùng. Hơn nửa thế kỷ trôi qua, mãi đến ngày 31 tháng 8 năm 1999, gia đình ông (gia đình bác sĩ Trần Thanh Thanh và giáo sư Nguyễn Trọng Nhân), mới nhận được “giấy báo tử” và bằng Tổ quốc ghi công. Nhà văn Nguyễn Chí Trung, thiếu tướng quân đội Nhân dân Việt Nam, thời trẻ là một người lính dưới quyền của Trần Mai Ninh (Nguyễn Thường Thanh) đã bỏ rất nhiều công sức đi lại, tìm kiếm phần mộ của nhà thơ nhưng kết quả chỉ thấy mây trắng và biển xanh. Nhà văn đã viết một bài tưởng niệm người chỉ huy năm xưa vô cùng cảm động in trên tờ Văn nghệ quân đội. Ông còn có ý định vào xứ Thanh – quê hương thứ hai của Trần Mai Ninh, lên núi Đọ thửa đá xanh mang về Nha Trang dựng một tấm bia đề bài thơ Nhớ máu của nhà thơ - liệt sĩ với những câu:
Ơ cái gió Tuy Hoà…
Cái gió chuyên cần
Và phóng túng
Nhưng tiếc việc chưa thành thì vị tướng già đầu đã bạc, chân đã run!

Trường hợp tác giả bài thơ Viếng bạn và tập phóng sự máu lửa Chặt gọng kìm đường số 4 xuất bản từ năm 1950 lại khác. Ông là học sinh trường Bưởi (Hà Nội), một thi sĩ trẻ nhập ngũ, lên chiến khu và hi sinh lúc tuổi đời còn rất trẻ, 27 tuổi, chưa vợ, chưa con. Hiện phần mộ ông đặt tại Nghĩa trang liệt sĩ xã Đồng Quế, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc. Ông nằm đó như một người lính vô danh bởi có đến 80 liệt sĩ có cốt mà không có tên nằm ở nơi này. Là người đã từng cùng gia đình Hoàng Lộc đi tìm và đến viếng mộ ông, viết cả một cuốn sách về ông nhưng thú thực tôi cũng chưa hiểu về người thi sĩ trẻ này nhiều. Mỗi dịp tết vu lan (rằm tháng bảy) bác Phạm Ngọc Tâm (người nhà của Hoàng Lộc) đi Lập Thạch viếng nhà thơ về lại kể cho tôi thêm nhiều chuyện lạ, như thực như hư. Mấy năm trước bác Tâm có xin phép địa phương khắc một tấm bia đá đặt dưới chân đài tưởng niệm Nghĩa trang liệt sĩ xã Quế Trạo. Nội dung chỉ ngắn gọn thế này:

“Nơi đây an nghỉ nhà thơ, nhà báo Hoàng Lộc (tức Hoàng Tiến Lộc) sinh năm 1922 mất ngày 29 thang 11 năm 1949. Quê quán: Xã Chân Khê, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương” cùng bốn câu thơ trích trong bài thơ Viếng bạn:
Hôm qua còn theo anh
Đi ra đường quốc lộ
Hôm nay đã chặt cành
Đắp cho người dưới mộ
Khi tấm bia được dựng lên, nghe nói có tiếng khàn khàn của nhà thơ lẩn quất đâu đó, rằng ông còn đang ở toà soạn báo Quân đội nhân dân, rằng ông đang viếng mộ chị Mùi nơi quê nhà Châu Khê và rằng ông đang ở nhà một người anh ruột - người đã rất kỳ vọng nơi ông – trong thành phố Hồ Chí Minh.

Và cũng như các bậc đàn anh Trần Mai Ninh, Thâm Tâm, Trần Đăng, Hoàng Lộc… Nguyễn Ngọc Tấn - Nguyễn Thi, tác giả của những thiên truyện ngắn Trăng sáng, Đôi bạn và những tiểu thuyết Người mẹ cầm súng, Ở xã Trung Nghĩa hy sinh anh dũng trên đường Minh Phụng trong cuộc Tổng tiến công mùa xuân năm 1968 (24 tháng 5). Nguyễn Ngọc Tấn sinh năm 1928 ở Nam Định nhưng lớn lên, hoạt động cách mạng, làm thơ, lấy vợ sinh còn ở Sài Gòn, ở miền Đông Nam Bộ. Sau tập kết ra Bắc làm việc ở Văn nghệ quân đội rồi đi chiến trường, trở lại miền Nam để lại vợ trẻ, con trai nơi Hà Nội. Ông đã sống những ngày “ngày bắc đêm nam” rồi lại “ngày nam đêm bắc”. Ông hi sinh và để lại chỉ một chiếc bòng, vài chục cuốn sổ tay ghi chép! Miền Nam giải phóng, ba mươi năm nay đồng đội, người thân ra công tìm kiếm mà vẫn chưa thấy được phần mộ của nhà văn. Nhạc sĩ Bình Trang (vợ ông) và cháu Thu Trang (con gái ông) mỗi lần có người hỏi đến ông vào mỗi dịp giỗ ông, dịp 27 tháng 7 lại ra nghĩa trang thành phố viếng thăm ông. Nơi đây chỉ có tấm bia tưởng niệm, tấm bia mộ tượng trưng. Còn ông đã hóa đất đai, sông nước Sài Gòn! Người đời sau không thể nào thấy được chỗ ông nằm. Có thể hồn ông đang lang thang nơi đồng quên chiêm trũng Nam Định đói nghèo một thuở, cũng có thể ông tới miền Đông “gian lao và anh dũng” tìm lại dấu xưa lúc còn làm tờ Văn nghệ quân giải phóng hoặc về khu tập thể quân đội 3B Ông Ích Khiêm, nơi ông từng có một gian nhà, một người vợ trẻ và đứa con trai yêu mà ông từng lấy tên nó làm bút danh của mình - Nguyễn Thi.

Thế đấy, để có một nền Văn học cách mạng, một tủ sách văn học đồ sộ và sáng đẹp viết về chiến tranh cách mạng và người chiến sĩ những năm nửa sau thế kỷ XX đã phải đổi bằng biết bao máu xương của đồng chí đồng bào, trong đó có các nhà văn, có những người cầm bút. Tên tuổi, cuộc đời và sự nghiệp của họ là sản phẩm của một lịch sử tất yếu và khắc nghiệt. Họ - nói theo nhà văn Nguyên Ngọc trong bài Tựa cuốn Nhật ký Nguyễn Ngọc Tấn, chỉ là “một mảnh nhỏ, một góc hẹp, một giọt nước mong manh, nhưng qua đó cũng có thể thấy hiện lên, sâu thẳm, cả cuộc chiến tranh anh hùng và đau đớn mà dân tộc ta đã phải cắn răng đi qua… để có được HÔM NAY”.

Và dẫu sinh thời họ không chuẩn bị cho mình một chỗ đứng khi sống một vuông đất khi chết nhưng hôm nay họ thực sự đã trở thành những vầng sáng - vầng sáng ký ức, vầng sáng để chúng ta vượt lên, đi tới.

12-2004
Ngô Vĩnh Bình , Rút từ Hoa đào năm ngoái. Tiểu luận, Phê bình văn học. NXB Văn học

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét