Chủ Nhật, 25 tháng 8, 2013

VĂN NGHỆ SĨ RA TRẬN TRONG CHIẾN DỊCH BIÊN GIỚI (1950) - Hoàng Quảng Uyên


VĂN NGHỆ SĨ RA TRẬN TRONG CHIẾN DỊCH BIÊN GIỚI (1950)
Trong thắng lợi chung của chiến thắng biên giới Thu Đông năm 1950 có công đóng góp của các văn nghệ sĩ.Lực lượng đông đảo các văn nghệ sĩ tham gia chiến dịch giải phóng biên giới đã ghi danh các tên tuổi: Các nhà thơ: Nguyễn Đình Thi, Nông Quốc Chấn, Thâm Tâm, Vũ Cao ... các nhà văn: Nam Cao, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Công Hoan, Tô Hoài, Nguyên Hồng, Thanh Tịnh, Hữu Mai..., các họa sĩ: Trần Đình Thọ, Mai Văn Hiến...
Các nghệ sĩ nhiếp ảnh: Vũ Năng An, Đinh Đăng Định ... Nhà thơ kiêm kịch tác gia Hoàng Cầm..v..v Họ ra trận với khẩu súng và cây bút (máy ảnh, giá vẽ) trên tay ghi lại những chặng đường chiến thắng, ghi lại những khoảnh khắc đẹp, những khoảnh khắc lịch sử cho hậu thế. Những tác phẩm của họ để lại đã làm ngời sáng phẩm chất anh Bộ Đội Cụ Hồ, khắc sâu dấu ấn vào cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Công lao của họ đã được Đảng, Chính phủ và nhân dân ta ghi nhận xứng đáng, phần lớn trong số họ đã nhận được những phần thưởng cao quí. Giải thưởng Hồ Chí Minh tặng các nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ nhiếp ảnh: Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Công Hoan, Nam Cao, Nguyên Hồng, Nông Quốc Chấn, Tô Hoài, Vũ Năng An .... Giải thưởng nhà nước tặng các nhà thơ, họa sĩ: Thâm Tâm, Hoàng Cầm, Vũ Cao, Trần Đình Thọ .... 
(Bác Hồ duyệt dội danh dự)

Cách đây 60 năm, quang cảnh, không khí chuẩn bị cho chiến dịch biên giới tại huyện Quảng Uyên, Phục Hoà, Đông Khê đã được nhà báo lão thành Trúc Kỳ ghi lại chân thật và sống động: "chiến dịch đang được chuẩn bị rất khẩn trương. Bộ đội và dân quân ngược xuôi hối hả. Lừa ngựa, rồi xe vận tải, xe kéo pháo.... ùn ùn chảy như một dòng suối. Chưa bao giờ đường ra mặt trận lại đông vui, nhộn nhịp như lần này. Cứ y như trẩy hội". Nhà văn Tô Hoài, Nam Cao, nhà thơ Nông Quốc Chấn, Hoạ sĩ Trần Đình Thọ .... làm báo Cứu Quốc trên dãy Phja Bjoóc từ năm 1947, nay tham gia chiến dịch biên giới. "Chiến dịch biên giới này, Nam cao và tôi cùng tham gia. Mỗi người theo một mũi khác nhau ra mặt trận. Nguyễn Huy Tưởng và Nam Cao cùng Bộ đội lên Cao Bằng. Tôi đi với dân công Châu Bắc Sơn lên Châu Thoát Lãng, đến đây gặp Nam Cao chúng tôi cùng qua vùng địch đường số 4 giữa Thất Khê, Na Sầm rồi mỗi người theo một cánh quân. Đến khi Cao Bằng giải phóng, mới gặp lại Nam Cao ở Nước Hai" (Tô Hoài - Khi nghe gió thổi qua Phja Bjoóc). Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng theo sát bộ đội trong suốt cả chiến dịch đã viết nên những trang ký sự chân thật, sinh động, những trang văn thấm đẫm máu và nước mắt mà nay đọc lại vẫn rưng rưng niềm xúc cảm vô bờ. Đây là cảnh Cao Bằng trong những năm gian lao mà anh dũng: "Cao Bằng giang sơn của Phụ nữ, của những người mẹ vắng con, của những người vợ goá còn trẻ, chồng bị giặc giết khăn vuông và thắt lưng trắng, của những người vợ lặng lẽ mong tin chồng đánh giặc ở xa. Cao Bằng đã ba năm kiệt quệ vì giặc phá hoại, ba năm gánh vác những chiến dịch mở liên miên, Cao Bằng bị giặc dồn vào các hang, các hốc, Cao bằng đã phải ăn ngô, ăn sắn, ăn cháo. Lại một lần nữa, cao Bằng tự vắt mình để dốc hết người và của vào trận đánh mới". (Ký sự Cao Lạng - Nguyễn Huy Tưởng toàn tập . Trang 186-187). Còn đây là cận cảnh những giây phút hy sinh anh dũng của anh hùng Trần Cừ; "Trần Cừ băng băng lên trước. Một chú liên lạc đang cố dún người lên để ném lựu đạn vào một lỗ châu mai là là mặt đất, Cừ nói:

- Chú đưa anh một quả, phải triệt lỗ châu  mai này mới tiến được.

Anh mở nút lựu đạn xông lên. Những tràng đạn liên thanh, những chai thuốc nổ từ trong ném ra. Trần Cừ lảo đảo. Anh hô to:

- Giải phóng Đông Khê! Hồ Chủ Tịch muôn năm! Đảng cộng sản Đông Dương muôn năm!". (Trang 234-235).
Và quang cảnh ngày chiến thắng hiện trên một cái biểu ngữ đồ sộ trên đỉnh đèo Trát "Trước người ta đề: Hoan nghênh Đông Khê giải phóng. Sau lại được tin giải phóng Cao Bằng, họ viết thêm Cao Bằng bên Đông Khê... Trên khoảng trắng dài kia của biểu ngữ, tác giả còn điền thêm nhiều tên đồn, huyện, tỉnh, thành phố, đường xá, hải cảng sắp thu hồi, và nhất định tác giả còn phải dán lên nhiều lần giấy nữa, để một ngày nào đó không xa lắm, nhưng còn mang theo nhiều đau thương tang tóc, anh chỉ cần viết gọn hai tiếng Việt Nam". (Trang 305 - 306).
( Bác Hồ quan sát trận địa Đông Khê )

 Nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Năng An được vinh dự theo Bác Hồ ra trận, ông đã ghi được những bức ảnh vô giá về chiến dịch biên giới, nổi bật nhất là bức ảnh: Bác Hồ quan sát trận đánh đồn Đông Khê. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đinh Đăng Định trong lần theo Bác Hồ trở lại Cao Bằng (1951) cũng đã ghi được những bức ảnh rất có giá trị. Nhà thơ Nguyễn Đình Thi đã có những câu thơ hào sảng về chiến thắng biên giới:

Cao Bằng đèo lên cao vút
Bên kia sáng trời Trung Hoa
Ta đạp quân thù ngã gục
Ta chào thế giới quanh ta

Lạng Sơn những đồi lộng gió
Những đêm vang tiếng cọp gầm
Sông Kỳ Cùng ào ào súng nổ
Những ngày mải miết quân hành

                                  (Quê hương Việt Bắc)

Nhà thơ Nông Quốc Chấn, "thay lời" người dân Cao - Bắc -Lạng giải phóng, được Dọn về làng cũ:

Hôm nay Cao - Bắc - Lạng cười vang
Dọn lán  rời  rừng, người xuống làng
Người nói cỏ lay trong bụi rậm
Con cày mẹ phát, ruộng ta quang
Đường cái kêu vang tiếng ôtô
Trong trường ríu rít tiếng con trẻ
Mờ mờ khói bếp bay trên mái nhà lá.
                                            (Dọn về làng - 1950)

Nhà thơ Hoàng Cầm, trưởng đoàn văn công quân đội, đưa đoàn lên biểu diễn phục vụ bộ đội trong chiến dịch biên giới, đã có những dòng thơ cảm tác:
 Núi cao sương mờ trời lạnh
Tiếng máy bay nặng nề đôi cánh
Đồn giặc xác xơ

Cao Bằng ơi
Nắng Nguyên Bình trong vắt tự bao giờ
Càng sáng tỏ lưỡi dao gài  lá sắc.
Đã  mờ phai gót chân  loài giặc
Trên đồi mía ngọt tình quê

Gồng gánh lanh canh tíu tít quay về
Hòm  sơn đã mục
Noọng nhoẻn cười áo bạc phong phanh...

"Binh chủng" văn nghệ sĩ tham gia chiến dịch biên giới có người đã hy sinh trên đường làm nhiệm vụ. Ở đây xin hồi tưởng lại những phút cuối cùng của Thâm Tâm - trước ngày nổ súng đánh đồn Đông Khê (16/9/1950) qua lời kể của nhà báo Trúc Kỳ: "khoảng 4 giờ chiều, tôi tới nơi Thâm Tâm ở. Đó là bản Riềng, một bản ở sát núi đá, trên con đường từ Phục Hoà đến Thuỷ Khẩu. Thâm Tâm được điều ra đây để làm báo Tiền Tuyến, tiếng nói của quân đội trong mặt trận Cao Lạng. Khi tôi đến, toà soạn chỉ còn anh Tâm và một chú liên lạc. Theo kế hoạch thì anh và chú liên lạc sẽ cùng ở với bộ phận ấn loát có mười hai người, được tách ra từ nhà in quân đội lên đây phục vụ chiến dịch. Bộ phận này có nhiệm vụ in tờ báo và tất cả các tài liệu tuyên truyền mặt trận. Do phải mang nặng máy móc và các phương tiện ấn loát, đường lại quá xa, nhiều đoạn lầy lội và đèo dốc khó đi nên anh em đến không kịp hẹn ".

Nhà báo Trúc Kỳ được trên điều về thay Thâm Tâm đang ốm nặng. Gặp Thâm Tâm, thấy Thâm Tâm yếu quá bèn cho cáng về đơn vị đóng ở Hoà An. Thâm Tâm đã mất trên đường đi. Trúc Kỳ đã đưa Thâm Tâm vào bản Pò Noa (xã Phi Hải, huyện Quảng Uyên) gặp bí thư chi bộ để lo mai táng cho Thâm Tâm. Ông Trúc Kỳ cảm động nhớ lại: "vâng, anh (bí thư chi bộ) đã vượt ra ngoài phong tục, tập quán bản làng, cho đưa  người chết vào nhà mình, lại tháo cánh cửa nhà mình tự tay đóng quan tài cho một người anh không hề quen biết và cũng không hề có thân thuộc gì. Chúng tôi khóc Thâm Tâm lại khóc vì cảm động trước những việc làm đầy tình đồng chí của anh mà cho tới bây giờ chúng tôi cũng không thể nào quên được".

Nhà thơ Thâm Tâm tên thật là Nguyễn Tuấn Trình, quê thị xã Hải Dương. Trước cách mạng đã đăng thơ, truyện trên tuần báo tiểu thuyết thứ bảy ở Hà Nội. Sau cách mạng tham gia biên tập tạp chí Tiền Phong của hội văn hoá cứu quốc, viết một số vở kịch phục vụ cách mạng và kháng chiến. Trong kháng chiến chống Pháp làm thư ký toà soạn báo Vệ Quốc Quân vừa sáng tác vừa tích cực hoạt động xây dựng văn nghệ kháng chiến. Ông là tác giả bài thơ nổi tiếng Tống biệt hành (được đưa vào giảng dạy trong chương trình ngữ văn bậc phổ thông trung học).

Trong đám tang nhà thơ Thâm Tâm, một nghệ sĩ nhiếp ảnh đã chụp 6 bức. Nhờ sáu bức ảnh này, tôi (Hoàng Quảng Uyên) đã tìm ra nơi an táng nhà thơ Thâm Tâm ở bản Pò Noa, thôn Thạch Bình, xã Phi Hải, huyện Quảng Uyên. Năm 2007 nhà nước ta đã truy tặng Thâm Tâm giải thưởng nhà nước. Chúng tôi và gia đình nhà thơ đã xây một ngôi mộ nhỏ nơi ông được an táng lần đầu tiên.

Tôi xin nói ra ngoài lề một chút, trong và sau chiến dịch biên giới có 2 nghệ sĩ nhiếp ảnh được vinh dự theo Bác Hồ chụp ảnh. Họ đã để lại 2 bộ ảnh vô giá, nhưng họ không ghi địa điểm, thời gian chụp (vì bí mật) nên giờ đây rất khó xác định cụ thể từng tấm ảnh. Nếu chúng ta xác định được ngày tháng, nơi chụp ảnh thì sẽ "dựng" được lịch sử chiến thắng biên giới qua những bức ảnh đẹp và sinh động, chân thật đó. Việc này dễ mà khó. Khó nhưng không phải không làm được. Tôi rất mong được tham gia cùng các cơ quan hữu quan thực hiện "việc khó" này.
Sáu mươi năm đã trôi qua - chiến thắng biên giới năm 1950 đã lùi xa nhưng chiến công và ý nghĩa của chiến thắng vẫn còn mãi. Hình ảnh chiến thắng biên giới đã lưu lại trong lịch sử bằng những bài viết, những thiên hồi ký, những nghiên cứu lịch sử có giá trị và cả những bài thơ, trang văn, những bức ảnh, những bức vẽ của các văn nghệ sĩ tham gia chiến dịch biên giới ghi lại và sáng tạo nên./.

    Nhà văn Hoàng Quảng Uyên
(13/09/2010 02:35 PM)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét