Thứ Bảy, 24 tháng 8, 2013

Đi tìm hai sắc hoa Ti gôn - Tân Linh

Thật hiếm thấy tác giả nào mà cuộc đời và thơ văn đã để lại câu chuyện như huyền thoại, khiến đau đầu bao thế hệ như Thâm Tâm. Suốt nửa thế kỷ qua, bí mật về nhà thơ và huyền thoại T.T.Kh. vẫn còn là một thách đố. Ông có phải là tác giả của những bài thơ đề tên ông? Một trong những bí mật về Thâm Tâm và bài thơ Hai sắc hoa Ti gôn gắn với tác giả T.T.Kh. được xem là một huyền thoại đẹp, làm ngẩn ngơ bạn đọc nhiều thế hệ. Người ta muốn biết T.T.Kh là ai, nam hay nữ, có tồn tại hay không tồn tại? Dẫu vậy vẫn chưa có một công trình khoa học nào thuyết phục, xác tín để khép lại vấn đề.
Mải đi tìm câu trả lời còn bỏ ngỏ, một ngày cuối năm, tôi chợt giật mình khi đọc được cuốn sách có tên là Huyền thoại hoa Ti gôn. Cuốn sách dày 650 trang, khổ lớn, đề cập một cách công phu về tác giả Tống biệt hành và nghi án văn chương gắn với tác giả T.T.Kh. Có thể nói, đây là lần đầu tiên có một tác giả đã trả lại cho Thâm Tâm gương mặt thật từng bị sương khói huyền thoại và uẩn khúc thời gian làm mờ đi cái tài hoa cùng những thất vọng trong cuộc đời và tình trường của ông…
Bằng phương pháp khoa học, Ngọc Thiên Hoa đã đi tìm sự thật qua muôn vàn tư liệu văn bản, để rồi phát hiện ra đâu là Chân-Giả trong câu chuyện dài bảy mươi hai năm chưa có hồi kết. Qua bút pháp, chất giọng thơ Thâm Tâm, đã hé lộ sự thật, như chính ông đã từng thú nhận lúc còn sống: Suốt từ năm 1937 đến 1939, chỉ có ba bài thơ chính thức của T.T.Kh do chính tôi sáng tác mà thôi: Hai sắc hoa Ti gôn; Bài thơ thứ nhất; Bài thơ cuối cùng. Ngoài ra, các bài như Đan áo cho chồng, ký T.T.Kh; bài Các anh hãy uống cho say, ký Thâm Tâm, đều do các bạn tôi tự soạn ra cả. Nếu kể hết thì nhiều lắm… (). Cuộc tình của Thâm Tâm và cô Trần Thị Khánh tan vỡ từ năm 1937. Đó là một tình yêu lãng mạn có thật giữa chàng thi sĩ nghèo và cô tiểu thư 17 tuổi xinh đẹp Hà thành tên T.T.Kh. Chỉ vì lễ giáo mà nàng phải thuận theo thầy mẹ, đành lấy người không yêu, một thương gia luống tuổi, để lại nỗi đau khổ, nhớ thương cho Thâm Tâm.
Thâm Tâm đến với thơ mới muộn màng với làn hơi cổ điển đậm nét phóng khoáng giang hồ, nhưng thoát ra khỏi bi phẫn để đến với cách mạng, mang hơi thở người chiến sĩ trên từng cây số lại chỉ ngắn ngủi hơn ba năm. Như vậy mười năm sống đời nghệ sĩ (1936-1945), với mối tình như hoa như hương dù đã chia cách, dù có cố quên đi, nhưng dư âm một cuộc tình vẫn chi phối hầu hết những sáng tác để đời của nhà thơ tài năng mạng yểu này…
Tác giả đã đặt nghi ngờ những bài thơ không phải Khánh làm. Theo Thâm Tâm và Nguyễn Vĩ: Kh. yêu thơ nhưng không biết làm thơ. Nội dung từng bài chứng tỏ Kh. không thể tự mình dám ghi rõ ràng tình yêu của mình lên giấy khi đã lấy chồng. Và cho dù có khả năng, nhưng hoàn cảnh không cho phép. Những câu thơ ngoại tình tư tưởng không có khả năng ra đời trong bối cảnh cũ: Chồng tôi vẫn biết tôi thương nhớ/ Người ấy cho nên vẫn hững hờ…
Ngọc Thiên Hoa có lẽ đã tin theo Nguyễn Vĩ: chàng yêu nhớ đơn phương với mặc cảm của một nghệ sĩ nghèo bị người yêu bỏ rơi… Vì một chút tự ái văn nghệ đối với mấy người kia, Tuấn Trình đã phải thức một đêm theo lời anh, làm một bài thơ đề là Hai sắc hoa Ti gôn, ký T.T.Kh. với thâm ý là để Trần Huyền Trân và Vũ Trọng Can tin là của Khánh làm, để thương tiếc mối tình tan vỡ. Muốn giữ tính cách bí mật, Tuấn Trình dán kín bao thư, rồi nhờ cô em họ là con gái của người cô ở góc Cửa Nam mang thư đến tòa báo… Anh mượn tên cô để làm thơ kể chuyện tình duyên cũ… Vì những câu thơ như thế, ở thời đại này cũng không ai dám đọc giữa gia đình riêng của mình chứ đừng nói cách đây 2/3 thế kỷ: Nếu biết rằng tôi đã có chồng/ Trời ơi người ấy có buồn không?/ Có thầm nghĩ tới loài hoa vỡ/ Tựa trái tim phai, tựa máu hồng?
Vâng! Khó có người đàn bà nào thời ấy dám xé rào để viết nên những câu thơ nồng nàn lãng mạn như vậy rồi lại đem đăng báo: Tạm kết câu chuyện, Ngọc Thiên Hoa đã viết: Riêng bài thơ đầy tấm chân tình, đầy nước mắt nuốt ngược vô lòng trong thi pháp ẩn dụ bức họa Hai sắc hoa Ti gôn, là chính do… Thâm Tâm làm.
Chuyện tình T.T.Kh với Hai sắc hoa Ti gôn là một huyền thoại đẹp, hấp dẫn trong thi ca. Nhưng tác giả cuốn sách, vâng, chính tác giả Ngọc Thiên Hoa cũng đã làm một việc rất khoa học khi chị viết: Độc giả cũng sẽ cùng cười, chau mày, bực bội khi đọc xong cuốn Huyền thoại hoa Ti gôn. Những vấn đề còn tồn đọng, chờ người yêu văn học, quý mến Thâm Tâm tiếp bước đi tìm thi pháp cho Thâm Tâm và nhóm bạn…
TÂN LINH


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét