Thứ Tư, 11 tháng 9, 2013

Người ra đi có trở lại - Nguyễn Mỹ Trang

Trên mục "tao đàn" của Hương đầu mùa (Vòm xanh lao xao) mở cuộc thi bình thơ với bài Tống biệt hành của Thâm Tâm.
HDM kỳ này giới thiệu bài viết của bạn NGUYỄN MỸ TRANG - cháu nội nhà thơ Thâm Tâm. Bài đoạt giải ba cuộc thi.
BÚT TÍM

Xuất hiện lần đầu tiên trên báo Tiểu thuyết thứ bảy năm 1940, có thể nói Tống biệt hành là một sáng tác thành công nhất của Thâm Tâm và có lẽ, nó đáng được xếp vào hàng những bài thơ mới hay nhất của nền thơ Việt Nam trước cách mạng.
Nửa thế kỷ qua, đã có biết bao bài phân tích, bình phẩm, biết bao khám phá đầy tinh tế, và cũng có biết bao ý kiến đánh giá rất khác nhau về Tống biệt hành. Phải chăng tất cả bắt nguồn từ cái lạ lùng riêng biệt của bài thơ và tác giả? Đúng như nhận xét của giáo sư Hoàng Ngọc Hiến, "Biệt ly là một chủ đề trung tâm trong sáng tác của Thâm Tâm", nhưng điều đáng chú ý là ở chỗ, cuộc chia ly trong thơ ông không bi thương đầy nước mắt như cảnh lưu biệt của những kẻ tình nhân, cũng không rầm rộ, hừng hực hào khí như sự lên đường ra mặt trận của các chiến sĩ cách mạng đương thời. Tất cả chỉ là một tình cảm thâm trầm, lắng đọng nhẹ nhàng, một thứ tình cảm rất Thâm Tâm!
Đưa người ta không đưa sang sông
Sao có tiếng sóng ở trong lòng?
Bóng chiều không thắm, không vàng vọt,
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?
Một bến sông, một buổi hoàng hôn, một người đi, một kẻ ở lại... dường như Thâm Tâm đã là họa sĩ vẽ nên bức tranh chia ly vào lòng người. Hô sóng vào lòng, gọi hoàng hôn lên mắt, Thâm Tâm lại thoắt trở thành nhà phù thủy thổi hồn vào bức tranh ấy. Trong lịch sử văn thơ, chắc chắn "sóng trong lòng" và "hoàng hôn trong mắt" đã xuất hiện ít nhiều đâu đó, nhưng ngoài Thâm Tâm, đã có ngòi bút nào viết nên những câu hỏi tu từ mang đầy tính lãng mạn tuyệt vời như thế hay chưa? Hỏi đấy, mà đâu cần trả lời, bởi hoàng hôn đong đầy "trong mắt trong" chính là nỗi rưng rưng, là niềm xúc động trong lòng người ra đi. Nhưng vì sao tất cả những cảm xúc nội tâm ấy lại được bao bọc bằng một cái vỏ có vẻ như ngang tàng, bất cần đời:
Đưa người, ta chỉ đưa người ấy
Một giã gia đình, một dửng dưng...
khiến cho không ít người đã lầm tưởng rằng người ra đi hoàn toàn "dửng dưng", đối lập với sự xao xuyến, thảng thốt của kẻ đưa tiễn? Theo tôi, chẳng có lý do gì hơn ngoài cái "chí lớn" của người đi. Cái "chí lớn" ấy có thể khiến con người ta trở nên hùng dũng, dứt khoát đến mức:
Chí lớn chưa về bàn tay không
Thì không bao giờ nói trở lại
Ba năm mẹ già cũng đừng mong
có thể thổi bùng cái chí khí của người trai để "Mẹ thà coi như chiếc lá bay, chị thà coi như là hạt bụi, em thà coi như hơi rượu say", nhưng lại không thể ngăn được người buồn từ "chiều hôm trước", buồn tới cả "sáng hôm sau". Những ý thơ tả tâm trạng người đi đã được đan lồng khéo léo vào cảnh vật, vào thời tiết, thiên nhiên khiến người đọc đôi khi cảm thấy như có một sự đột biến nhưng lại không hề làm rối ý bài thơ. Ai cũng biết rằng cuối hạ sen tàn, nhưng không hẳn là đã hết, ai chẳng hay rằng trời sắp sang thu nhưng vẫn còn "tươi lắm thay". Bởi cho dù là chỉ còn lại thưa thớt, nhưng những đóa sen muộn mằn vẫn cứ nở và "một chị, hai chị" cũng muộn mằn như sen cuối hạ, những người chị đã khóc cạn nước mắt nhưng vẫn còn lại một "dòng lệ sót" khóc nốt trong ngày đưa tiễn em. Cái "dòng lệ sót" ấy chứa chan bao nỗi thương em, đong đầy bao nỗi nhọc nhằn đời chị, nhưng liệu nó có thể giữ chân người ra đi vì chí lớn hay không? Cũng một mạch thơ ấy, tiết trời sắp sang thu tươi sáng đã gợi sự liên tưởng tới "đôi mắt biếc" ngây thơ của đứa em, nhưng những thương nhớ "gói tròn" trong chiếc khăn tay nhỏ bé kia chẳng thể nào ngăn nổi "Người đi? Ừ nhỉ, người đi thực!". Cả cuộc chia ly với bao nỗi niềm thương nhớ đã trải dài theo suốt bài thơ, để đến cái phút cuối này chợt giật mình bừng tỉnh, chợt ngỡ ngàng nuối tiếc. Phải chăng tận đáy lòng người đưa tiễn vẫn đọng lại một niềm hy vọng, cho dù ngàn lần mong manh, rằng người đi sẽ ở lại? Nhưng dù sao, cái giây phút thảng thốt cuối cùng này rồi cũng phải qua đi, nhường bước cho cái "chí lớn" bao trùm cả bài thơ. Ở đây, tôi không đồng ý với nhận định rằng: "ở lại thì bế tắc, nhưng ra đi chưa thấy  gì là tươi sáng" (Vũ Quần Phương - Thơ với lời bình, NXB Giáo dục, 1990), bởi người ra đi là người ôm mộng lớn, là người biết hy sinh những tình cảm riêng tư cho sự nghiệp. Hơn nữa, trong cả bài thơ, không có một ý nào khẳng định rằng sự ra đi này là "một đi không trở lại", điều đó chỉ xảy ra khi "chí lớn chưa về bàn tay không" mà thôi!
Theo tôi, Tống biệt hành là một chiếc cầu nối giữa văn thơ lãng mạn và văn thơ cách mạng, vì thế, cho đến khổ cuối thì từng dòng thơ vẫn toát lên một âm điệu rắn rỏi, dù là sự rắn rỏi trong nỗi bùi ngùi lắng đọng bị kìm nén. Và người đi ngày ấy đã ra đi... Nhưng tôi đã thấy những người ra đi ấy trở về. Họ trở về trong mắt mẹ, trong mắt chị, trong mắt em và trong mắt ai người trông ngóng...
Nguyễn Mỹ Trang
(11B Chuyên Hóa, ĐHTH Hà Nội)
Hoa học trò - Hương đầu mùa sinh viên
Số tháng 2 - 1995, tr. 14-15

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét