TTO - Khi
những náo nhiệt của hội sách TP.HCM đã qua, khi không còn phải mướt mồ
hôi, chen chân chọn mua sách... giảm giá, ắt là đã đến lúc ngồi lại,
thật sự cầm những cuốn sách lên và đọc.
Ảnh: Quân Khuê |
* Thuốc mê, tiểu thuyết của Thâm Tâm, Tao Đàn & NXB Văn Học
Có một Thâm Tâm thi sĩ đã quá nổi tiếng với Tống biệt hành và những giai thoại gắn liền với TTKH. Khó hình dung ra chàng thi sĩ u uất và u sầu (trong thơ) ấy từng viết tiểu thuyết. Cũng khó hình dung ra làng quê Việt Nam từng có những tục như được kể trong Thuốc mê, nhất là với người đọc ngày nay.
Đó là câu chuyện về một tập tục ở một ngôi làng Bắc bộ, ở đó hằng năm làng chọn ra một người con gái mang theo thuốc mê và thuốc độc đi sang làng khác quyến rũ đàn ông rồi giết anh ta, và chỉ được trở về làng khi còn trinh tiết. Truyện được viết gọn, sắc. Mạch truyện nhanh, giàu kịch tính.
Đọc Thuốc mê vào đầu thế kỷ 21 là để hiểu hơn một chút về một mảng làng quê đầu thế kỷ 20 và để tìm những kết nối mong manh giữa hiện tại và quá khứ.
* Không ai qua sông, tập truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư, NXB Trẻ
Văn chương thế giới không thiếu những nhà văn chuyên chú khai thác một vùng đất. Nguyễn Ngọc Tư cũng thế. Hầu hết tác phẩm của chị xoay quanh cảnh và người miền Tây Nam bộ.
Tuy nhiên, chị luôn sở hữu năng lực làm người đọc ngạc nhiên, cả khi người đọc ngỡ đâu không còn gì mới lạ trong truyện ngắn của chị.
Đọc Không ai qua sông, rất dễ nhói tim vì những chuyện ất ơ của đời sống miệt quê. Đó có thể là chuyện một cậu trai đâm chết thằng bạn thân chẳng vì lý do gì (Giữa mùa Chán Chết), chuyện một cậu trai khác mắc kẹt trong một vùng đất “yên ả” đến tẻ nhạt (Tiều tụy vòng quanh), hay chuyện một cậu trai khác nữa mắc kẹt lưng chừng trời trong một vụ tình ái vụng trộm.
Không ai qua sông còn là tập truyện của những hụt hẫng mà ở đó vợ chồng hay tình nhân chia tay nhau vì những nguyên nhân người ngoài tưởng nhỏ như con kiến mà người trong cuộc thấy to bằng con voi (Vực không đáy, Dây diều).
Truyện dài nhất tập mang cái tên đầy tham vọng là Đất. Ở câu chuyện trải qua bốn thế hệ, dữ dội không kém Cánh đồng bất tận này, không thể không phục tác giả tài gói ghém chi tiết, dàn dựng nút thắt nút mở. Tuy nhiên, vì dụng công nhiều quá nên Đất có thể không gây “ép phê” bằng Cánh đồng bất tận.
* Hồ, Kawabata Yasunari, Uyên Thiểm dịch, Nhã Nam & NXB Văn Học
Ám ảnh về cái đẹp là chủ đề thường gặp trong tác phẩm của Kawabata - nhà văn Nhật, chủ nhân giải Nobel văn chương 1968. Hồ lần đầu tiên được dịch ra tiếng Việt, và là một trong số hiếm hoi tiểu thuyết của ông được dịch trực tiếp từ nguyên ngữ.
Tác phẩm là câu chuyện về Gimpei - người đàn ông kỳ quái bị ảm ánh bởi vẻ đẹp của các cô gái, đồng thời lại mang trong người mặc cảm về cái xấu. Ám ảnh làm cho anh ta trở nên kỳ quái, thậm chí bệnh hoạn, nhưng tận cùng trong anh ta là một tâm hồn cô đơn và dễ bị tổn thương.
Có lẽ phần nào Gimpei cũng là hình ảnh nước Nhật thời hậu chiến.
Văn của Kawabata bảng lảng như mặt hồ đầy sương khói, mang vẻ khó nắm bắt đặc trưng. Không thể không nói thêm rằng ấn bản Việt ngữ này có bìa thật hợp.
* Quấn-Quít, Émile Ajar (Romain Gary), Hồ Thanh Vân dịch, Nhã Nam & NXB Văn Học
Một đô thị mười triệu người trong đó bao nhiêu người cô độc? Bao nhiêu người bất lực khi thiết lập mối giao tiếp với người khác?
Bao nhiêu người không thể chia sẻ buồn vui với con người, và thay vào đó, chia sẻ với một con trăn? Và bao nhiêu người sẽ hóa thành trăn theo một cách nào đó?
Quấn-Quít, cũng là tên con trăn mà nhân vật chính nuôi làm bạn tâm giao, là cuốn tiểu thuyết viết về sự cô độc kỳ lạ bậc nhất, với ngôn ngữ kỳ lạ bậc nhất (có thể cảm nhận điều này qua bản dịch tiếng Việt của Hồ Thanh Vân).
Émile Ajar là bút danh khác của Romain Gary, tác giả của những tác phẩm xuất sắc khác đã được dịch ra tiếng Việt như Lời hứa lúc bình minh, Cuộc sống ở trước mặt, Bao người chờ đợi...
Quân Khuê
Nguồn: http://tuoitre.vn/tin/van-hoa-giai-tri/20160407/doc-sach-moi-cua-tham-tam-yasunari-emile-ajar-va-nguyen-ngoc-tu/1080343.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét