Thứ Bảy, 29 tháng 3, 2014

Cha tôi trong nỗi nhớ

Nguyễn Tuấn Khoa
Thực ra tôi không được sống gần gũi với cha tôi nhiều, năm tôi sinh ra là năm Kháng chiến toàn quốc. Tháng 11, một loạt sự kiện xáy ra, tôi sinh ra trong những ngày cha tôi chuẩn bị lên đường kháng chiến, nên ông không ở nhà. Ngày 19-12-1946, gia đình tôi về Hải Dương quê nhà, được mấy ngày thì cả gia đình sang Thái Bình. Trước đó, năm 1938, khi cha tôi 21 tuổi thì cả gia đình chuyển lên Hà Nội.
Nhà thơ Liệt sĩ Thâm Tâm (1917-1950)
Rồi năm 1948, khi gia đình quay về Hải Dương thì cha tôi về thăm nhà, nhân chuyến công tác về vùng địch hậu liên khu III. Bài thơ Chiều mưa đường số 5 ra đời trong những ngày đó. Những dòng thơ cồn cào nhớ nhung vùng Việt Bắc xa xôi:
Chiều mưa ngàn mai nở
Hoa phới bay mùa xuân
Bếp sàn gây ngọn lửa
Chén trà ngát tình dân
Chiều mưa lùa các cửa
Ngày bộ đội hành quân
Mẹ già không nói nữa
Nước mắt nhìn rân rân ...
Chiều mưa giã gạo mau
Chầy tập đoàn thình thịch
Ơi núi thẳm rừng sâu
Trung đội cũ về đâu
Biết chăng chiều mưa mau ...
Sau này lớn lên tôi mới biết bài thơ đó. Lúc về thăm gia đình, cha tôi có mang theo một cái máy ảnh (lúc này ông là Thư ký tòa soạn báo Vệ quốc quân), nên có chụp một vài kiểu. Đó là kiểu tôi ngồi với ông nội, ảnh riêng tôi (năm ấy khoảng 2, 3 tuổi). Sau đó từ Việt Bắc cha tôi gửi về. Bây giờ tôi vẫn còn giữ những bức ảnh ấy. Đó là lần duy nhất cha con tôi gặp nhau. Năm sau 1949, gia đình tôi chạy tản cư vào Thanh Hóa, thỉnh thoảng có nhận được thư của cha tôi. Thư nào ông cũng hỏi thăm cặn kẽ, chu đáo về tình hình gia đình, các chị.
Ảnh Thâm Tâm chụp con trai Nguyễn Tuấn Khoa, 1948
Nguyễn Tuấn Khoa và ông nội
Cuối năm 1950, ở nhà có nghe tin qua một vài người quen biết, nói rằng cha tôi đã mất, hình như báo chí trong vùng địch hậu cũng đăng tin đó. Tôi nhớ một lần, mẹ tôi bị bệnh thương hàn, thấy các cô chú cứ xì xào nhỏ to chuyện gì đó, mà không cho mẹ tôi biết, thì ra đó chính là tin bố tôi mất. Lớn lên một chút, tôi biết mấy chú ở báo Vệ quốc quân có chuyển về cho gia đình tôi giấy báo tử, thư chia buồn ... Ở giấy báo tử, người ký tên là Hoàng Xuân Tùy. Sau này, khi tôi học ở ĐH Bách Khoa thì ông là Hiệu trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy trường, rồi Thứ trưởng Bộ Giáo dục.
Khi cha tôi mất, tôi còn bé, tôi cứ hình dung cái chết của cha tôi. Lớn lên, gặp nhà văn Vũ Cao, tôi mới biết được những phút cuối cùng ấy. Ông mất ở một nhà sàn, gần biên giới, trước chiến dịch Biên giới.
Tôi được mẹ tôi và các bác kể về cha tôi nhiều, nhất là khi tôi lớn lên. Tôi luôn tưởng tượng ông là người sống cẩn thận, hơi nghiêm khắc, lạnh lùng, và có lẽ pha một chút ngang tàng như các chú tôi. Vào năm 1940, gia đình ông tôi nghèo túng, lại đông con, nên ông nội tôi làm đủ các nghề để sinh sống, khi đóng sách, khi là ông giáo làng. Lên Hà Nội, gia đình tôi ở số 7 Đội Cung - tức phố Thái Phiên bây giờ. Ngôi nhà gia đình ông tôi ở bây giờ được thay thế bằng ngôi nhà 3 tầng đồ sộ. Cha tôi và mẹ tôi quen nhau ở đây trong những ngày này. Mẹ tôi là công nhân của hãng dệt Phúc Lai (một hãng dệt tư nhân ở Hà Nội), hãng này có nhiều cơ sở. Cơ sở bán hàng mẫu ở phố Huế, mẹ tôi làm ở đây. Tôi nói đôi nét về gia đình mẹ tôi. Gia đình ông ngoại tôi gốc ở Thanh Hóa, nhiều con gái. Mẹ tôi là con út, khi lớn lên các chị gái đều lập gia đình, nên mẹ tôi cũng muốn đi làm sớm. Nhà ông ngoại tôi ở dốc Tam Đa. Mẹ tôi có người chị học cùng với chị bố tôi ở Hải Dương, thấy mẹ tôi bán hàng ở phố Huế liền giới thiệu về nhà ông nội tôi, để đi làm cho gần. Theo mẹ tôi nói, bố tôi đi suốt ngày, mỗi khi về nhà thức rất khuya viết lách, đôi khi vẽ tranh (để bán), bố tôi có khiếu hội họa. Bạn bè bố tôi rất đông, đôi khi về uống rượu bàn chuyện thơ văn ào ạt một lúc rồi đi ngay. Những người quen biết vời gia đình tôi nay còn sống như nhà văn Thanh Châu, ông Ngọc Giao… Hai người bạn thân thiết và tâm đắc của cha tôi là nhà thơ Nguyễn Bính và nhà thơ - nhà viết kịch Trần Huyền Trân. Hai ông này không ngày nào không đến nhà tôi. Cho đến bây giờ, tôi vẫn không cắt nghĩa vì sao các cụ lại thân nhau đến như vậy, bởi cả ngoài đời và văn phong thật khác nhau.
Cha tôi làm thơ nhiều, nhưng bài Tống biệt hành được mọi người yêu thích hơn cả. Tôi biết bài thơ không phải do khi đi học được dạy mà do bác tôi thường đọc và tôi nhớ. Lúc ấy tôi đâu có biết nó hay hay không hay, mà vì giọng thơ lạ so với những bài thơ khác. Nó không phải nói về nỗi buồn hay chia cách, mà lúc ấy làm sao tôi cảm nhận được, mà cái chính là sự ngang tàng, chí quyết ra đi, coi tất cả sự ràng buộc của các mối quan hệ, tình cảm như hạt bụi, chiếc lá… Năm 1961, trong Tuyển tập thơ Việt Nam 1930-1945 có in bài thơ. Lần đầu tiên, tôi đọc nó một cách chính thức và đầy đủ.
Viếng mộ Nhà thơ Thâm Tâm ở Quảng Uyên, Cao Bằng
Nhắc đến chuyện thơ ca, tôi nhớ đến một kỷ niệm. Ngày tôi còn bé, bố tôi mất, gia đình tôi được đón lên ATK (An toàn khu Thái Nguyên) ở. Sống cùng với các ông Nguyên Hồng, Nguyễn Huy Tưởng, các ông ấy cứ hay hỏi và thử xem liệu tôi có biết làm thơ hay không. Nhưng chẳng hiểu vì sao tôi lại theo con đường khoa học tự nhiên, thỉnh thoảng có viết lách đôi chút cho riêng mình…
Ngoài những bài thơ cha tôi sáng tác, có bài Hai sắc hoa Tigôn cũng thường được mọi người nhắc tới với tên cha tôi. Cũng có người xì xào đó là những câu thơ liên quan đến chuyện tình riêng tư của ông! Đã có lần tôi hỏi ông chú tôi, ông chỉ cười rồi nói: “Đó là chuyện đã lâu rồi…” Tôi hỏi mẹ tôi thì bà nói: “Bố mày làm văn chương chắc có nhiều bạn, cũng có thể có nhiều mối tình…” Tôi không tìm hiểu sâu thêm chuyện này vì nghĩ nếu trong đời có một chuyện tình như vậy, thì cũng là chuyện tình đẹp, dù có ngang trái…
Đọc những bài viết, hồi ức của các nhà văn, nhà thơ bạn cũ của cha tôi, tôi càng thêm quý yêu Người. Tôi cũng rất quý trọng tình cảm của các nhà văn, nhà thơ bạn bè của cha tôi. Tôi muốn có dịp nào đó tổ chức cuộc gặp gỡ có đông đủ bạn bè, các nhà văn, nhà thơ để cảm ơn tấm lòng mọi người với cha tôi. Tôi cũng mong có dịp gặp các anh các chị con nhà thơ Nguyễn Bính, Trần Huyền Trân, đấy là dịp để các con thắp nén hương tưởng nhớ những người cha thân yêu của mình.
PHƯƠNG THẢO ghi
Nguồn: Đặc san Văn nghệ, số 3, năm 1992, trang 11